Tính tự giác là một hình thức rèn luyện bản thân có chọn lọc, tạo nên những thói quen tích cực trong cách nghĩ, cách hành động nhằm mục đích nâng cao bản thân và hướng đến thành công. Ðó là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng, tự khắc phục khó khăn, vượt lên mọi thử thách trong cuộc sống.
Tính tự giác là một hình thức rèn luyện bản thân có chọn lọc, tạo nên những thói quen tích cực trong cách nghĩ, cách hành động nhằm mục đích nâng cao bản thân và hướng đến thành công. Ðó là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng, tự khắc phục khó khăn, vượt lên mọi thử thách trong cuộc sống.
Tính tự giác cần phải được rèn luyện từ trong gia đình, ngay từ khi còn nhỏ. Môi trường sinh hoạt trong gia đình cùng với cách giáo dục của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn trong quá trình hình thành tính tự giác trong mỗi con người. Ðối tượng sinh viên xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, từ những gia đình khó khăn, thiếu thốn đến những gia đình có điều kiện vật chất dư dả. Mặc dù các em được thụ hưởng chung một nền giáo dục, song mức độ tự giác của các em cũng sẽ không giống nhau. Hơn nữa, với sự tác động của đời sống văn hoá hiện đại, lối sống ích kỷ, thích hưởng thụ vẫn còn tồn tại; tính ỷ lại vẫn còn nhiều thì tính tự giác vốn dĩ giống như một điều có vẻ xa lạ đối với một bộ phận sinh viên.
Sinh viên tự ôn bài trong giờ thực hành. |
Có giáo viên phàn nàn: “Mỗi khi lên lớp giảng bài, một số lớp để bảng viết còn nguyên phấn, có khi tôi tự lau cho nhanh”, hay sinh viên phản ánh: “Các bạn không tự chuẩn bị bài đâu cô ơi, đợi vài bạn học khá trong lớp làm thì cả lớp mượn chép lại”. Bên cạnh những sọt rác vẫn còn vung vãi giấy vụn, chai nước bỏ đi mà đáng lẽ chúng phải nằm trong sọt rác. Những sinh viên vô tâm, ý thức kém cũng không hề nhận ra điều đó hay tỏ vẻ khó chịu vì những hình ảnh không đẹp mắt. Nhưng đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp một sinh viên âm thầm tắt công tắc đèn, quạt sau mỗi giờ học; có những em cặm cụi học bài, làm bài tận khuya. Và cũng có lúc còn một giọng nói vang lên bên cạnh cô giáo mang lỉnh kỉnh đồ: “Cô để em cầm giúp đồ ạ!”. Và còn rất nhiều trường hợp khiến chúng ta phải suy ngẫm về tính tự giác của sinh viên.
Tự giác không phải tự nhiên mà có, nó còn xuất phát từ trong ý nghĩ, trong nhận thức và thôi thúc con người tự nguyện thực hiện hành vi đúng đắn trong đời sống thường ngày; cần phải kiên trì, cố gắng duy trì vì mục tiêu, lý tưởng sống cao đẹp và trong sáng. Dần dần, tự giác trở thành thói quen chi phối hoạt động thường ngày. Tự giác trong học tập, lao động được hình thành từ những thói quen tốt trong học tập, lao động về sử dụng giờ giấc, sắp xếp thời gian biểu khoa học và ý chí muốn đạt kết quả cao, phấn đấu hết mình. Ðiều đó còn thể hiện thái độ, tinh thần trách nhiệm trong công việc và lòng tự trọng bản thân.
Ðể rèn luyện tính tự giác của sinh viên, trước hết bản thân sinh viên phải có ý thức tự giác, phải biết trách nhiệm công việc của chính mình và mục tiêu bản thân phải hướng đến trong cuộc sống. Từ đó, tự vạch ra kế hoạch cho từng khoảng thời gian, từng giai đoạn trong quá trình học tập và rèn luyện bản thân. Ðặc biệt, sinh viên phải hoàn toàn tuân thủ theo kế hoạch mà mình tự đặt ra, cho dù có khó khăn cũng phải khắc phục triệt để.
Tính tự giác của sinh viên phải được hình thành dần dần trong quá trình học tập. Tự giác học tập bao gồm những hoạt động cơ bản về nhiệm vụ của sinh viên như tự nghiên cứu bài học trước và sau khi lên lớp; chủ động thực hiện tốt giờ đến lớp, tham gia tích cực các hoạt động ngoại khoá, đến những hành vi mang tính tự giác như để rác vào nơi quy định, chào hỏi thầy cô, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, người gặp khó khăn, đúng hẹn trong các hoạt động...
Phải nhận thức rằng rèn luyện tính tự giác của sinh viên không những là trách nhiệm của gia đình hay bản thân mỗi sinh viên, mà còn có sự định hướng, giúp đỡ từ nhà trường và giảng viên.
Trong quá trình dạy học, ngay từ buổi đầu của môn học, giảng viên phải có kế hoạch đưa sinh viên vào quỹ đạo của mình - kế hoạch dạy học và có sự kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình dạy học. Cùng với hoạt động dạy học, giảng viên là tấm gương về tính tự giác đối với sinh viên, là người trực tiếp chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm bản thân về học tập, kinh nghiệm sống, khuyến khích sinh viên hình thành, duy trì và phát huy tinh thần tự giác không chỉ riêng trong học tập mà trong tất cả các hoạt động của đời sống thường ngày, phải xem tính tự giác như một phần gắn liền trong tất cả mọi hoạt động.
Hơn nữa, giảng viên là người trực tiếp làm việc với sinh viên, có quyền chi phối, điều khiển toàn bộ quá trình dạy học. Nếu bản thân giảng viên cũng không thể hiện được tính tự giác như soạn bài giảng, chấm trả bài kịp thời, vào lớp đúng giờ, động viên, giúp đỡ sinh viên học yếu... thì việc khơi dậy tính tự giác của sinh viên rất khó khăn. Có những giảng viên hay phàn nàn sinh viên bây giờ không chịu khó học tập, trong khi chính họ cũng không dành thời gian cho việc nghiên cứu bài dạy, giảng bài qua loa, dựa vào phương pháp dạy mới là sinh viên tự nghiên cứu thì giảng viên hướng dẫn bài hời hợt, qua loa, không vào trọng tâm, nhận thức vấn đề sai lệch.
Tự giác là một trong những yếu tố quan trọng đi đến thành công và thể hiện lòng tự trọng của bản thân. Do vậy, bản thân sinh viên hãy tự tập cho mình sự tự giác và chăm chỉ cùng với sự hướng dẫn, làm gương của người lớn, trong đó có giảng viên. Ðiều đó không chỉ giúp ích cho các bạn trong học tập, mà còn rất ý nghĩa khi các bạn sống tự lập sau này./.
Bài và ảnh: Anh Thư