ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 9-5-25 11:46:00
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phụ nữ Cà Mau trong chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là

Báo Cà Mau Từ giai đoạn mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ (1945-1975), trải qua 30 năm chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, biết bao cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã lấy mồ hôi, xương máu viết nên những trang sử vẻ vang. Trong đó, có vai trò rất lớn của người phụ nữ trong đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận và hậu phương quân đội.

Tranh: Minh Tấn

Trong quyển “Truyền thống cách mạng của phụ nữ Cà Mau thời kỳ chống Mỹ cứu nước” có ghi lại “phụ nữ tham gia trực tiếp và nòng cốt trong đấu tranh chính trị”. Trong giai đoạn này, Ban Ðấu tranh chính trị của tỉnh được thành lập do chú Năm Trường làm Trưởng ban. Ở huyện Cái Nước do cô Hai Trung; Năm Căn, cô Bảy Châu; Châu Thành, cô Tám Âu; Thới Bình, cô Sáu Hoa; thị xã Cà Mau, cô Năm Nghĩa; huyện Trần Văn Thời, cô Ba Vân; Ðầm Dơi, cô Tám Tánh, cô Sáu Hon phụ trách.

Ban Ðấu tranh chính trị hình thành từ ấp, xã, huyện, tỉnh đều có cán bộ nữ tham gia làm nòng cốt, tổ chức lực lượng chính trị đều khắp, tập hợp hầu hết lực lượng nữ đủ mọi lứa tuổi; có cả gia đình tề, nguỵ tham gia. Ðội quân tóc dài ra đời đảm trách các mũi tấn công chính trị, binh vận, từ lẻ tẻ đến tập trung hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn người, với nhiều khẩu hiệu đấu tranh thiết thực và phong phú: chống bắt lính, chống đuổi nhà, càn quét, bắn phá, giết người; chống khủng bố, thảm sát, rải chất độc hoá học; chống gom dân vào ấp chiến lược, khu trù mật, dinh điền... Trong đấu tranh, chị em dựa vào nhau đoàn kết chặt chẽ, chỉ huy ra lệnh "tiến", thì lập tức “tiến lên”.

Ði đấu tranh chính trị cũng nguy hiểm, gian khổ không kém chiến sĩ ra trận. Chuẩn bị cho cuộc đấu tranh trực diện, ban lãnh đạo đấu tranh có phương án đề ra mục tiêu, khẩu hiệu, bố trí lực lượng xây dựng nòng cốt, tổ chức hậu cần, cứu thương, tiếp tế theo từng chặng đường. Kết thúc đấu tranh, có kiểm điểm rút kinh nghiệm, đánh giá thắng lợi, phát huy nhân tố tích cực và chuẩn bị cho những trận đánh tiếp.

Tại Cái Nước, đêm 23, rạng 24/4/1962, đoàn xuồng 80 chiếc chở trên 200 người xuất phát từ Bàu Chấu, kênh Dân Quân do cô Nhẫn, má Ba và chú Cang chỉ huy, bơi về Vàm Ðình, đấu tranh chống bắn pháo bừa bãi, chống càn, khủng bố. Lính trong đồn bắn xối xả. Các cô, các chị hô khẩu hiệu lướt tới. Cô Nhẫn bơi đi đầu trúng đạn, cô Sáu Rạch đỡ cô Nhẫn trên tay và hô tiến lên. Cô Tua và chú Cang bị bắn chết. Ðoàn biểu tình tràn vào Hội đồng xã Vàm Ðình, đòi kẻ thù phải đền mạng. Bọn lính đồn ngoan cố hậm hực, nhưng trước khí thế phẫn nộ của đồng bào, bọn chúng phải nhận tội, chịu bồi thường.

