Chương trình sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến 2025” nhằm tiếp tục quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Cà Mau thông qua các sự kiện, hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch và thương mại được tổ chức định kỳ đến với du khách trong và ngoài nước.
- Cần nâng tầm “Cà Mau - Điểm đến”
- Để Cà Mau trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch
- Khu Du lịch Mũi Cà Mau nhận chứng nhận Điểm đến du lịch hấp dẫn
Chương trình cũng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động có kế hoạch tổ chức hoạt động kinh doanh thời điểm diễn ra các sự kiện; đồng thời gặp gỡ, kết nối, mở rộng liên kết hợp tác phát triển thương mại, du lịch, thu hút đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh với các tỉnh, thành trong cả nước.
“Thông qua Chương trình sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến 2025”, tỉnh Cà Mau xây dựng hình ảnh địa phương phong phú, đa dạng về tiềm năng; giúp tỉnh khai thác tốt cơ hội, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội; gắn phát triển du lịch với phát triển thương mại dịch vụ, kích cầu tiêu dùng hàng hoá nội địa, đặc biệt là hàng hoá đặc sản, sản phẩm OCOP”, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, thông tin.
Hướng đến kỷ niệm 100 năm Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc, dự kiến sẽ được tổ chức quy mô nhằm nâng cấp nghi thức lễ, với các hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Một trong các sự kiện điểm nhấn là Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc. Ông Trần Hiếu Hùng cho biết, thời gian diễn ra các hoạt động từ ngày 13-15/3 (nhằm ngày 14-16/2 âm lịch) tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời. “Thực hiện các phần lễ theo nghi thức truyền thống của ngư dân; đồng thời nghiên cứu nâng cấp nghi thức lễ; tái hiện lại hoạt động nghề biển, kết nối tổ chức đưa khách du lịch tham gia Lễ trước Long Ðình; kết hợp tổ chức các hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí xứng tầm với sự kiện, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc”, ông Hùng cho biết thêm về kế hoạch tổ chức.
Bên cạnh hoạt động kỷ niệm 100 năm Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc, trong khuôn khổ Chương trình sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến 2025” còn có các sự kiện nổi bật: Lễ hội Tri ân Quốc Tổ, tại Khu Du lịch Mũi Cà Mau, dự kiến diễn ra từ ngày 1-3/4 (nhằm mùng 3-6/3 âm lịch). Tại huyện Thới Bình sẽ diễn ra Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở Ðền thờ Vua Hùng, cùng với các hoạt động thể thao, văn hoá từ ngày 6-7/4 (ngày 9-10/3 âm lịch).
Trong tháng 4, tại huyện Thới Bình, sẽ diễn ra Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở Đền thờ Vua Hùng, cùng với các hoạt động thể thao, văn hóa.
Cũng trong đầu tháng 4 (dự kiến từ ngày 5-12/4), tại TP Cà Mau sẽ diễn ra chuỗi các hoạt động: Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ V; Hội thi làm bánh dân gian dâng Ðức Quốc Tổ Hùng Vương; các hoạt động văn hoá văn nghệ hằng đêm; bố trí khu vực để khách du lịch trải nghiệm chế biến các loại bánh dân gian; tổ chức các môn thể thao, trò chơi dân gian gắn với chuỗi hoạt động của ngày hội; thực hiện các gian hàng thương mại; trưng bày các sản phẩm OCOP; trưng bày hình ảnh du lịch Cà Mau...
Một hoạt động không thể thiếu là sự kiện “Hương rừng U Minh”, sẽ diễn ra tại huyện U Minh và Vườn Quốc gia U Minh Hạ, gồm: Phiên chợ quê (tái hiện hình ảnh hoạt động mua bán nông, thuỷ sản của vùng đất Cà Mau); Giải đua xuồng ba lá trên sông Cái Tàu; Ðua vỏ composite; Liên hoan Ðờn ca tài tử - Cải lương; Giải bóng đá 7 người. Cùng với đó là hội thi ẩm thực và các hoạt động thể thao như: chạy xe đạp thể thao xuyên rừng, đi bộ thể thao xuyên rừng, bơi xuồng đua, chạy việt dã và các trò chơi dân gian... Tổ chức bố trí không gian trưng bày các sản phẩm đặc trưng của địa phương (cá khô, chuối ép, tinh dầu tràm...). Các hoạt động này sẽ diễn ra vào dịp lễ 30/4, 1/5.
Sự kiện "Hương rừng U Minh" được tổ chức hằng năm nhân kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi thông qua các hoạt động văn hoá, thể thao gắn với du lịch tham quan, trải nghiệm.
Vào thời điểm những tháng cuối năm 2025 sẽ diễn ra các hoạt động như: Giải Marathon - Cà Mau 2025; Ngày hội Khởi nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2025 (CamaUP’25). Ðặc biệt, cùng với thời điểm khánh thành Quảng trường Phan Ngọc Hiển, dự kiến sẽ diễn ra Ngày hội Cua Cà Mau lần thứ II với các hoạt động nghệ thuật tổng hợp, lễ hội đường phố; hội thi ẩm thực các món ăn chế biến từ cua; giới thiệu sản phẩm đặc sản OCOP; các hội thảo, toạ đàm xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; các hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian...
Nhận định về hiệu quả của sự kiện này qua các năm tổ chức, ông Trần Hiếu Hùng cho biết, từ Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến 2025”, ngành du lịch đã có bước chuyển biến lớn trong việc tạo ra thương hiệu, hình ảnh riêng mang đặc trưng của vùng đất, con người Cà Mau; đặc biệt là nâng cao ý thức của các cấp, các ngành và người dân địa phương trong tổ chức kinh doanh du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch tại địa phương. Theo đó, các chương trình sự kiện được đánh giá là hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả có tính chất ổn định, phát triển lâu dài, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu, tham gia của khách du lịch và các công ty lữ hành, xây dựng tour kết nối hằng năm vào dịp tổ chức các sự kiện./.
Trần Nguyên