Đối với phụ nữ, nỗi lo lắng của chị em là nguy cơ lây truyền virus viêm gan B cho con, đặc biệt trong thời kỳ mang thai, sinh nở hoặc khi cho con bú.
- Nhân rộng mô hình chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh
- Chăm sóc tốt nhất cho sản phụ, trẻ sơ sinh
- Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Viêm gan B, hay còn gọi là viêm gan siêu vi B, là bệnh lý do virus viêm gan B (HBV) gây ra, ảnh hưởng trực tiếp đến gan. Nó có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho mô gan, làm suy giảm chức năng gan, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan.
Virus này lây truyền qua 3 đường chính: quan hệ tình dục không an toàn, tiếp xúc với máu nhiễm bệnh và lây truyền từ mẹ sang con. Trẻ sơ sinh có thể nhiễm virus viêm gan B từ người mẹ vào các thời điểm: trong khi mang thai, trong lúc chuyển dạ đẻ và thời kỳ cho con bú. Ðặc biệt, nguy cơ cao nhất xảy ra trong quá trình chuyển dạ, chiếm khoảng 90% các ca lây nhiễm.
Hiện nay, có khoảng 10% phụ nữ mang thai nhiễm HBV, nhưng không phải ai cũng có triệu chứng bệnh rõ ràng. Vì thế, các bác sĩ luôn khuyến nghị mọi thai phụ nên thực hiện xét nghiệm viêm gan B từ sớm, để có thể phát hiện kịp thời và lập kế hoạch phòng ngừa lây nhiễm cho trẻ sơ sinh.
Ðể phòng ngừa cho trẻ không nhiễm virus viêm gan B, các bà mẹ hãy luôn nhớ lịch tiêm ngừa theo đúng phác đồ do cơ sở y tế hướng dẫn. Ảnh: MINH LUÂN
Thống kê cho thấy, nếu không được điều trị phòng ngừa, 80-90% trẻ sơ sinh bị lây nhiễm HBV sẽ chuyển thành viêm gan mãn tính. Tuy nhiên, nguy cơ này có thể giảm đáng kể nếu trẻ được tiêm vắc xin viêm gan B ngay sau sinh, kết hợp với huyết thanh kháng HBV (HBIG) nếu mẹ nhiễm bệnh. Tiêm phòng trong vòng 24 giờ sau sinh có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi lây nhiễm tới 85-90%. Ngược lại, nếu tiêm muộn hơn, hiệu quả sẽ giảm dần, gần như mất tác dụng sau ngày thứ 7.
Bác sĩ Lê Nguyễn Trọng Nhân, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, thông tin: “Tất cả trẻ sơ sinh cần được tiêm chủng 1 mũi vắc xin ngừa viêm gan B trong 24 giờ đầu sau khi sinh. Ðối với trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm virus viêm gan B, ngoài 1 mũi vắc xin ngừa viêm gan B như các trẻ khác thì cần được tiêm 1 mũi kháng thể chứa huyết thanh kháng virus ngay trong 12-24 giờ đầu sau sinh. Những trẻ có mẹ bị viêm gan B sẽ được tiêm theo phác đồ 0-1-6-18, nghĩa là mũi đầu tiên ngay tại phòng sinh, mũi thứ 2 khi được 1 tháng tuổi, mũi thứ 3 khi được 6 tháng tuổi và nhắc lại lúc 18 tháng tuổi. Khi trẻ được tiêm đủ 4 mũi (18 tháng tuổi) cần được xét nghiệm kiểm tra lại để chắc chắn là trẻ đã được bảo vệ và không bị lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ. Ðối với trẻ mà mẹ không bị nhiễm virus viêm gan B, tiêm theo phác đồ 0-2-3-4-18. Nghĩa là mũi tiêm đầu tiên lúc mới sinh, mũi 2 lúc trẻ 2 tháng tuổi, mũi 3 lúc trẻ 3 tháng tuổi, mũi 4 lúc trẻ 4 tháng tuổi và nhắc lại lúc trẻ 18 tháng tuổi”.
Nếu trẻ sinh tại các cơ sở y tế không có sẵn huyết thanh hoặc vắc xin, sau khi sinh trong vòng 24 giờ, phụ huynh có thể đưa bé đến Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, nơi luôn đảm bảo đủ liều kháng thể và vắc xin cần thiết. Ðiều này đặc biệt quan trọng để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Một điều nữa khiến rất nhiều mẹ bỉm sau sinh lo lắng chính là, nếu mẹ bị nhiễm virus viêm gan B thì sau khi sinh có cho con bú được không? Ðối với thắc mắc này, Bác sĩ Lê Nguyễn Trọng Nhân thông tin: “Hiện nay có rất nhiều nghiên cứu về lây truyền virus viêm gan B qua cho bú sữa mẹ, nhưng chưa có bằng chứng khoa học nào về việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ làm tăng khả năng lây nhiễm virus viêm gan B. Hơn nữa, thực tế trong sữa mẹ có chứa các kháng thể tự nhiên giúp bảo vệ bé khỏi virus viêm gan B. Cho nên, mẹ nhiễm virus viêm gan B vẫn nên cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, mẹ cần chú ý vệ sinh đầu vú, tránh để núm vú bị nứt hoặc chảy máu, vì đây là con đường virus có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ”./.
Vân Anh