Các má, các chị trở về tổ chức đám tang căm thù. Vài ngày sau, tại Vàm Xáng, xã Tân Hưng Tây, hàng ngàn chị em hàng ngũ chỉnh tề, giương băng cờ kéo đến đồn địch đòi chấm dứt khủng bố; đòi bồi thường cho người bị thiệt hại; đòi trừng trị bọn ác ôn. Chị Thanh Hồng cầm cờ đi trước, giặc nổ súng, chị ngã xuống, vừa kịp trao lá cờ cho má Sáu dẫn đoàn xông tới. Má Sáu bị trúng đạn lòi ruột, chị em vừa khiêng chị Hồng, vừa băng bó cho má Sáu, vừa vượt lên, bất chấp súng đạn và hô khẩu hiệu chống Mỹ - Diệm, chống thảm sát.

Tại Ðầm Dơi, theo lời kể của cô Tám Tánh, người trong cuộc: Sáng sớm ngày 2/9/1962, ban lãnh đạo tập hợp 5 ngàn lực lượng kéo đến đồn Ðầm Dơi, đấu tranh yêu cầu tàu không bắn bừa bãi. Ðịch bắn xối xả vào đoàn người biểu tình, làm chết và bị thương một số người. Chúng vẽ những khẩu hiệu phản động bằng nước sơn lên áo, nón; các chị liệng nón, cởi bỏ áo và hô to: "Ðả đảo đế quốc Mỹ và tay sai bán nước!". Bọn chúng đánh đập, nhiều chị em mặt mũi đầy máu và chúng bắt giam một số chị.

Cuộc đấu tranh phát triển ngày càng quy mô hơn. Trực tiếp lãnh đạo, gồm các đồng chí: Tám Bông, Tám Tánh, Sáu Thanh và Bảy Châu. Các đồng chí tổ chức gần 10 ngàn lực lượng, rạng sáng 23/10/1962, các cánh quân trực diện đi nhiều cách, nhiều múi giờ khác nhau, vượt qua mọi sự kiểm soát ngăn chặn của địch. Các mũi đi xuồng ba lá bơi, chèo từ Bào Sen, Lung Lắm, Xóm Lớn và lô 18 ùn ùn rẽ sóng áp sát dinh quận. Hàng ngàn con người nón lá, tóc dài, khăn rằn quấn cổ, xông vào thị trấn Ðầm Dơi cùng lúc như vũ bão.

Tiệm, quán, đường phố ngưng hoạt động, theo dõi và hoà nhập vào đoàn quân trực diện tràn vào dinh quận bằng sức mạnh trí tuệ và lòng căm thù của những người con yêu nước.

Thấy đoàn người tràn vào dinh quận ồ ạt như thác đổ, bọn địch lúng túng chạy ngược, chạy xuôi, bắn chỉ thiên doạ dẫm.

Tên Thắng quận trưởng quát to:

- Việt cộng xúi dân cướp chính quyền rồi.

- Bắn chết tên dẫn đầu và nếu cần bắn chết hết.

Tên Khả quận phó và đám tay sai gian ác hạ súng xuống xả đạn như mưa vào đoàn người tay không tấc sắt, đi đòi quyền sống. Những tiếng kêu gào như vạch xé trời đất.

- Ðừng bắn chúng tôi! Anh em binh sĩ ơi đừng bắn chị em chúng tôi!

- Ðả đảo đế quốc Mỹ và Ngô Ðình Diệm đàn áp, bắn giết dân lành!

- Ðừng bắn chị em chúng tôi, bị thương và chết nhiều quá rồi mấy chú lính ơi! Chết và bị thương nhiều lắm rồi!

Những tiếng kêu bị nhận chìm trong nước và nạn nhân bị chết chìm xuống sông, máu loang một khúc sông dài.

Nhưng một mật lệnh truyền cho mọi người “xông vào tiếp cận địch, chặn đứng thảm sát”. Không có ai còn biết sợ chết giữa chiến trường đẫm máu lịch sử này. Khu phố Ðầm Dơi thành chiến trường thật sự. Tiếng súng, tiếng tu huýt, tiếng la hét truyền lệnh, tiếng gào thét đau đớn, tiếng hô đả đảo của lực lượng đấu tranh, tiếng tranh thủ binh sĩ... khiến cho mặt trận ồn ào phức tạp và sôi sục lạ thường. Bánh, nước... được để ra lề đường, do bà con thị trấn tiếp tế cho lực lượng đấu tranh. Trong cuộc đấu tranh lần này, thương tâm nhất là hình ảnh hai mẹ con cô Tô Thị Tẻ.

