(CMO) Hơn 1 thế kỷ trôi qua, đờn ca tài tử (ÐCTT) vẫn giữ được vai trò đặc biệt trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân Nam Bộ. Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, những điệu lý, câu hò vẫn được ngân vang bởi những tài tử miệt vườn. Với niềm đam mê và tâm huyết, họ đã góp phần gìn giữ loại hình nghệ thuật đặc sắc này không bị mai một theo thời gian.
Nơi gặp gỡ của những đam mê
Tuổi thơ gắn liền với từng giai điệu ÐCTT, ông Huỳnh Văn Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) ÐCTT thị trấn Ðầm Dơi, một trong những người "giữ lửa" cho phong trào ÐCTT ở xứ Ðầm, kể: “Năm 2006, sau thời gian bị lãng quên, phong trào ÐCTT bắt đầu phát triển trở lại. Tôi vốn là người có niềm đam mê ca hát, cùng với những người mộ điệu thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt đờn ca kiểu "cây nhà lá vườn", để mọi người có cơ hội sinh hoạt định kỳ cũng như giữ cái nôi, giá trị tinh tuý trong từng cung âm, bản tổ. Tháng 8/2013, CLB ÐCTT thị trấn Ðầm Dơi ra đời với gần 20 thành viên, sinh hoạt cố định và duy trì cho đến nay”.
Ðịnh kỳ mỗi tháng CLB sinh hoạt một lần. Thành viên của CLB đến từ nhiều khóm, ấp, xã trên địa bàn huyện. Mặc dù xuất thân, ngành nghề, độ tuổi khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung là đam mê ÐCTT, khao khát đem lại niềm vui cho mọi người thông qua lời ca tiếng hát. Ðó cũng chính là điều kiện tiên quyết để CLB duy trì và phát triển cho đến hôm nay.
![]() |
Hiện nay trên địa bàn huyện, CLB đờn ca tài tử thị trấn Ðầm Dơi được đánh giá hoạt động sôi nổi, bài bản và chuyên nghiệp. (Ảnh Chụp ngày 22/4/2021). |
Không chỉ sinh hoạt để thoả niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật dân tộc, CLB còn biểu diễn trong các dịp lễ hội phục vụ quần chúng, đám tiệc, tham gia các hội thi, giao lưu giữa các xã, liên kết các CLB... Như vậy, ở một góc nhìn mới, ÐCTT miệt vườn vẫn còn giá trị nhất định trong lòng người mến mộ.
"Tuy chúng tôi không làm nghề nhưng có sân khấu, có biểu diễn, trau dồi, luyện tập kỹ năng để ngày càng phát triển vươn lên. Thế hệ tài tử được đào tạo theo tinh thần truyền đạt, người ca được thì hướng dẫn lại cho người chưa ca được, tất cả cùng duy trì, cùng phấn đấu. Ở sân khấu hoặc ở bất cứ nơi nào họ cất tiếng ca thì họ là “tài tử”, nhưng ở đời thường họ là những người kinh doanh, những nhà nông có niềm đam mê cháy bỏng với đờn ca”, ông Thành tâm tình.
Tất cả các thành viên tham gia, từ tài tử ca nam và nữ đến nhạc công CLB đều trên tinh thần tự nguyện; sẵn sàng sắp xếp công việc nhà, kinh doanh, đồng áng để dành một khoảng thời gian nhất định cho niềm đam mê của mình.
