(CMO) Nước là nguồn tài nguyên quý giá. Tuy nhiên hiện nay, nguồn nước sạch đã giảm đáng kể do tình trạng sử dụng nước không hợp lý, chủ yếu đến từ hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người. Chính vì thế, việc thiết lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước là yêu cầu quan trọng được đặt ra.
Xoay quanh vấn đề này, Báo Cà Mau có phỏng vấn bà Dương Thị Ngọc Tuyền, Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn - Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).
- Hiện nay, để kịp thời cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cũng như sản xuất, tại các địa phương đều đã xây dựng mạng lưới cơ sở vật chất, hệ thống kênh mương khá đồng bộ. Theo quy định của pháp luật thì các hệ thống này sẽ đi kèm theo hành lang bảo vệ nguồn nước. Bà cho thể cho biết cụ thể những quy định pháp luật này?
Bà Dương Thị Ngọc Tuyền: Quy định pháp luật về hành lang bảo vệ nguồn nước được quy định rất rõ trong Nghị định 43/NĐ-CP ngày 06 tháng 05 năm 2015 của Chính phủ.
Cụ thể, tại Điều 9 quy định: Đối với hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch có chức năng bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước: Không nhỏ hơn 10 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung hoặc được quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư tập trung; Không nhỏ hơn 05 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch không chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung;
Phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước: Không nhỏ hơn 20 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung hoặc được quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư tập trung.
Không được gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh, rạch là một trong những quy định bắt buộc sau khi hành lang bảo vệ nguồn nước được lập, cắm mốc và đưa vào quản lý.
Bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước;
Tạo không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước. Phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước không nhỏ hơn 30 m tính từ mép bờ hoặc bao gồm toàn bộ vùng đất ngập nước ven sông, suối, kênh, rạch.
Cùng với đó, tổ chức, cá nhân phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở TN&MT về ảnh hưởng đến chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước khi thực hiện các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước sau: Xây dựng kho bãi, bến, cảng, cầu, đường giao thông, các công trình ngầm và công trình kết cấu hạ tầng khác; San, lấp, kè bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo, trừ trường hợp xây dựng công trình cấp bách phục vụ phòng, chống, khắc phục thiên tai; Khoan, đào phục vụ hoạt động điều tra, khảo sát địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ; Khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng.
-Thời gian qua, việc chấp hành pháp luật trong vấn đề này tại địa phương ra sao, thưa bà?
Bà Dương Thị Ngọc Tuyền: Thời gian qua, với góc độ chuyên môn, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 2 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh quản lý nguồn nước, để thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, gồm: Quyết định số 31/2016/QĐ-UBND ngày 06/10/2016 ban hành Quy định về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Quyết định số 57/2018/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Cà Mau ban hành kèm theo Quyết định số 31/2016/QĐ-UBND ngày 06 tháng 10 năm 2016 của UBND tỉnh Cà Mau.
2 quyết định trên được ban hành kịp thời, thống nhất và đồng bộ. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chấp hành rất nghiêm quy định. Từ đó, Quyết định đem lại hiệu quả cao và đảm bảo tính khả thi.
- Theo bà, trong vấn đề này, tại địa phương còn có những tồn tại, hạn chế gì hay không?
Bà Dương Thị Ngọc Tuyền: Sở TN&MT đang triển khai thực hiện Dự án “Lập danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh”, tới thời điểm hiện tại chưa phát hiện khó khăn, vướng mắc. Sau khi hành lang được UBND tỉnh phê duyệt, Sở sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng kế hoạch cắm mốc, tiến hành cắm mốc theo phạm vi được phê duyệt. Khi đó, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải bảo đảm các yêu cầu như: Không được gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa; Không làm ảnh hưởng đến các chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Không gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường sinh thái trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.
Khi áp dụng thực hiện mới phát sinh khó khăn, vướng mắc.
- Để đảm bảo các quy định của pháp luật liên quan đến hành lang bảo vệ nguồn nước được thực thi có hiệu quả trong thực tế, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục thực hiện những giải pháp gì?
Bà Dương Thị Ngọc Tuyền: Thời gian tới đây, theo tôi, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân về vai trò, tầm quan trọng của hành lang bảo vệ nguồn nước. Từ đó, người dân sẽ nắm được các quy định của hành lang để hỗ trợ địa phương thực hiện cắm mốc, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước tốt hơn.
-Xin cảm ơn bà!
Văn Đum thực hiện