Khi được tin cô Tẻ bị địch bắt, mẹ Ký chèo xuồng hướng về phòng giam cất tiếng kêu con nghe xót lòng.

- Tẻ ơi! Tẻ ơi! Má ra đây! Má tới đây rồi con! Tẻ ơi!

Và tiếng kêu thảm thiết cứ cất lên mãi cả khi má bị thương.

- Tẻ ơi, con đâu. Má bị giặc bắn bị thương rồi con! Tẻ ơi! Má...

Và tiếng kêu dần tắt lịm trong sự đau đớn. Vài ngày sau mẹ Ký chết. Mẹ vẫn không biết được, con gái mình bị địch đánh đạp dã man nhưng vẫn nêu cao khí phách anh hùng. Bọn đao phủ đã lôi chị đi chôn sống, dùng lưỡi lê lóc từng miếng thịt... Còn đau đớn nào hơn! Còn hiên ngang nào bằng!

Ðể trả thù cho các chiến sĩ đấu tranh trực diện bị bọn không còn tính người bắn giết, đánh đập, tù đày, lực lượng vũ trang đã diệt gọn toán biệt kích do tên Khả quận phó cầm đầu. Kế đến hàng ngàn lượt phụ nữ cùng với du kích, bộ đội đã bao vây đánh lấn Chi khu Ðầm Dơi 150 ngày đêm. Hàng trăm tên giặc ở đây phải đền nợ máu.

Trong các hình thức đấu tranh trực diện, địch ngán nhất là hình thức đấu tranh quàn thây tố cáo tội ác của chúng trước đông đảo quần chúng, tạo nên dư luận mạnh mẽ.

Trong các cuộc đấu tranh, thương tâm nhất là đợt chở tử thi gia đình bác Tám Xồi ở Phú Mỹ tháng 8/1963. Hơn 2 ngàn lực lượng phụ nữ Cái Nước từ các kênh, rạch kéo qua quận lỵ chở 13 tử thi bị bọn Bình Hưng thảm sát. Cô Sáu Hon đại diện, gặp quận trưởng tố cáo tội ác và xin 3 mẫu đơn nhờ hắn chứng để thưa bọn Bình Hưng lên Tổng Liên đoàn Lao động, Quốc hội và Phủ Tổng thống Ngô Ðình Diệm; đồng thời, trực tiếp tố cáo tội ác của địch với giới báo chí, gây tiếng vang lớn. Bọn chúng nhượng bộ, chịu bồi thường và cho lực lượng đi thị sát theo bản cam kết của chúng.

Những năm 1961-1963, ta đã tổ chức 450 cuộc với 28 ngàn lượt người tham gia phong trào chở tử thi đi đấu tranh. Tiêu biểu trong phong trào này phải kể đến cô Lâm Thị Hon. Trong suốt 13 năm, cô đã tham gia đấu tranh 172 cuộc. Cô đã gan dạ, khôn ngoan, đóng rất nhiều vai: mẹ, chị, con, em của các tử thi bị địch thảm sát, để tấn công địch mạnh mẽ.

Song song với phong trào đấu tranh chính trị, chị em phụ nữ còn là lực lượng nòng cốt tham gia phong trào Nhân dân du kích chiến tranh, xây dựng ấp, xã chiến đấu; phong trào binh vận; phong trào lao động sản xuất, tiếp tế nuôi quân... Qua đó, đã góp phần yểm trợ cho lực lượng vũ trang tập trung đánh phá toàn bộ hệ thống “ấp chiến lược” của Mỹ - nguỵ, làm cho chúng bị thất bại nặng nề.

