(CMO) Ý thức kinh doanh của những “tiểu thương” kém cùng với sự bất cập trong công tác quy hoạch chợ... trên địa bàn TP Cà Mau đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Từ 1 đến 2 hộ buôn bán ban đầu rồi tăng dần lên vài chục hộ, sau đó dần dần cả con lộ biến thành cái chợ, đó là đặc điểm chung của nhiều chợ đang hiện hữu trên địa bàn. Nhiều người cho rằng, đó là do tập quán buôn bán của người dân đã hình thành từ rất xa xưa, chỗ nào thấy buôn bán được thì bán riết rồi thành... chợ.
Buôn bán ngổn ngang
Dọc theo tuyến đường Nguyễn Trãi nối dài đến cống Kinh Mới, Phường 9, TP Cà Mau (thuộc tuyến Quốc lộ 63) ai cũng có thể chứng kiến cảnh buôn bán “tấp nập” ngay vỉa hè, mé lộ, rất nhiều chợ “chồm hổm” cứ thi nhau mọc lên. Một trong số đó đã có từ vài chục năm về trước (cái thời chợ chưa được quy hoạch), có chợ hình thành từ 3-4 năm nay.
Chợ "chồm hổm” ngay cống Kinh Mới, Phường 9 (phía trước nhà công vụ Công an tỉnh) hình thành cách nay không lâu. Từ khoảng đất trống, cỏ mọc um tùm, người dân đã tự tráng bê-tông chừng 6 m2 để bán rau cải, sau đó một số hộ khác cũng đến ngồi bán kéo dài theo mé lộ, đến nay đã lên đến trên 10 hộ và số hộ này đang có khả năng tăng lên nếu như không có sự quản lý kịp thời của địa phương.
Chị Hoa, một trong số hộ buôn bán rau cải tại địa điểm trên, cho biết: “Tôi làm nghề buôn bán khá lâu rồi, trước đây bán ở chợ Phường 7, bị lực lượng dân phòng của Phường 7 “đuổi”, chạy về Vành đai 2, Phường 9. Mấy tháng nay về đây bán chưa thấy ai đến đuổi đi”.
Được biết, Phường 9 hiện chưa có chợ, chủ yếu là chợ tự phát. Theo quy hoạch, sẽ đầu tư xây dựng chợ khu tái định cư Phường 1 và Phường 9 tại Khóm 5, Phường 1, TP Cà Mau với diện tích hơn 2.100 m2 , tổng vốn đầu tư khoảng 9,5 tỷ đồng, quy mô khoảng 120 sạp.
Phó chủ tịch UBND Phường 9 Nguyễn Thế Dũng trần tình: “Ngoài một số chợ nhóm đã có từ rất lâu, hiện nay trên địa bàn xuất hiện một vài chợ nhỏ do nhu cầu buôn bán của những người dân vùng ven. Dù địa phương đã “cấm” nhưng rất khó. Trước đây đã có quy hoạch nhưng do thiếu vốn đầu tư, kêu gọi xã hội hoá gặp nhiều khó khăn. Tuyến đường Nguyễn Trãi là “xương sống” của phường, người dân nơi đây rất mong mỏi có một chợ tập trung ngay trung tâm phường để bà con thuận tiện mua bán, phường cũng dễ quản lý. Nhưng xem ra, mong ước đó còn quá xa vời".
Chờ nhà đầu tư
Cũng thực trạng trên, từ vài hộ ban đầu đến nay gần 300 hộ kinh doanh thuộc chợ nhóm Phường 8 đã biến cả tuyến đường Trần Văn Ơn thành... cái chợ. Nói về chuyện chợ, bà Trần Thị Ánh Tuyết, chủ hiệu buôn bán đồ gia dụng có hơn 10 năm gắn bó với tuyến đường này, chia sẻ: “Trước đây khu này toàn là ao, cỏ mọc um tùm, chỉ vài chục hộ buôn bán trên con đường này. Kể từ khi lộ mở rộng, người buôn bán ngày một đông, cứ lan dần. Vì chợ này là tuyến đường, toàn nhà dân nên phải mướn vỉa hè buôn bán, chỉ 4 m ngang phải trả 1 triệu đồng/tháng”.
Người dân buôn bán đã “biến” cả tuyến đường Trần Văn Ơn, Phường 8, TP Cà Mau thành... chợ. |
Ông Nguyễn Thành Phương, Trưởng Phòng Kinh tế, TP Cà Mau, thừa nhận: “Vấn đề chợ còn nan giải lắm. Hiện nay trong thực tế chưa bố trí được vị trí nào cơ bản, do vậy còn chuyện tận dụng vỉa hè, lộ để mua bán. Mặc dù biết khó khăn, thành phố cũng thường xuyên ra quân sắp xếp lại trật tự cho ổn định tạm thời trong lúc chưa có chợ. Tuy nhiên, việc làm này giống như "bắt cóc bỏ dĩa", vì sau khi ra quân, các hộ buôn bán tiếp tục tái chiếm. Muốn giải quyết triệt để vấn đề này đòi hỏi phải đầu tư xây dựng chợ tập trung để người dân có nơi mua bán".
Hiện nay hầu hết các chợ đã được quy hoạch cụ thể, song kinh phí rất cao. Tính riêng cho suất đầu tư của 2 khu chợ Phường 4, Phường 8 hơn 90 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phương án là vậy nhưng thực tế để triển khai xây dựng chắc còn phải mất một thời gian khá dài nữa bởi hiện vẫn phải “chờ” nhà đầu tư.
Nói về giải pháp, ông Phương cũng bế tắc: “Đã quy hoạch chính là giải pháp rồi, nhưng giải pháp đó chỉ mang tính ban đầu thôi, bây giờ chỉ biết “chờ” kêu gọi công ty, doanh nghiệp đầu tư. Nói chung kêu gọi đầu tư hiện nay cũng khó khăn lắm, cái cơ bản là họ ngán ngại tập quán buôn bán vốn đã in sâu trong tiềm thức người dân nên không doanh nghiệp nào dám “nhảy” vào”.
Vậy là giải pháp tạm thời như đã qua xem ra còn thực hiện dài dài, bởi lực lượng chức năng có ra quân sắp xếp trật tự chợ xong thì người dân sẽ tiếp tục tái chiếm.../.
Hồng Nhung