(CMO) Báo Cà Mau online ngày 22/8/2017, có bài “Rắc rối thẻ BHYT không khớp với giấy CMND”, phản ánh tình trạng người dân đi khám bệnh bằng thẻ BHYT thiếu ngày, tháng sinh bị trả lại, yêu cầu bổ sung đầy đủ thông tin (mặc dù giấy CMND kèm theo có đầy đủ thông tin).
Cũng trong bài báo có nêu ý kiến của ông Trịnh Trung Kiên, Phó giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau cho rằng, việc làm của BHXH vừa qua là đúng theo quy định của Luật BHYT năm 2014. Thời gian gần đây, do nâng cấp phần mềm hệ thống giám định BHYT nên các nơi khám bệnh khi nhập thẻ BHYT vào, nếu không có ngày, tháng sinh thì sẽ bị báo lỗi, nơi khám từ chối khám BHYT.
Vấn đề theo tôi là thiếu hợp lý. Trong khi Nhà nước đang có chủ trương khuyến khích toàn dân tham gia mua BHYT, và sắp tới, người bệnh không có thẻ BHYT thì phải chịu viện phí rất cao. Vậy sao ngành bảo hiểm không tạo thuận lợi cho người dân mà lại đặt ra những quy định thêm phức tạp?
Từ chuyện thẻ BHYT…
Thẻ BHYT là do cơ quan bảo hiểm ký duyệt và phát hành. Tại sao khi ký duyệt không xem xét kỹ lưỡng để yêu cầu các đại lý bổ sung thông tin đầy đủ cho người tham gia BHYT? Thẻ đã có chữ ký lãnh đạo ngành bảo hiểm đồng nghĩa thẻ hợp pháp, được chấp nhận, được lưu hành. Nếu đã được chấp nhận thì không thể vì lý do lỗi ở thẻ mà gây khó cho người tham gia. Nếu có quy định mới thì ngành phải có trách nhiệm thông báo và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia, tại sao lại làm khó họ?
Nhân viên Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Minh Hải hướng dẫn bệnh nhân khám bệnh BHYT. |
Cụ thể như việc bổ sung ngày, tháng sinh vào thẻ như vừa qua, ngành phải có cách làm phù hợp để tránh thiệt thòi quyền lợi cho người tham gia BHYT. Có thể ấn định thời gian nào đó nhất định và thông báo rộng rãi việc đồng loạt đổi thẻ để các đại lý thu gom lại và đổi cho người dân. Và trong thời gian đổi thẻ, phải đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh cho người có thẻ (vì còn trong hạn sử dụng). Để người tham gia tự đi đổi thẻ vừa mất nhiều công sức, lại gây phiền phức (nhất là người dân), bởi bà con không rành đường đi nước bước và ngại đến các cơ quan công quyền. Đồng thời như thế cũng tạo nên cảnh dồn cục rồi chen lấn, chờ đợi phiền hà.
Còn như ông Kiên nói, do nâng cấp phần mềm nên những thẻ không đủ thông tin khi nhập vào bị từ chối. Vậy liệu việc cập nhật ngày, tháng sinh có cần thiết không? Sao không sửa lại phần mềm cho người tham gia đỡ phiền toái?!
… đến giấy CMND
Cũng theo lời ông Trịnh Trung Kiên, nếu thẻ BHYT có đủ ngày, tháng, năm sinh mà CMND thiếu ngày, tháng thì cho hưởng quyền lợi khám lần đầu, sau đó phải đi đổi lại CMND bổ sung ngày tháng sinh vào.
Đọc đến phần này, tôi “tá hoả”, bởi CMND của tôi không có ngày, tháng sinh. Đây không phải lỗi ở tôi. Trước đây, khi làm giấy CMND tôi đều khai đầy đủ thông tin và kèm theo đủ tất cả các giấy tờ theo yêu cầu (dĩ nhiên là có đủ ngày, tháng, năm sinh). Nhưng không hiểu sao khi nhận CMND lại không có ngày, tháng. Có lần tôi thắc mắc với người trong nghề thì được trả lời rằng, bỏ bớt như vậy để đỡ rắc rối cho người dân; nếu lỡ các giấy tờ khác không trùng khớp ngày, tháng, bà con đỡ nhọc công chỉnh sửa (cũng có lý).
Tôi hỏi thăm nhiều người về CMND thì được biết, phần lớn những giấy CMND làm từ nhiều năm trước đều không có ghi ngày, tháng. Có người bảo khai đủ nhưng tại người làm bỏ trống. Có người (nhất là người lớn tuổi) nói rằng: nhớ được năm sinh là quý rồi. Hồi đó cha mẹ mình sinh cả bầy con, đâu có chuyện ghi ngày tháng (vì không biết chữ, vì lo cơm áo, lo chạy giặc, vì hạn chế nhận thức…), chỉ có số ít có chữ nghĩa tốt, cẩn thận nên ghi đầy đủ. Và cũng thời chiến tranh loạn lạc, nên mấy người làm giấy khai sinh.
Và cứ thế, tôi dùng giấy CMND ấy để thực hiện quyền công dân của mình trong các giao dịch giấy tờ mang tính pháp lý mấy chục năm qua, kể cả sau này đổi lại CMND vẫn không có ngày, tháng, cũng chẳng gặp trở ngại gì.
Giờ thì bắt đầu gặp phiền phức. Ai dám chắc mình nay mai không bệnh tật. Nếu bệnh, chắc chắn phải dùng thẻ BHYT. Và với cái giấy CMND thiếu ngày, tháng của tôi (và nhiều người khác) thì chắc chắn “phải chịu trách nhiệm liên đới” với thẻ BHYT rồi. Chỉ còn cách đi đổi CMND.
Nhân chuyện đổi giấy CMND, ông Trần Văn H. ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, kể: “Hôm trước tôi đi đổi CMND do hết hạn. Chỗ đổi giấy yêu cầu kèm giấy khai sinh để bổ sung ngày, tháng sinh (theo quy định mới). Tôi nói tôi sinh cách đây 68 năm rồi, hồi đó đâu có làm giấy khai sinh. Cô đó nói, chú về xã làm lại giấy khai sinh, dễ lắm”.
Và ông đã về xã làm giấy khai sinh, chọn ngẫu nhiên ngày, tháng ông thấy đẹp điền vào. Ông nhận xét: “Dễ thật. Cứ khai theo mẫu là cán bộ xã ký tên vào”. Có điều ông cười ra nước mắt bảo rằng: “Ai đời, cái người đáng con cháu mình mà lại ký xác nhận khai sinh cho ông già ra đời trước nó… đến mấy chục năm”. Và ông cho biết, ở xóm có nhiều người phải đi làm giấy khai sinh để đổi lại CMND như ông.
Ông cũng nhận xét thêm: “Như vậy là hình thức, là làm phiền dân, là đối phó chứ không đúng thực chất vấn đề”.
Qua những sự việc trên, mong rằng các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, khi đưa ra chủ trương, chính sách gì liên quan đến người dân phải nghiên cứu kỹ càng về tính lịch sử, hiệu quả, thiết thực, khoa học, sát hợp với thực tế, đặc biệt phải thuận tiện nhất đối với người dân. Và cũng cần có sự liên đới trách nhiệm với nhau, đừng kiểu mạnh ngành nào nấy làm mà gây phiền hà cho dân, nhất là trong lúc Đảng, Nhà nước ta đang mạnh tay cải cách hành chính như hiện nay
Huyền Anh