Nhìn lại chặng đường đã qua, ta rất khâm phục tinh thần đấu tranh bất khuất, ngoan cường của phụ nữ. Từ sức mạnh hàn sông, đắp cảng, thành lập đội nữ pháo binh, đào chiến hào, tải đạn, vận động binh sĩ, nuôi chứa cán bộ, tiếp tế nuôi quân... nhiều mẹ, nhiều chị nêu gương sáng về tận tuỵ, xả thân, luôn đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết. Và rất xót thương cho các bà mẹ đã dâng hiến đứa con duy nhất cho Tổ quốc hay cả 5, 7 người con đều lần lượt ra đi mà không có một ngày trở về bên mẹ.

Qua tìm hiểu và nghiên cứu cuộc đấu tranh chính trị trực diện ở Chi khu Cái Nước, Ðầm Dơi, Chà Là đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, có thể thấy ở đó nổi lên những đặc điểm vừa mang tính phổ biến từ phong trào cách mạng của phụ nữ trong tỉnh vừa mang tính điển hình chưa từng có ở nơi nào khác.

Một là, do quán triệt đường lối quân sự của Ðảng mà nội dung chủ yếu là giáo dục, phát động lòng căm thù giặc trong Nhân dân. Ðảng chọn lực lượng phụ nữ đấu tranh chính trị, binh vận là phù hợp nhất, đối đầu với giặc thuận lợi nhất. Vì vậy, lúc bấy giờ các chi, tổ phụ nữ được thành lập và xây dựng phong trào vô cùng mạnh mẽ từ các ấp, các xã, huyện trong tỉnh. Các chi hội mẹ chiến sĩ được củng cố, hoạt động đều khắp. Vì vậy ở chiến trường, hay ở hậu phương, đều có mặt các mẹ, các chị.

Thứ hai, đội quân đấu tranh trực diện được tổ chức chặt chẽ. Hàng ngàn phụ nữ cùng hành động đồng loạt, là một sự tính toán chủ động, sáng tạo và khoa học. Thời điểm diễn ra các cuộc đấu tranh ở vào hoàn cảnh quân địch luôn rình mò, theo dõi hoạt động của ta để ngăn chặn, đánh phá. Vậy mà ta vẫn bí mật vận động từng người, từng nhà, từng xóm xây dựng thành đội ngũ với lực lượng lên đến số trăm, số ngàn, chục ngàn. Có đội tiến công, đội dự bị, có khẩu lệnh, mật lệnh và có cả chỉ huy trực tiếp, chỉ huy từ xa. Trong thời điểm ấy, thông tin, liên lạc chỉ truyền miệng, vậy mà vẫn đạt được độ chính xác về thời gian, địa điểm và thống nhất hành động.

Thứ ba, tinh thần đấu tranh bất khuất và bất tử của phụ nữ. Khi đội quân tóc dài với khí thể sục sôi, hàng ngàn người tràn tới chi khu để hỏi tội bọn gian ác thì địch thẳng tay đàn áp, chúng xả súng bắn vào chị em chỉ có tay không. Người chết, người bị thương nằm la liệt dưới sông, trên bờ, nhưng chẳng một ai rút lui, mà còn tràn lên dùng dầm, cột chèo chống chọi lại súng đạn. Sau trận đụng độ, dù chịu nhiều thương vong, tổn thất, chị em vẫn không nao núng, chở tử thi về làm lễ truy điệu, phát động căm thù và tuyên thệ trước vong linh liệt sĩ: Tiếp tục chiến đấu để trả thù cho chị em ngã xuống.

Chúng ta không bao giờ quên những lời thơ âm vang mãi mãi với quê hương, đất nước:

“Hỡi các mẹ, các chị, những trái tim gang thép.

Xứng đáng nghìn xưa và rạng rỡ mai sau!”.

 

Nguyễn Thu Tư

 

70 năm hành trình giữ biển

70 năm trước, nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan bảo vệ trọn vẹn chủ quyền biển, đảo miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Cục Phòng thủ bờ bể - tiền thân của Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng ngày nay.

