Là tỉnh ven biển, thường xuyên phải chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai từ bão, dông lốc, hạn hán, cho đến sạt lở bờ biển và sạt lở đất... Cà Mau xác định, chủ động phòng ngừa là yếu tố cốt lõi để giảm thiểu tổn thất về người, tài sản của Nhân dân và Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
- Tiến tới cộng đồng an toàn trước thiên tai
- Sông Ðốc cần hỗ trợ thêm nguồn lực phòng, chống thiên tai
- Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng chống thiên tai
Trong nhiều năm qua, công tác phòng, chống thiên tai luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân và toàn xã hội. Từ đó, công tác ứng phó với thiên tai đang ngày càng trở nên hiệu quả hơn, thiệt hại do thiên tai ngày càng được kéo giảm.
Nhiều giải pháp bảo vệ tuyến đê biển Tây đang tiếp tục được triển khai thực hiện. (Trong ảnh: Ðoạn kè đê biển Tây, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời).
Là huyện ven biển có địa bàn rộng, thời gian qua, Ðầm Dơi thường xuyên phải chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai, nhất là sạt lở đất ven biển, ven sông. Chỉ riêng năm 2024, trên địa bàn huyện đã xảy ra 102 vụ thiên tai, trong đó chủ yếu là sạt lở đất, với 80 vụ. Theo đó, với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa, trong phương án phòng, chống thiên tai hằng năm của huyện luôn xác định rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân. Ðồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát những khu vực bị sạt lở, có nguy cơ bị sạt lở để có biện pháp ứng phó và tuyên truyền vận động người dân chủ động ứng phó, giảm thiệt hại.
Tinh thần chủ động phòng từ sớm, từ xa trước thiên tai cũng đã và đang được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Trần Văn Thời tiếp tục duy trì. Theo ông Hồ Song Toàn, Phó chủ tịch UBND huyện, với các nguồn hỗ trợ, huyện đã xây dựng được 192 căn nhà chống chịu với bão, dông lốc. Ngoài ra, từ nguồn ngân sách của chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát, huyện đã triển khai được hơn 300 căn, còn lại khoảng 261 căn sẽ hoàn thành trong tháng 6 tới. Từ đó, sẽ góp phần rất lớn trong việc tăng khả năng chống chịu, hạn chế thiệt hại do các loại hình thiên tai gây ra.
Dù đã chủ động, nhưng rõ ràng, với điều kiện tự nhiên của vùng ngọt hoá khoảng 30.000 ha sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa, nên vào những năm xảy ra hiện tượng El Nino thì đời sống và sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Toàn cho biết thêm: "Ðể chủ động ứng phó, huyện đã kết hợp với Trường Ðại học Cần Thơ xây dựng đề án quy hoạch lại sản xuất vùng ngọt, khi đề án được hoàn thành và thông qua, sẽ góp phần để người dân chủ động hơn trong sản xuất và sinh hoạt".
Không chỉ vậy, huyện Trần Văn Thời có đến 5 xã tiếp giáp biển, với chiều dài bờ biển hơn 34 km, tình trạng nước biển dâng cao tràn đê và trực tiếp tác động đến đê biển Tây là thực tế đáng lo ngại. “Rất mong các sở, ngành tỉnh sớm triển khai giải pháp kè để bảo vệ đê, bảo vệ sản xuất và an toàn cho người dân bên trong”, ông Toàn kiến nghị.
Ðể chủ động thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai, nhất là trong giai đoạn sắp xếp tổ chức bộ máy như hiện nay, ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết: "Huyện đã tiến hành củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự theo cơ cấu sắp xếp các phòng, ban trên địa bàn. Hiện nay, lực lượng tại chỗ phục vụ công tác phòng chống, thích ứng với thiên tai luôn được duy trì đảm bảo".
Hiện nay, công tác theo dõi độ mặn tại các cống dọc tuyến Tắc Thủ - Sông Đốc được kiểm tra thường xuyên với tần suất 2 ngày một lần.
Sạt lở ven biển, ven sông thời gian qua gây ra nhiều thiệt hại về tài sản, không chỉ cho người dân mà cả các công trình của Nhà nước. Hiện nay, tình trạng này vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi đó, số lượng dân cư trên địa bàn tỉnh sống tập trung ven các tuyến sông còn khá lớn.
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: "Hiện tỉnh đang triển khai xây dựng 2 đề án về sắp xếp dân cư ven sông và di dời dân cư trong vùng thiên tai. Ngoài ra, hiện nay ngành đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ đê biển Tây, tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên chỉ có thể ưu tiên nguồn lực cho những khu vực khẩn cấp, bị đe doạ trong mùa mưa bão tới".
Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, nhiều nguồn lực đã được huy động. Chỉ tính riêng trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã huy động được khoảng 1.827 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh, Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh, sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, các tổ chức quốc tế... cho công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua trên địa bàn tỉnh có sự vào cuộc từ nhiều nguồn lực, nhiều lực lượng. Với nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, ông Nguyễn Văn Khởi, Phó chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cho rằng: "Ngoài các lực lượng nòng cốt là quân đội, công an, lực lượng xung kích... thì sự tham gia của người dân là yếu tố rất quan trọng. Do đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau thiên tai".
Ðặc biệt, với phương châm phòng là chính, tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng cơ bản trọng điểm phòng, chống thiên tai; khắc phục nhanh chóng các điểm xung yếu bị ảnh hưởng, phục vụ sản xuất, sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của Nhân dân.
Hiện nay, 100/100 xã, phường, thị trấn của tỉnh có đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã được củng cố, kiện toàn với lực lượng trên 5.000 thành viên. Ngoài ra, các nguồn nhân lực khác có thể huy động tham gia công tác phòng, chống thiên tai là hơn 29 ngàn người và nhiều trang thiết bị sẵn sàng khi có lệnh, chủ động ứng cứu trên từng địa bàn, nhất là các khu vực xung yếu, địa bàn trọng điểm khi bão, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất xảy ra.
Nguyễn Phú