Những năm gần đây, hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng được lan toả và phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội. Nhờ đó, rất nhiều đối tượng yếu thế được thụ hưởng quyền và lợi ích hợp pháp, đảm bảo quyền công bằng, bình đẳng trong đời sống và pháp luật.
Trong nhiều đối tượng yếu thế được tích cực hỗ trợ quyền tiếp cận trợ giúp pháp lý có người dân tộc thiểu số điều kiện khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh có 30 trường hợp người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý miễn phí, đem đến sự hài lòng cao, niềm tin vào pháp luật nhân đạo và công bằng.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh có 30 trường hợp người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý miễn phí. (Ảnh minh hoạ)
Chính sách dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, điều đó đã được khẳng định trong các văn kiện, cương lĩnh của Đảng. Chính sách dân tộc là một trong những nguyên tắc cơ bản được quy định trong Hiến pháp. Những năm qua, cùng với việc nhất quán thực hiện bình đẳng, đại đoàn kết dân tộc, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân tộc Việt Nam và đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trợ giúp pháp lý được xác định là chính sách ưu đãi giành cho đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và các văn bản có liên quan thì người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc diện được Luật Trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Bộ Tư pháp đã tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng được Luật Trợ giúp pháp lý hỗ trợ, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Ngày 20/6/2017, Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) đã được 100% đại biểu Quốc hội có mặt nhất trí thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, trong đó có điểm mới quan trọng liên quan đến quyền được trợ giúp pháp lý của người dân tộc thiểu số là sửa đổi “thường trú” bằng “cư trú” ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Như vậy, quyền được trợ giúp pháp lý của người dân tộc thiểu số sẽ mở rộng hơn trước đây.
Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó trợ giúp pháp lý quy định tại nội dung số 3 thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 10, Cục Trợ giúp pháp lý đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp ban hành Công văn số 1420/BTP- Luật Trợ giúp pháp lý ngày 5/5/2022 về việc hướng dẫn thực hiện nội dung về trợ giúp pháp lý trong chương trình mục tiêu này.
Ông Ngô Đức Bính, Phó Giám Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau, cho biết: “Để những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí tiếp cận trợ giúp pháp lý, thời gian qua tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp, từ việc tăng cường công tác phối hợp, sàng lọc đối tượng ngay từ các cơ quan phối hợp như Toà án, Cơ quan cảnh sát điều tra. Từ đó, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, trong đó có người dân tộc thiểu số, có thể lựa chọn trợ giúp pháp lý ngay từ sớm. Cùng với đó, hoạt động truyền thông cũng được đẩy mạnh, giúp người dân hiểu hơn về chính sách trợ giúp pháp lý cho đối tượng yếu thế trên địa bàn”.
Trợ giúp pháp lý góp phần tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân, trong đó có người dân tộc thiểu số. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thường phải chịu thiệt thòi hơn so với các đối tượng khác; do đó, pháp luật cần có những quy định cụ thể cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số được hưởng trợ giúp pháp lý nhằm góp phần bảo đảm quyền lợi và điều kiện phát triển của họ.
Trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là việc thực hiện các dịch vụ pháp lý miễn phí của Nhà nước và xã hội do pháp luật quy định đối với các đối tượng cụ thể là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, đại diện, bào chữa, kiến nghị giải quyết vụ việc tại cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật để bảo đảm cho mọi công dân bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng pháp luật nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân, đồng thời góp phần bảo đảm quyền, lợi ích của cộng đồng và xã hội.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Hường, Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau, cho biết, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn do nhiều yếu chủ quan, khách quan nên việc tiếp cận pháp luật cũng như trợ giúp pháp lý miễn phí còn hạn chế. Tuy nhiên, thời qua, bằng nhiều giải pháp, nhóm đối tượng này đã có thể tiếp cận với pháp luật nói chung, pháp luật liên quan đến trợ giúp pháp lý nói riêng, nhanh và thuận tiện hơn. Chính vì thế, số người được trợ giúp pháp lý, trong đó có người dân tộc thiểu số, tăng dần qua từng năm.
Ông Trần Hoàng Út, Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Cà Mau, thông tin thêm: “Thông qua các đợt truyền thông, người dân tộc thiểu số hiểu hơn về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí. Trong cuộc sống, khi gặp những vướng mắc, khó khăn, đối tượng này đã tìm và tiếp cận đến trợ giúp pháp lý miễn phí. Trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng này thời gian qua trải dài trên các lĩnh vực trong đó hình sự và dân sự là hôn nhân, gia đình”.
Với góc nhìn toàn diện, hiện nay, nhiều người dân tộc thiểu cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xuất phát từ nhiều lý do, nhóm đối tượng này vẫn còn tâm lý ngại tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý, mặc dù đây là dịch vụ miễn phí. Chính vì thế, để nhóm đối tượng này hiểu hơn, tiếp cận trợ giúp pháp lý khi có những rủi ro về pháp luật, điều quan trọng hoạt động thông tin, truyền thông cần được đẩy mạnh.
Ông Ngô Đức Bính nhấn mạnh: “Đối với nhóm đối tượng này, chúng tôi cũng đã xác định tăng cường công tác tuyên truyền với các hình thức đa dạng, ngôn ngữ dễ hiểu để người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hiểu biết về vai trò quan trọng của trợ giúp pháp lý, thiết thực trong bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, tránh tâm lý e ngại khi cần trợ giúp pháp lý. Tăng cường hướng dẫn pháp luật cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ”.
Những giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế, cùng với trách nhiệm của đội ngũ làm công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương, chính sách trợ giúp pháp lý đã và đang lan toả mạnh mẽ, tạo được sự đồng thuận cao.
Thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh sẽ chú trọng nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ, trợ giúp viên pháp lý; tăng cường và đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý; rà soát, kiện toàn đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Chú trọng hoạt động tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm bảo đảm các đối tượng là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật được tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp pháp lý một cách thuận tiện, dễ dàng và rộng khắp hơn.
Song song với những giải pháp thiết thực phù hợp với tình hình thực tế, trách nhiệm của đội ngũ làm công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương, chính sách trợ giúp pháp lý đã và đang có sức lan toả mạnh mẽ, tạo được sự đồng thuận cao. Thông qua hoạt động này không những đưa chủ trương, chính sách nhân văn đi vào cuộc sống, mà còn nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, trách nhiệm của xã hội đối với các đối tượng yếu thế trong cộng đồng./.
Văn Đum – Chí Diện