Hình ảnh tang thương và thông tin về tình hình ngập lụt, lũ quét, sạt lở ở các tỉnh phía Bắc do bão Yagi gây ra trong những ngày qua đã khiến gần 300 người thiệt mạng và mất tích, tàn phá gần 50.000 ngôi nhà. Trước những mất mát và đau thương đó của bà con đồng bào miền Bắc, hàng triệu người Việt Nam may mắn bình yên ở khắp nơi trên cả nước không khỏi xót xa và đau lòng. Ngay lúc này, nhiều hình thức quyên góp và ủng hộ đã được triển khai nhằm chia sẻ, giúp đỡ những nạn nhân trong thiên tai vượt qua khó khăn.
Hơn bao giờ hết, toàn dân tộc Việt Nam một lần nữa cần dâng cao ngọn lửa đoàn kết, sẻ cơm nhường áo, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách vốn đã được phát huy mạnh mẽ trong lịch sử chống kẻ thù và vượt qua các đợt thiên tai, dịch bệnh.
Lực lượng Công an cứu hộ người dân bị ảnh hưởng bởi lũ. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân cả nước đã và đang tích cực tham gia vào phong trào sẻ cơm nhường áo cho đồng bào vùng thiên tai. Các hoạt động cứu trợ đã được triển khai khẩn trương đến với người dân các vùng thiên tai, tập trung vào việc cứu đói và cung cấp những nhu yếu phẩm thiết yếu, nhằm giúp bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống, tránh lũ an toàn và khắc phục hậu quả thiên tai.
Nhiều người dân miền Tây nói chung, người dân Cà Mau nói riêng chắc còn nhớ rất rõ nỗi đau thương mất mát về người và tài sản do bão Linda năm 1997 gây ra. Với sức tàn phá khủng khiếp, cơn bão đã làm 128 người chết, 1.164 người mất tích và hơn 600 người bị thương, hư hỏng hơn 160.000 căn nhà, chìm và hư hỏng 574 tàu, ruộng vườn, đê bao, rừng đước, rừng tràm gãy đổ, có nơi thiệt hại lên đến 90%. Tổng thiệt hại ước trên 2.700 tỷ đồng.
Sau bão, để kịp thời giúp đỡ và chia sẻ nỗi đau của đồng bào miền Tây nói chung, người dân đất Mũi Cà Mau nói riêng, đồng bào Việt Nam và các tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước đã chung tay quyên góp tiền, nhu yếu phẩm nhanh chóng đưa đến giúp đỡ cho từng người dân bị nạn, sớm ổn định đời sống và khắc phục hậu quả.
Với truyền thống tốt đẹp, nghĩa đồng bào, tình dân tộc thiêng liêng, mỗi người Việt Nam, dù trong nước hay ở nước ngoài, hãy hướng lòng về bà con các tỉnh miền Bắc chịu thiệt hại do bão Yagi gây ra. Chúng ta cần chia sẻ nỗi đau và mất mát, cùng nhau giúp đỡ bà con sớm vượt qua khó khăn thông qua những hành động cụ thể và thiết thực.
Trong hoàn cảnh này, chúng ta không thể không nhớ lại lời kêu gọi “Sẻ cơm nhường áo” của Bác Hồ trong nạn đói năm 1945. Bác Hồ đã kêu gọi: “Hỡi đồng bào yêu quý, từ tháng Giêng đến tháng Bảy năm nay, ở Bắc Bộ ta đã có hai triệu người chết đói. Kế đó lại bị nước lụt, nạn đói càng tăng thêm, nhân dân càng khốn khổ. Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy, thì những người nghèo sẽ có bữa rau bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói. Tôi chắc rằng đồng bào ta ai cũng sẵn lòng cứu khổ cứu nạn, mà hăng hái hưởng ứng lời đề nghị nói trên. Tôi xin thay mặt dân nghèo mà cảm ơn các đồng bào". Sách Hồ Chí Minh toàn tập – tập 4 - NXB Chính trị quốc gia – Sự thật – 2011)
Lời kêu gọi của Bác nhanh chóng được toàn thể nhân dân hưởng ứng, hình thành một phong trào mạnh mẽ giúp bà con miền Bắc vượt qua cơn đói. Ngày nay, trong bối cảnh và điều kiện mới, truyền thống đó vẫn được phát huy xuyên suốt như dòng máu đỏ ngàn đời của người Việt Nam.
Hiện tại, mỗi người dân chúng ta hãy hành động vì nghĩa đồng bào, tình dân tộc. Chúng ta bớt đi một bữa tiệc, một phần ăn, để cùng chung tay giúp đỡ những em nhỏ mất cha mẹ, những cụ già mất nhà, những gia đình mất người thân và tất cả những nỗi đau tột cùng mất mát. Các nhà thiện nguyện, hảo tâm, thay vì chỉ chờ đến ngày lễ, ngày rằm để làm từ thiện, hãy dành phần đó để chia sẻ với đồng bào đang gặp hoạn nạn. Những tấm lòng thiện nguyện từ tâm, trong hoàn cảnh này, sẽ mang lại ý nghĩa và giá trị nhân văn thiết thực hơn bao giờ hết.
Nghĩa đồng bào, tình dân tộc và lòng nhân ái của người Việt tiếp tục tỏa sáng trong những lúc khó khăn nhất này như truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam anh dũng, kiên cường, đoàn kết, nhân hậu và nghĩa tình. Vậy, mỗi chúng ta hãy chung tay, góp sức để giúp đỡ bà con vùng bão, lũ vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Nguyễn Ngọc