Ông Thành so sánh: "Những năm 1970 là thời điểm ÐCTT phát triển mạnh, sâu rộng trong quần chúng Nhân dân, đi đâu gặp nhạc cụ gì cũng chơi được. Bài hát cũng hạn chế, nhưng chủ yếu mang hơi hướng cổ vũ cách mạng được biểu diễn nhiều nhất, chẳng hạn như: Bông ô môi, Chiến sĩ La Văn Cầu, Dưới ánh trăng Rằm, Chiến công du kích... Phục trang đơn giản hoặc không phục trang, sân khấu tự nhiên, đôi khi ghép những mảnh ván gỗ của bà con lại thành nơi biểu diễn. Ngày nay thì ÐCTT “sang” hơn, dụng cụ đầy đủ, cho nên âm thanh cũng đa dạng, trong trẻo hơn; sân khấu thì chuyên nghiệp, hiện đại, rực rỡ; tài tử ca phục trang chăm chút, đầu tư hơn, hát bài gì thì vận phục trang đó để tăng tiết tấu sân khấu... Nhưng một điểm không thay đổi là tài tử thời nào cũng đam mê, cũng cháy hết mình với từng lời hát, cung điệu cảm xúc”.
Những nỗi niềm trăn trở
Sau nhiều năm duy trì, đến nay, CLB đã ghi lại dấu ấn thông qua nhiều hội diễn như: giải Nhì giải Dàn nhạc hay trong Hội thi ÐCTT huyện Ðầm Dơi lần thứ I năm 2018; giải A giải chương trình trong Hội thi ÐCTT Nam Bộ lần thứ II năm 2020; năm 2018 được Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau trao tặng giấy khen thành tích tốt trong phát huy giá trị nghệ thuật ÐCTT Nam Bộ và danh hiệu CLB ÐCTT tiêu biểu tỉnh Cà Mau lần thứ II năm 2020.
Ðiều đó cho thấy, việc duy trì hoạt động các CLB ÐCTT ở cấp cơ sở là một tín hiệu đáng mừng, không chỉ bảo tồn “viên ngọc quý” của nền nghệ thuật âm nhạc dân tộc, mà còn góp phần xây dựng đời sống văn hoá ở từng xóm, ấp.
Song, để phong trào được duy trì bền vững và lan toả đến nhiều thế hệ người mộ điệu là câu chuyện không hề dễ dàng. Hầu hết thành viên của các CLB ở cấp xã, huyện đều thừa nhận chuyện tiếp cận một cách bài bản loại hình nghệ thuật này hiện còn gặp nhiều khó khăn. Việc thu hút những người trẻ xây dựng tình yêu với ÐCTT còn rất khiêm tốn về số lượng.
13 năm đồng hành, xây dựng CLB ÐCTT thị trấn Ðầm Dơi phát triển đến ngày hôm nay, ông Trần Quang Dũng (60 tuổi, ngụ Khóm 4, thị trấn Ðầm Dơi) không khỏi trăn trở khi nghệ thuật ÐCTT ngày nay như chiếc thuyền chòng chành trên sóng nước. Ông Dũng cho biết: “Các CLB được lập ra rất nhiều, nhưng phát triển không đồng đều, do nhiều nguyên nhân khác nhau như thiếu kinh phí, không có thầy đờn, việc tìm kiếm thế hệ kế thừa giữa nhịp sống hiện đại như ngày nay cũng rất nan giải”.
Những năm gần đây, huyện Ðầm Dơi đã dành nhiều quan tâm đầu tư phát triển các CLB ÐCTT trong cộng đồng dân cư. Nhìn tổng thể, người tham gia ca hát ngày càng tăng về số lượng lẫn chất lượng. Không chỉ hát bằng đam mê, bằng kỹ năng vốn có, người mộ điệu còn được tham gia nhiều lớp dạy đàn, dạy hát, do ngành văn hoá tổ chức để phong trào phát triển một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn.
“Tôi mong muốn loại hình nghệ thuật này sẽ sớm tiếp cận với môi trường học đường, dù chỉ là một buổi giao lưu sinh hoạt nhỏ thôi cũng góp phần khơi dậy cho các em, các cháu tình yêu đối với giá trị văn hoá quý báu này. Ðồng thời cũng kịp thời phát hiện những tài năng ca hát để bồi dưỡng, phát triển cho thế hệ tiếp nối”, ông Dũng bày tỏ./.
Ngô Nhi - Hữu Nghĩa