Với thời lượng 3 phút, video “Khám phá Cà Mau - Cà Mau Check” của Huỳnh Trần Thiên Thanh, sinh viên năm 3 ngành Quản trị kinh doanh, ghi lại hành trình khám phá và tìm hiểu về những ngôi chùa độc đáo tại TP Cà Mau, thu hút lượt tương tác "khủng" trên nền tảng TikTok. Ðây là sản phẩm dự thi nằm trong Hội thi Sáng tác video clip quảng bá du lịch Cà Mau do Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh phát động.
- Quảng bá du lịch bằng âm nhạc
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch
- Quảng bá du lịch thời 4.0
Hậu trường buổi quay hình clip giới thiệu du lịch của nhóm bạn Nguyễn Hà Huyền Trân tại Ðình thần Tân Bằng (huyện Thới Bình).
Với hình thức clip tái hiện theo chân người trẻ tìm về bản sắc du lịch thông qua những địa danh nổi tiếng của địa phương, Thiên Thanh đã mang đến cho người xem nhiều cảm xúc khi clip không chỉ đẹp mắt về hình ảnh mà còn chỉn chu về thông tin.
Thiên Thanh chia sẻ: “Em đã chọn 3 ngôi chùa: Sắc tứ Quan Âm cổ tự (chùa Phật Tổ, Phường 4), chùa Bà Thiên Hậu (Phường 2) và chùa Monivongsa Bopharam (Phường 1) làm 3 điểm du lịch tâm linh chính trong clip. Ðược sự hỗ trợ từ người dân địa phương lẫn các bạn trong ê kíp nên sản phẩm hoàn thành vượt mong đợi của em. Càng hạnh phúc hơn khi clip được viral (lên xu hướng) trên mạng”.
Từ những góc quay, bố cục, hình ảnh được chọn lọc đã góp phần khái quát giá trị truyền thống của mỗi điểm, mang lại nét đặc trưng của du lịch tâm linh tại tỉnh. Thông qua giới thiệu của clip, du khách hoàn toàn có thể đi theo lộ trình tương tự để trải nghiệm những điểm đến thật trọn vẹn và thuận lợi nhất.
Thiên Thanh cho biết: “Ngoài những địa điểm giải trí thì nhu cầu về du lịch tâm linh hiện nay được sự quan tâm của đông đảo du khách, vì thế em đã chọn các điểm chùa lâu đời để giới thiệu. Nhờ những kỹ năng được học ở trường như: xuất hiện trước máy quay, biên tập nội dung, thuyết trình... đã giúp em tự tin và rút ngắn thời gian thực hiện quay hình cũng như hoàn thiện sản phẩm”.
Thiên Thanh hy vọng sản phẩm sẽ quảng bá hình ảnh đẹp của quê hương Cà Mau, thu hút du khách, góp phần cho du lịch địa phương phát triển.
Thời gian qua, nhiều nhóm sinh viên (SV) của Phân hiệu cũng thực hiện các sản phẩm dự Cuộc thi “Gen Z với du lịch” do Ðại học FPT Cần Thơ tổ chức. Vẫn là chủ đề về du lịch, các nhóm đều mong muốn mang du lịch của tỉnh giới thiệu rộng rãi, nhưng ở góc độ mới mẻ hơn.
Nhóm bạn Nguyễn Hà Huyền Trân, SV năm 2 ngành Ngôn ngữ Anh, tâm sự, ngay từ khi nhận được thông tin về cuộc thi, nhóm đã lên ý tưởng và chọn “Xuôi dòng Sông Trẹm: Hệ sinh thái nước ngọt tỉnh Cà Mau” làm nội dung chính cho clip lần này. Với mong muốn mang lại góc nhìn khác cho người xem về du lịch của dòng sông nên thơ này, nhóm đã đến tận nơi và tìm hiểu văn hoá, đời sống dọc theo con Sông Trẹm để giới thiệu đến mọi người.
“Song song việc tìm hiểu thông tin từ Internet, nhóm chúng em đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ người dân địa phương và có những thông tin hầu như không được đề cập hoặc đề cập qua loa trên mạng. Vì thế, đây chính là những tư liệu dân gian quý báu, góp phần tạo nên sự khác lạ cho đề tài. Chúng em hy vọng rằng, với tiềm năng lớn của du lịch tỉnh, chúng em sẽ góp phần tạo nên điểm nhấn thú vị cho bản đồ du lịch Cà Mau, truyền cảm hứng đến những bạn trẻ về quảng bá du lịch từ mảnh đất mình đang sống”, Huyền Trân chia sẻ.
Ðồng hành với SV trong dự án lần này, cô Nguyễn Ðông Kiều, Phó chủ tịch Hội SV Phân hiệu, cho biết: “Là người Cà Mau nên hơn ai hết chính các em sẽ hiểu được tiềm lực mà tỉnh đang có và tự hào hơn khi chính các em sẽ là cầu nối giới thiệu điều đó đến với mọi người. Tôi đánh giá cao sự nhiệt huyết và tinh thần cầu tiến của các em trong dự án lần này. Dù quãng đường xa xôi và thời tiết không thuận lợi, cùng sự tác động của ngoại cảnh, nhưng các em đã cố gắng vượt qua khó khăn để đến tận nơi tìm hiểu, quay hình và hoàn thành sản phẩm đúng hạn, chất lượng”.
Tin rằng, những thước phim của SV Phân hiệu bằng sự đầu tư và nhiệt huyết sức trẻ sẽ mang đến góc nhìn mới lạ cho người xem, hơn hết là sẽ tạo động lực để thu hút du khách tìm đến và trải nghiệm, phát triển du lịch./.
M.Sang - H.Trân