Anh hùng của những anh hùng

Gọi Ðại tá Nguyễn Văn Tàu (Trần Văn Quang, Tư Cang), Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND), huyền thoại của tình báo Việt Nam, là "anh hùng của những anh hùng" cũng rất đúng và không hề tô hồng, ngợi ca. Bản thân ông Tư Cang cũng căn dặn chúng tôi rằng: “Hãy nói, hãy viết bằng sự thật lịch sử. Bởi chỉ cần nói thật, nói đúng về lịch sử của dân tộc ta trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thôi, thì đó đã là một câu chuyện phi thường”.

50 năm - Nhớ giờ phút này!

Thời điểm chuẩn bị giải phóng miền Nam, theo tinh thần nghị quyết của Quân khu 9 và Tỉnh uỷ Cà Mau: “Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”, đến nửa tháng 4/1975, toàn bộ cứ điểm, đồn bót của địch trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã bị tiêu diệt hoặc rút chạy, chi khu Rạch Ráng trơ trọi như một ốc đảo, sự chi viện từ tiểu khu An Xuyên bằng đường sông đã bị khống chế, đường bộ không có, duy nhất chỉ có trực thăng tiếp tế nhỏ giọt từ thức ăn đến nước uống. Hơn 400 tề nguỵ ở chi khu Rạch Ráng đang khốn đốn, hoang mang tột độ.

Tròn 50 năm tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 giải phóng Cà Mau

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy để giải phóng miền Nam, bắt đầu từ Chiến dịch Tây Nguyên đầu tháng 3/1975. Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975 theo tinh thần “Tấn công thần tốc như Nguyễn Huệ” mà đồng chí Lê Duẩn nói trong Hội nghị lần thứ 21 của Trung ương Ðảng.

50 năm nhớ ngày lịch sử vẻ vang

50 năm tôi được sống trong độc lập tự do, hưởng hạnh phúc cùng toàn dân tộc, tôi luôn biết ơn và trân trọng những gì mà người chiến sĩ cách mạng trên mọi mặt trận đã cống hiến, hy sinh để giành lại hoà bình, ấm no như ngày hôm nay.

Kỷ niệm về anh

Sau ngày đất nước toàn thắng và thống nhất, tôi từ miền Trung được chuyển về quê công tác. Mấy ngày ngồi trên xe đò từ Cố đô Huế trở về, trong đầu tôi hình dung biết bao hình ảnh về sự đổi thay của thị xã Cà Mau mà ngày tôi ra đi hơn 20 năm trước còn là một thị trấn khiêm tốn nằm ở tận cùng phương Nam Tổ quốc.

Món quà ký ức

Trong căn nhà đơn sơ trên đường Lý Văn Lâm (Phường 1, TP Cà Mau), cựu chiến binh (CCB) Lâm Anh Lữ cầm trên tay cuốn “Kỷ yếu Ban Liên lạc Thị đội Cà Mau và Huyện đội Châu Thành” vừa in xong, mắt ánh lên niềm vui và xúc động: “Cuối cùng thì cũng hoàn thành. Mừng lắm!”. Gương mặt rạng ngời, tay ông run run lật từng trang sách còn thơm nồng mùi giấy mới...

Nhớ ngày tiếp quản Cà Mau

Ngày 30/4, ngày lịch sử trọng đại của dân tộc, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam khỏi ách thống trị của bọn xâm lược và bè lũ tay sai, ngày mà triệu triệu người Việt Nam vỡ oà hạnh phúc.

50 năm - Bản hùng ca bất diệt

“Đại thắng mùa xuân năm 1975 là bản anh hùng ca bất diệt, là chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chiến thắng đó đã chấm dứt hơn 100 năm đô hộ, xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải - Bí thư Tỉnh Uỷ nêu tại buổi Họp mặt Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 26/4.

Học sinh miền Nam đặc biệt

Trong ký ức của các thế hệ học sinh miền Nam (HSMN) tập kết ra Bắc, luôn có hình ảnh hai gương mặt rất đặc biệt, đó là hai chị em người da đen Irene và Monique. Trong suốt những năm tháng học tập, bạn bè chỉ biết họ được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nuôi dưỡng, còn gốc gác cụ thể thì ít người rõ.