Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đã nhấn mạnh một công việc hệ trọng của báo chí cách mạng trong giai đoạn mới: “Báo chí phải thực hiện tốt sứ mệnh trong kỷ nguyên mới”.
- Báo chí đang phát triển đúng định hướng
- Báo Cà Mau đạt mức tốt về trưởng thành chuyển đổi số báo chí
- Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
Công việc cấp bách và cần dồn sức triển khai ngay của các cơ quan báo chí là thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW (Nghị quyết 18) của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” gắn với việc tổng kết Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Ðồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các lãnh đạo Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam công bố kết quả đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2024.
Xu thế tất yếu
“Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” là mục tiêu, kỳ vọng và quyết tâm lớn của hệ thống các cơ quan báo chí gắn với việc thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có công việc sáp nhập, hợp nhất các cơ quan báo chí theo Nghị quyết 18. Ðây được xác định là cuộc cách mạng của báo chí cách mạng Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Ðức, Tổng biên tập Báo Hà Nội Mới, cho rằng, vấn đề sắp xếp, tinh gọn bộ máy của cơ quan báo chí là công việc cần thiết, tất yếu và đây là thời điểm phù hợp, cần làm, phải làm thật quyết liệt, hiệu quả. Vấn đề đặt ra là cơ chế, giải pháp, nguồn lực, mà mục tiêu cuối cùng là để báo chí cách mạng thật sự tinh gọn, đổi mới và hoàn thành vai trò, trọng trách của mình với Ðảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó.
Dẫn lại việc hợp nhất Báo Hà Nội Mới và Báo Hà Tây cách đây 15 năm; sáp nhập Báo Pháp luật Xã hội vào Báo Kinh tế đô thị năm 2021, và nhiệm vụ mới là sáp nhập, hợp nhất 3 cơ quan báo chí tại Thủ đô, ông Ðức chia sẻ những việc cần làm để quá trình sáp nhập, hợp nhất thông suốt, không bị gián đoạn và phát huy ngay các nguồn lực sẵn có. Bên cạnh các công việc, như xây dựng phương án hợp nhất, sáp nhập chi tiết, phù hợp; có giai đoạn chuyển tiếp, chuyển giao; giữ vững các ấn phẩm chủ lực, tối ưu hoá cơ cấu bộ máy; xác định rõ chức năng và nhiệm vụ sau sáp nhập; tái cấu trúc và đào tạo lại nhân sự; đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị... thì việc nắm bắt tâm tư, tình cảm, chế độ chính sách đối với người làm báo cũng là công việc hết sức quan trọng.
“Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành liên quan phải thống nhất về mặt tổ chức, cơ chế, nhất là những vấn đề liên quan đến câu chuyện công ăn việc làm, biên chế, con người... thì lúc ấy chúng ta mới thực hiện được”, ông Ðức kiến nghị.
Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả để báo chí cách mạng Việt Nam hoàn thành sứ mệnh của mình trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. (Trong ảnh: Lực lượng phóng viên tác nghiệp tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2024).
Ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đã nêu những kết quả bước đầu về tình hình sắp xếp các cơ quan báo chí theo tinh thần Nghị quyết 18. Với sự chuyển mình vận động của báo chí cả nước, báo chí đang được định hình lại diện mạo, cơ cấu tổ chức bộ máy, mô hình hoạt động, tôn chỉ mục đích hoạt động để phù hợp chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
“Sự tác động tới các cơ quan báo chí, người làm báo là không thể tránh khỏi”, ông Phương nhận định và đề nghị cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo phải thật sự chủ động, với tinh thần “quyết liệt, hy sinh vì lợi ích chung” để có phương án, giải pháp sắp xếp, tinh gọn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và nhanh chóng đi ngay vào hoạt động sau sắp xếp.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, cần phải có sự tổng kết về kinh nghiệm thực tiễn các mô hình hoạt động thí điểm về hợp nhất, sáp nhập báo chí tại một số địa phương như Quảng Ninh, Bình Phước, để bổ sung, tối ưu hoá quá trình tinh gọn. “Cần phải lắng nghe thấu đáo những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, tình cảm, đề xuất, kiến nghị của các bên liên quan để kịp thời có phương án xử lý, hỗ trợ giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định”, ông Phương lưu ý.
Báo chí sẽ có cơ chế để ổn định, phát triển
Ðó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa trước những vấn đề liên quan đến công việc đổi mới báo chí theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Theo đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, để thực hiện tốt sứ mệnh, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo phải nỗ lực cao, quyết tâm lớn, xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống báo chí.
“Ðảng, Nhà nước sẽ có cơ chế phù hợp, bảo đảm cho cơ quan báo chí, người làm báo ổn định, phát triển và cùng góp sức để đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Ðể thực hiện công việc này, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan chủ quản báo chí tăng cường thực hiện nhiệm vụ chủ quản báo chí; chú trọng công tác xây dựng Ðảng của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí; quan tâm công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ lãnh đạo báo chí; hỗ trợ, bảo đảm điều kiện hoạt động, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí.
Tăng cường bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của người làm báo. Làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động về việc triển khai thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18.
Các cơ quan báo chí bám sát tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí. Tập trung tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng; nâng cao vai trò trong việc định hướng xã hội về tính nhân văn, đạo đức, hướng tới các giá trị văn hoá như: chân, thiện, mỹ, hoà bình, hội nhập, phát triển bền vững.
Quán triệt, tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định của Ðảng và pháp luật Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động báo chí; 10 Ðiều Quy định Ðạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; Tăng cường rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo...
Phạm Hải Nguyên