Chiều 2/11, Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề về bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia, nhấn mạnh, tình trạng mất ATGT đối với đối tượng học sinh không phải là vấn đề mới, tuy nhiên để có những giải pháp hiệu quả đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội.
Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông hiện nay ngày càng phổ biến và có nhiều diễn biến phức tạp. Qua số liệu cho thấy, lỗi vi phạm học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm 47,59% và hệ quả là tai nạn giao thông liên quan điều khiển xe trên 50 phân khối chiếm 71,31%.
Dự Hội nghị ở điểm cầu Cà Mau có Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử, cùng thành viên Ban ATGT các cấp, đại diện lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các địa phương, các đơn vị phòng giáo dục và đào tạo.
Theo số liệu thống kê của Uỷ ban ATGT Quốc gia từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/10/2023, cả nước xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi), chiếm 8,96% số vụ TNGT, làm chết 490 người (chiếm 8,91% số người chết), bị thương 827 người (chiếm 11,86% số người bị thương); so với cùng kỳ năm 2022, tăng 8 vụ, giảm 33 người chết, giảm 34 người bị thương.
Riêng tại địa bàn tỉnh Cà Mau, chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ TNGT liên quan đến học sinh, làm 2 người chết và 1 người bị thương, tăng 2 vụ so với cùng kỳ.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng tình trạng mất ATGT đối với lứa tuổi học sinh chính là nguyên nhân của việc phối hợp chưa chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội; công tác tuyên truyền giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về trật tự ATGT còn chưa hiệu quả. Trong đó, một bộ phận phụ huynh, người giám hộ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý con cái thể hiện qua việc cha mẹ giao xe cho học sinh điều khiển không đúng quy định; một bộ phận phụ huynh vẫn chưa nêu gương trong chấp hành nghiêm các quy định về trật tự ATGT khi tham gia giao thông; nhiều nhà trường buông lỏng quản lý, nhất là trong việc tổ chức trông giữ xe cho các cháu; thiếu nghiêm túc trong xử lý các trường hợp vi phạm coi như không phải trách nhiệm của nhà trường…
Bên cạnh đó, việc tổ chức giao thông tại khu vực các cổng trường học hiện nay đang có nhiều vấn đề đặt ra, nhiều điểm đen, điểm tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông khu vực trường học được xác định nhưng chưa được khắc phục kịp thời. Việc xử lý vi phạm khi phát hiện hành vi vi phạm với học sinh còn gặp khó khăn, do công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng với nhà trường…
Việc tổ chức giao thông tại khu vực các cổng trường học hiện nay đang có nhiều vấn đề cần chấn chỉnh, khắc phục.
Nhiều giải pháp cụ thể đã được các đại biểu đưa ra như: xây dựng tổ chức giao thông các tuyến đường, các cổng trường an toàn, tuyên truyền sâu; tăng cường tuyên truyền các quy định vể ATGT đến đối tượng học sinh, cũng như phụ huynh học sinh. Cùng với đó là việc xử lý nghiêm những hành vi cổ xuý hành vi đua xe, lạng lách, đánh võng, bốc đầu đăng tải trên mạng xã hôi. Bên cạnh đó, cũng cần xử lý thật nghiêm đối với phụ huynh giao xe cho học sinh đến trường.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý, có thể nghiên cứu đưa quy định kiểm điểm cuối năm đối với người đứng đầu, cụ thể ở đây là đội ngũ lãnh đạo ở các nhà trường để xảy ra tình trạng mất ATG. Bên cạnh tuyên truyền, ngăn chặn nội dung xấu độc trên nền tảng mạng xã hội, thì cũng cần phải có những nội dung định hướng thật sự thu hút để từng bước hình thành nên ý thức của mọi người, nhất là đối với đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các đoàn thể, bởi đây chính là “cánh tay nối dài” tại cơ sở, tại địa phương nhằm đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với mọi người, mọi nhà./.
Lê Chí