Mô hình "Tổ hoà giải ở cơ sở 5 tốt" do Sở Tư pháp thực hiện đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương.
Sổ tay hoà giải được phát cho các hoà giải viên để học tập và thực hiện tốt trong công việc. |
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, các mối quan hệ cộng đồng trở nên đa dạng và phức tạp hơn, việc duy trì trật tự, gắn kết tình làng nghĩa xóm và giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong Nhân dân ngày càng trở nên cấp thiết. Nhằm đáp ứng yêu cầu đó, tỉnh đã triển khai Mô hình "Tổ hoà giải ở cơ sở 5 tốt" - một sáng kiến thiết thực, phù hợp với thực tiễn cơ sở. Sau một thời gian triển khai, mô hình này góp phần quan trọng vào việc giữ gìn sự hoà thuận, gắn bó trong cộng đồng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.396 tổ hoà giải với 9.187 hoà giải viên. Riêng ở tỉnh Cà Mau (cũ), năm 2024, có 400 tổ được công nhận đạt tiêu chí "Tổ hoà giải ở cơ sở 5 tốt". Tỷ lệ hoà giải thành tăng dần qua từng năm, từ 74,2% vào năm 2022 tăng lên 78,9% năm 2023 và đạt 85,29% năm 2024.
Mô hình "Tổ hoà giải ở cơ sở 5 tốt" gồm 5 tiêu chí: tổ chức tốt, thành viên tốt, hoạt động tốt, phối hợp tốt và kết quả tốt. Ðây là các tiêu chí mang tính tổng thể, vừa định hướng vừa đánh giá chất lượng hoạt động của các tổ hoà giải ở cơ sở. Cách xây dựng tiêu chí này không chỉ chú trọng đến hiệu quả hoà giải, mà còn nhấn mạnh đến việc xây dựng một tập thể hoà giải viên có phẩm chất, năng lực và tinh thần trách nhiệm cao. Các tổ hoà giải được hình thành từ tập hợp những người có uy tín trong cộng đồng như: cán bộ hưu trí, trưởng ấp, hội viên hội phụ nữ, cựu chiến binh, luật gia... Họ là những người am hiểu phong tục tập quán địa phương và có khả năng thuyết phục, tạo niềm tin với người dân.
Tổ hoà giải Ấp 4, phường Tân Thành có 10 thành viên gồm đại diện đầy đủ các đoàn thể, do Trưởng ấp làm Tổ trưởng, cấp uỷ trực tiếp chỉ đạo. Ðây là tổ điểm được phường chọn để nhân rộng mô hình và đã liên tục 2 năm liền đạt danh hiệu "Tổ hoà giải ở cơ sở 5 tốt". Trong năm qua, tổ đã hoà giải thành 3 vụ có đơn và 3 vụ bằng hình thức miệng, góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Ông Nguyễn Trường Giang, tổ viên Tổ hoà giải Ấp 4, bày tỏ: “Công tác này rất hay và ý nghĩa. Chúng tôi tổ chức các cuộc hoà giải giữa các bên có tranh chấp, mâu thuẫn và giải thích về mặt luật pháp, phân tích nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn để đôi bên thuận hoà. Ðồng thời tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Nhà nước để mọi người nắm rõ và thực hiện đúng”.
Bà Hồ Thị Diệu Hiền, Tổ trưởng, chia sẻ: “Mỗi hoà giải viên trong tổ đều rất nhiệt huyết, quan tâm tìm hiểu qua việc hoà giải như thế, người dân có hài lòng không, có thay đổi cách nhìn nhận của bản thân về vấn đề không... từ đó rút kinh nghiệm để các vụ hoà giải sau sẽ tốt hơn”.
Tổ hoà giải xã Tân Thành duy trì họp và rút kinh nghiệm sau các lần hoà giải.
Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: “Từ hiệu quả của mô hình, chúng tôi đánh giá được trách nhiệm, tính chủ động của chính quyền cấp xã trong triển khai thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở, nhất là tính chủ động của các tổ hoà giải trong việc phát hiện các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân, từ đó đưa vụ việc ra hàn gắn, giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở. Năm 2024, tỷ lệ hoà giải thành công trên địa bàn toàn tỉnh đạt khá cao so với năm 2023, trong đó có rất nhiều tổ hoà giải đạt tỷ lệ hoà giải thành từ 90% trở lên, đặc biệt có 386 tổ đạt tỷ lệ hoà giải thành 100%”.
Ðể đạt được kết quả đáng phấn khởi trên, thời gian qua, Sở Tư pháp đã phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Cụ thể là tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho hoà giải viên; biên soạn, phát hành tài liệu nghiệp vụ; hướng dẫn, đôn đốc thực hiện hiệu quả công tác hoà giải. Ðồng thời, triển khai Ðề án 315 giai đoạn 2024-2030, chọn 6 xã làm điểm, xây dựng mô hình cấp xã điển hình làm công tác hoà giải cơ sở, nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ hoà giải viên, thúc đẩy sự đổi mới trong công tác hoà giải một cách hiệu quả.
Các vụ việc tranh chấp được các hoà giải viên giải quyết triệt để ngay tại cơ sở. (Ảnh Sở Tư pháp cung cấp)
Bà Phạm Thị Ngọc cho biết thêm: “Nhìn chung, chính quyền cấp xã đã thể hiện vai trò trong hướng dẫn, quan tâm đầu tư nguồn lực để thực hiện công tác hoà giải cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay năng lực của một số hoà giải viên còn hạn chế, khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là những người lớn tuổi; sự quan tâm của chính quyền cấp xã chưa đồng đều, kinh phí chưa được bố trí đầy đủ, kịp thời... Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động này, cấp xã cần phải chủ động trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo quy định; từng hoà giải viên phải phát huy tinh thần trách nhiệm, tham gia cùng cộng đồng để thực hiện tốt hoà giải ở cơ sở”.
Mô hình "Tổ hoà giải ở cơ sở 5 tốt" tại Cà Mau là minh chứng rõ nét cho sự đổi mới tư duy trong công tác xây dựng và phát huy vai trò của cộng đồng trong việc giữ gìn trật tự xã hội. Bằng cách đặt niềm tin vào người dân và phát huy nội lực tại cơ sở, mô hình này không chỉ giúp giải quyết mâu thuẫn hiệu quả mà còn bồi đắp nền tảng văn hoá cộng đồng bền vững. Việc tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình sẽ là bước đi đúng đắn trong công cuộc xây dựng xã hội ổn định, dân chủ và nghĩa tình.
Lam Khánh