Ngày 17/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1386/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hạ tầng đô thị được Cà Mau quan tâm đầu tư phát triển, xứng tầm với vị thế địa đầu cực Nam Tổ quốc.
Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Cà Mau phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt trên 7,5%/năm.
Về cơ cấu kinh tế, tỷ trọng khu vực ngư - nông - lâm nghiệp chiếm khoảng 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 36,5%; dịch vụ chiếm khoảng 37%.
GRDP bình quân đầu người đạt trên 146 triệu đồng.
Để khai thác tiềm năng và thế mạnh, Cà Mau mong muốn xây dựng Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, tạo nền tảng để hướng ra biển, làm giàu từ biển, trở thành trung tâm và là đầu mối quan trọng của Vùng trong vận tải hàng hải quốc tế, phù hợp với quy hoạch hệ thống giao thông quốc gia.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cà Mau là tỉnh kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa mang bản sắc của con người Cà Mau được giữ gìn và phát huy. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Cũng theo quy hoạch, việc đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, cũng như thực hiện Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt) là những trọng tâm phát triển kinh tế biển được ưu tiên, đưa tỉnh trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước.
Thủy sản vẫn là kinh tế mũi nhọn, xây dựng và vận hành trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản góp phần đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển chuỗi giá trị.
Xây dựng Cà Mau trở thành trung tâm chế biến thủy sản và trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.
Du lịch là thành phần kinh tế quan trọng, hướng liên kết và hợp tác phát triển với các địa phương trong vùng, cả nước và quốc tế; phát huy lợi thế vị trí địa lý là tỉnh địa đầu cực Nam của Tổ quốc trong tạo sự khác biệt thu hút du khách.
Năng lượng tái tạo là lĩnh vực được kỳ vọng tạo đột phá mới cho nền kinh tế của tỉnh trong tương lai gần.
Được biết, dự kiến cuối năm nay Cà Mau sẽ tổ chức công bố quy hoạch này./.
Trần Nguyên