Công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia tại Cà Mau đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tính đến tháng 7 năm 2024, toàn tỉnh có 381/493 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 77,28%.
Song song đó, tỉnh tăng cường mời gọi, thu hút các nguồn lực xã hội hoá để thực hiện tốt Đề án Sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 và định hướng năm 2030. Tính đến hết năm 2023, có 10 dự án đầu tư với tổng kinh phí gần 105 tỷ đồng.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức vào chiều 9/8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân chỉ đạo: “Sở GD&ĐT cần tham mưu sớm, tham mưu nhanh để UBND tỉnh có chủ trương, ý kiến, sớm ban hành văn bản chỉ đạo việc sắp xếp lớp học theo chương trình giáo dục phổ thông trong năm học mới 2024-2025 phù hợp với tình hình thực tế, linh hoạt, khoa học và theo quy định của cấp trên”.
Chủ trì Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân, chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới.
Năm học 2023-2024, Cà Mau có 495 trường học, 7.753 lớp học, với hơn 237.000 học sinh và trên 15.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thuộc các cấp học.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Chủ tịch UBND tỉnh; bám sát chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục”, trong năm học qua, ngành GD&ĐT tỉnh Cà Mau đã liên tục nỗ lực, phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tiêu biểu.
Năm học 2023-2024 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 4, lớp 8 và lớp 11).
Theo đó, ngành giáo dục đã tập trung phân bổ kinh phí để đầu tư phát triển giáo dục, mua sắm bổ sung trang thiết bị cơ bản đảm bảo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các đơn vị, trường học tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đáp ứng yêu cầu đổi mới. Các chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo cũng được triển khai và nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm.
Để đảm bảo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường được đầu tư trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học. (Giờ học Tin học của học sinh trường THPT Lý Văn Lâm, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau).
Toàn ngành hiện có 12.060 giáo viên các cấp có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn; đạt tỷ lệ trên 95,4%; 100% viên chức của ngành giáo dục được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn theo vị trí việc làm. Năm học 2023-2024: có 122 giáo viên THCS đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chiếm tỷ lệ trên 84%.
Trong năm học qua, việc triển khai thí điểm mô hình giáo dục STEM cho học sinh tiểu học ở một số trường tiểu học trong tỉnh giúp đào tạo ra những thế hệ trẻ toàn diện cả về học thuật và thúc đẩy sự sáng tạo của học sinh. Dự kiến trong năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT Cà Mau sẽ triển khai đại trà chương trình giáo dục STEM ở 100% các trường tiểu học, góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời gian tới.
Tiết học STEM mang lại hứng thú học tập, sáng tạo cho các em học sinh trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Phường 9, TP Cà Mau.
Ngành giáo dục tiếp tục duy trì và giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục – xoá mù chữ ở các cấp học. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường đạt trên 98,8%; tỷ lệ hoàn thành chương trình đạt 99,26%. Tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,75%; tỷ lệ trẻ hoàn thành chương trình tiểu học đạt 96,68%. Tỷ lệ thanh thiếu niên tốt nghiệp ở độ tuổi từ 15-18, đạt 96,3%. Từ đó, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ học sinh bỏ học; người dân trong độ tuổi biết chữ đạt tỷ lệ khá cao và tăng hằng năm.
Sở GD&ĐT cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025”; hoàn thành triển khai thí điểm Học bạ số với tổng số 131/226 trường Tiểu học; triển khai Hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% đơn vị, trường học. Các bài giảng điện tử, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác được sử dụng rộng rãi; hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học, các khóa học trực tuyến được xây dựng và khai thác có hiệu quả...
Dịp này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 17 học sinh đạt giải trong Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2023-2024.
Ông Nguyễn Minh Luân đánh giá cao những kết quả mà ngành giáo dục đạt được trong năm học 2023-2024.
Trước thềm năm học mới, Phó chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, ngành giáo dục cố gắng sắp xếp bộ máy trường lớp học, tận dụng cơ sở vật chất sẵn có. Sở tham mưu biên chế tuyển dụng giáo viên để gỡ khó tình trạng thừa thiếu giáo viên; xây dựng tình đoàn kết, tình yêu nghề, tình đồng nghiệp, tình thầy trò; ngành giáo dục nên tăng cường, thường xuyên điều chuyển cán bộ, đặc biệt là cán bộ quản lý; ứng dụng nhanh hơn nữa trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số...
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân trao Bằng khen cho em Mai Hoàng Minh Hiếu, học sinh lớp 12X2, Trường THPT Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, đạt thủ khoa Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
“Ngay từ đầu năm học cần phát động phong trào thi đua dạy tốt học để tạo sinh khí thi đua trong toàn ngành; tăng cường kiểm tra, không để sai mới xử, nếu sai thì xử lý kịp thời, không kéo dài”, ông Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh,
Trong năm học 2024-2025, ngành giáo dục đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018; thực hiện biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương lớp 5, lớp 9 và lớp 12 đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và giáo viên hiện có để tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, bảo đảm số lượng, chất lượng; sắp xếp, điều chuyển giáo viên phổ thông giữa các cơ sở giáo dục trong địa bàn bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ. Tăng cường mời gọi, thu hút các nguồn lực xã hội hoá, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án Sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 và định hướng năm 2030. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; trong đó, tập trung cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, bãi ngang, ven biển.../.
Quỳnh Anh