Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, sáng 28/5, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Toà án Nhân dân (sửa đổi).
Điều hành thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, đã có 150 lượt ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội, 11 đại biểu Quốc hội gửi tham gia ý kiến bằng văn bản. Đây là đạo luật quan trọng, trực tiếp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Toà án, chế độ chính sách đối với các chức danh tư pháp của Toà án nhưng có liên quan đến nhiều cơ quan khác hoạt động trong lĩnh vực tư pháp. Do đó, yêu cầu đặt ra đáp ứng tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng bộ của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm chỉ đạo sâu sát việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. Ngay sau kỳ họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Tư pháp phối hợp với Toà án Nhân dân (TAND) tối cao là cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc ý kiến đại biểu Quốc hội. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức nhiều phiên họp, các cuộc làm việc do Phó chủ tịch Quốc hội chủ trì làm việc với các cơ quan hữu quan để chỉnh lý văn bản, xin ý kiến Chính phủ và các cơ quan.
Việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại Phiên họp thứ 31 (tháng 3/2024), trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan tổ chức. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 9 chương, 153 điều.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường.
Các ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu tối đa, giải trình cặn kẽ. Các nội dung tiếp thu, giải trình bảo đảm có cơ sở pháp lý rõ ràng. Các nội dung còn ý kiến khác nhau cũng được báo cáo đầy đủ để đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Nhấn mạnh đây là dự án luật lớn, có nhiều chính sách mới, quy định mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án, nhiều nội dung mới có tính chất đột phá, nhiều nội dung tiệm cận với quốc tế, tháo gỡ một số vướng mắc thực tiễn, phù hợp với Hiến pháp 2023 và thể chế hoá quan điểm, chủ trương theo các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới với trọng tâm là đổi mới về tổ chức và hoạt động của TAND.
Các đại biểu đã cho ý kiến về nhiều nội dung cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật như quy định TAND thực hiện quyền tư pháp; thẩm quyền thành lập và giải thể các TAND; về TAND sơ thẩm chuyên biệt; tham dự và hoạt động thông tin tại phiên toà; đổi mới TAND theo thẩm quyển xét xử; bảo vệ Toà án; nhiệm kỳ của thẩm phán...và nhiều nội dung quan trọng khác./.
(Tổng hợp từ Cổng thông tin điện tử Quốc hội)