(CMO) Ðã qua, khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, một số môn mới theo chương trình này thì thiếu giáo viên nhưng lại thừa giáo viên ở một số bộ môn khác. Bài toán vừa thiếu, vừa thừa giáo viên này khó giải quyết một sớm một chiều, có thể còn kéo dài, gây không ít khó khăn trong công tác dạy và học.
Thiếu ở môn này, thừa ở môn khác
Ông Nguyễn Thanh Luận, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), thừa nhận, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Vấn đề này đã được ngành thống kê, rà soát và tìm hiểu đầy đủ.
“Toàn ngành hiện có hơn 16 ngàn người, trong đó có 13.055 giáo viên. Cụ thể, mầm non còn thiếu 240 giáo viên; các cấp phổ thông hiện tại thiếu khoảng 250 giáo viên dạy môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật. Tuy nhiên, lại thừa giáo viên ở bộ môn khác, như giáo viên dạy môn chung ở tiểu học; giáo viên dạy môn Ngữ văn, Toán, Sinh học... đối với cấp THCS”, ông Luận cho biết.
Do mức đãi ngộ cho giáo viên còn thấp nên nhiều sinh viên chưa thiết tha với ngành sư phạm. (Ảnh minh hoạ, chụp tại Trường Tiểu học Trí Phải, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tháng 3/2023).
Một trong những địa phương còn thiếu nhiều vị trí là huyện Thới Bình. Tổng biên chế được giao năm 2023 của ngành giáo dục huyện Thới Bình là 1.595 người, nhưng tổng số viên chức hiện có là 1.588 người, số viên chức được giao chưa tuyển dụng là 7 người. Còn theo định mức quy định của Bộ GD&ÐT năm học 2023-2024, tổng số viên chức ngành giáo dục huyện Thới Bình cần có là 1.682 người, nghĩa là còn thiếu 94 người. Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng phòng GD&ÐT huyện Thới Bình, chia sẻ: “Hiện nay số viên chức ngành giáo dục huyện thiếu so với định mức. Năm học 2022-2023, huyện tuyển 71 viên chức ngành giáo dục, nhưng chỉ tuyển được 39 người. Trên địa bàn huyện hiện có 52 điểm trường, tình trạng thiếu giáo viên cơ bản nằm ở cấp tiểu học và mầm non, chủ yếu ở môn Ngoại ngữ, Tin học. Thời gian qua, một số trường gặp khó khăn trong công tác giảng dạy, nhiều lúc giáo viên phải dạy vượt tiết so với định mức để đảm bảo giờ học cho các em học sinh”.
3 trường của huyện Thới Bình đang thiếu nhiều giáo viên, gồm Trường Tiểu học Tân Xuân, xã Tân Phú; Trường Tiểu học Biển Bạch, xã Biển Bạch; Trường Tiểu học Tân Bằng, xã Tân Bằng. Thầy Ðỗ Văn Tân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Bằng, bộc bạch: “Năm học vừa qua, nhà trường có 34 lớp với 59 quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 5 giáo viên hợp đồng. Hiện tại trường đang thiếu 5 vị trí ở các bộ môn: Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Thể dục và nhân viên y tế. Cuối tháng 12/2022, trường đăng ký tuyển 7 vị trí, nhưng chỉ có 4 người đăng ký thi nên cũng không tuyển dụng được. Nếu vào năm học mới vẫn chưa tuyển dụng được thì nhà trường buộc phải xin chủ trương của UBND huyện, Phòng GD&ÐT huyện, cho phép tiếp tục hợp đồng với giáo viên để đảm bảo chất lượng dạy và học”.
Những giải pháp tạm thời
Hiện nay, đời sống giáo viên nhìn chung tương đối ổn định, tuy nhiên, mức lương hiện nay của giáo viên so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, đặc biệt là giáo viên mới tuyển dụng hưởng lương tập sự.
Một nguyên nhân nữa là do quy định của Luật Giáo dục năm 2019, giáo viên cấp tiểu học phải có bằng đại học, trong khi trước đó chỉ cần bằng trung cấp. Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn: "Tâm lý thông thường, sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm sẽ chọn dạy những lớp ở cấp THCS, THPT để khoẻ hơn, thu nhập cao hơn, sau cùng mới là bậc tiểu học, nên nguồn giáo viên dự tuyển dạy cấp tiểu học cũng giảm xuống. Bên cạnh đó, cơ chế đối với giáo viên dạy Tin học, Ngoại ngữ rất thoáng, chỉ cần có bằng chuyên môn về Tin học, Ngoại ngữ, sau đó học thêm chứng chỉ sư phạm là có thể đứng lớp giảng dạy. Tuy nhiên, với các chuyên ngành này, hiện nay các em lại có nhiều sự lựa chọn công việc với mức thu nhập và chế độ đãi ngộ cao hơn".
Khắc phục tình hình thừa - thiếu giáo viên cục bộ, chỉ có những giải pháp tình thế. Theo ông Nguyễn Thanh Luận, để thực hiện đảm bảo chương trình giáo dục theo từng cấp học, trước mắt chỉ có thể sắp xếp giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu; điều động giáo viên Tin học, Ngoại ngữ dạy tăng cường ở những trường còn thiếu trong cùng địa phương, cùng cấp học; hợp đồng, thỉnh giảng giáo viên có chuyên ngành phù hợp; thực hiện tuyển dụng giáo viên đối với những môn còn thiếu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hoá đối với giáo dục; vận động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục. Tiếp tục tuyển dụng giáo viên ở những vị trí còn thiếu theo biên chế giáo dục. Tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn các môn học tích hợp môn Khoa học tự nhiên, Tin học và Công nghệ cho giáo viên trong biên chế; bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với chuyên ngành Tin học, Ngoại ngữ; bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên hàng năm theo quy định của Bộ GD&ÐT.
“Mặt khác, giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm đối với những môn thiếu, không có nguồn để tuyển dụng. Theo nghị định này, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo, được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng (không quá 10 tháng/năm học) để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Hiện nay, Sở GD&ÐT đã tham mưu UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Trường Cao đẳng Cộng đồng đào tạo giáo viên mầm non và đang tham mưu kế hoạch thực hiện đặt hàng đào tạo các môn thiếu giáo viên. Tuy nhiên, chưa có những quy định cụ thể về chế tài ràng buộc đôi bên, nên chưa thu hút được sinh viên theo học", ông Luận trăn trở./.
Quách Nguyên