(CMO) Hàng năm, nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, Trường Tiểu học Việt Anh (Phường 9, TP Cà Mau) luôn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, như một món quà động viên những người đã gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”, dành cả tuổi xuân để cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Năm nay, để có buổi gặp gỡ thật ý nghĩa, trường tổ chức ghé thăm lớp học tình thương do cô Lê Thu Thiết đứng lớp nhiều năm qua. Các hoạt động như làm hoa từ túi ni-lông tái chế tặng cô, hay vẽ chân dung cô giáo, diễn ra trong khung cảnh ấm áp và ngập tràn tình thương.
Hơn 1 giờ miệt mài, cùng với sự hỗ trợ của các cô, những đoá hoa, tranh chân dung được hoàn thành với sự tỉ mỉ và thích thú đến từ người làm lẫn người được nhận. Màu sắc tươi sáng kết thành những món quà có 1 không 2.
Những đoá hoa được làm từ túi ni-lông tái chế là tấm lòng của các em dành cho cô giáo. |
Vốn có hoa tay về vẽ tranh nên em Nguyễn Bảo Trân (lớp học tình thương) mong muốn vẽ tặng cô Thiết bức chân dung nhân ngày nhà giáo. Em Trân bộc bạch: “Cô Thiết rất hiền, dạy chữ và dạy em những điều hay lẽ phải, em rất thương cô, xem cô như người bà thứ 2. Bức tranh hoàn thành, em tặng cô để treo tại lớp học, mong cô có thật nhiều sức khoẻ, luôn vui vẻ để dạy học cho nhiều em nhỏ khác”.
Có tuổi thơ cơ cực, nhưng em Lê Tấn Khang, 10 tuổi, rất hoạt bát, vui vẻ. Mỗi buổi trước khi đến lớp học, Khang phải quét nhà, lau nhà và rửa chén, chiều và tối phụ gia đình bán trái cây để kiếm thêm thu nhập. Niềm vui nhất của Khang năm học này là em đã tự viết được tên mình, làm một vài phép tính cộng trừ đơn giản, nó giúp ích cho em rất nhiều khi bước vào đời mưu sinh.
“Cô dạy em biết viết chữ, em rất thương cô. Em muốn cô Thiết khoẻ mạnh. Em cảm ơn cô vì cô đã dạy em biết chữ”, Khang gửi lời đến cô.
Những món quà đơn giản nhưng lại rất ý nghĩa dành cho cô giáo Thiết, người tận tuỵ mang con chữ đến hàng trăm bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại lớp học tình thương Phường 6. |
Bà Phạm Thị Tuyết Hải, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Việt Anh, chia sẻ: “Trở lại thăm lớp học tình thương của cô Thiết, tôi rất xúc động, hình ảnh cô trò quấn quýt, cùng nhau học tập, vui chơi. Nhiều em nhỏ theo học tại đây hoàn cảnh khó khăn, gia đình lại không có điều kiện cho nên khi tổ chức những buổi vui chơi, các em rất thích, mong muốn các em hiểu được ý nghĩa tôn sư trọng đạo. Mong mỗi người chung tay, thì xã hội sẽ bớt đi những trẻ lang thang, thiệt thòi vì mù chữ”.
Cô Thiết đã có hơn 20 năm gắn bó với lớp học tình thương. Ban đầu xuất phát từ sự thiếu thốn về con chữ của những bạn nhỏ, nhưng dần về sau, lớp học được duy trì (từ năm 1999 đến nay) bởi sự bao dung và nhiệt huyết của người giáo viên đứng tuổi nhưng vẫn khát khao được dạy học, dạy các em nhỏ đạo làm người và còn biết bao điều thú vị khác nữa trong đời sống.
Năm học này, lớp có 54 học sinh (buổi sáng lớp vỡ lòng, lớp 1 có 31 em; chiều 2 lớp ghép 2 và 3 là 23 em); đa phần các em có gia đình khó khăn, 99% các em lớn lên trong gia đình không trọn vẹn. Có em ở với cha, hoặc mẹ, hoặc chỉ ở với ông bà, thậm chí có em ở với cô, dì, chú, bác. Tình thân thiếu thốn, nay nhờ nương tựa lớp học tình thương mà hơi ấm gia đình phần nào được bù đắp.
“Có em đi bán vé số, trái cây, hay theo mẹ rửa chén ở các quán ăn về đêm, hoặc khi ông bà đi nhặt ve chai thì các em cũng đi theo. Từ chỗ hiểu được hoàn cảnh mà tôi rất thương các em. Tụi nhỏ hồn nhiên lắm, chưa biết ngày Nhà giáo Việt Nam là sao hết nhưng lúc này cũng rất yêu thương cô, có chuyện vui buồn vào kể cho tôi nghe. Lớp học cho tôi nhiều niềm vui, được nhìn thấy các em tiến bộ mỗi ngày. Phụ huynh cũng biết ơn mình nhưng do họ quá khó khăn, nên ngày nhà giáo chỉ cần các em ngoan và chăm học, chơi vui vẻ thì tôi đã mãn nguyện. Ðối với tôi, ngày nào cũng là ngày 20/11”, cô Thiết bộc bạch.
Ðã có nhiều em nhỏ gắn bó với lớp học tình thương, trưởng thành và ra đời mưu sinh, ngày Tết quay trở lại thăm cô Thiết và đàn em nhỏ. Cũng nhờ một chút con chữ ngày ấy mà cô dạy, các em tự tin rời quê, rời nhà để tìm chân trời mới.
“Thường đối với những người không biết chữ, họ ngại và tự ti, bám lấy quê hương, nhà cửa, họ hàng và không dám làm việc lớn, chỉ gắn bó quẩn quanh với nghề bán vé số, đào đất mướn, nhặt ve chai..., không biết tính toán. Chính vì vậy, trong quá trình dạy trẻ học, tôi cũng dạy cho trẻ không được chịu thua hoàn cảnh, đừng nghĩ mình nghèo hoài, sẽ có ngày mình thay đổi, tìm thấy hy vọng phía trước. Ðó là hành trang tôi chuẩn bị cho các em sẵn sàng vào đời”, cô Thiết chia sẻ thêm./.
Yến Nhi