(CMO) Sạt lở không chỉ làm mất đất, mất rừng, các công trình công cộng… mà đang đe dọạ đến tài sản và tính mạng của hàng ngàn hộ dân. Chỉ mới bước vào đầu mùa mưa chưa bao lâu nhưng đã có không ít hộ phải gánh chịu hậu quả của tình trạng sạt lở.
Bài 2: Cám cảnh "sống chung" với sạt lở
Trở lại khu vực bị sạt lở tại Khóm 8, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn những ngày cuối tháng 5 vừa qua, hiện trường vẫn còn khá ngổn ngang, một số người dân với khuôn mặt chưa hết thất thần sau vài ngày bị "bà thuỷ" ghé thăm. Bao nhiêu tài sản tích góp hàng chục năm trời đã bị dòng nước cuốn trôi sau vài giờ.
Tích góp một đời, mất trong tích tắc
Gia đình anh Nguyễn Gia Phước là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nhất trong vụ sạt lở diễn ra vào đêm 30/5 vừa qua. Do gia đình sống chủ yếu bằng nghề cơ khí nên tất cả tài sản tích góp bao năm qua được dồn vào đầu tư cơ sở và trang thiết bị phục vụ sản xuất ven khu vực sông Kênh Tắc, một trong những đoạn nằm trong tình trạng báo động đỏ về sạt lở. Dù đã dự báo trước tình trạng sạt lở, nhưng anh Phước không nghĩ nó đến sớm như vậy. Dòng nước đã cuốn trôi gần hết sản nghiệp của anh.
Với vẻ mặt chưa "hoàn hồn", anh Phước cho biết, căn nhà mới được đầu tư xây cất trên 200 triệu đồng để cả gia đình sinh sống cũng như phục vụ việc sửa chữa máy và làm cơ khí giờ chỉ còn là đống đổ nát. May mắn là anh đã được chính quyền địa phương cảnh báo và di chuyển phần nào đồ đạc và con người đến nơi an toàn, nếu không, giờ không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Hiện tại cả gia đình phải thuê nhà ở tạm.
Sạt lở đã khiến cuộc sống của không ít gia đình bị xáo trộn. Vốn đã khó khăn do cả nhà chỉ phụ thuộc vào cái nghề làm bánh để trang trải cuộc sống ngày 2 bữa, sạt lở đã đẩy gia đình ông Nguyễn Văn Tư vào cảnh vô cùng khó khăn. Ông Tư cho biết: "Vụ sạt lở đã làm hư hỏng nhiều đồ dùng phục vụ nghề làm bánh. Sống bằng nghề này thì ngày nào làm có cái ăn ngày đó, còn hễ tắt bếp xem như bị đói, không biết sắp tới đây phải sống ra sao?".
Ông Nguyễn Thái Khương, ấp Xóm Lớn Ngoài, xã Hàng Vịnh thu gom những gì còn lại của căn nhà sau vụ sạt lở. |
Cùng cảnh ngộ như anh Phước, ông Tư là gia đình ông Nguyễn Thái Khương, ấp Xóm Lớn Ngoài, xã Hàng Vịnh. Ông Khương đã mất trắng căn nhà chỉ trong vòng một đêm. Ông cho biết, cả tiền mua và sửa lại nhà trên 200 triệu đồng, nhưng chỉ mới dọn vào ở chưa đầy một tháng đã mất trắng. Hàng xóm thấy ông không còn nơi ở nên cho mượn một căn nhà nhỏ gần đó ở tạm, nhưng khu vực này cũng đang bị sạt lở. “Tích góp gần cả đời mới đủ tiền mua được căn nhà nhỏ, tưởng là đã ổn định cuộc sống, nhưng chỉ vài giờ đồng hồ đã trở nên trắng tay”, ông Khương thở dài.
Xã Hàng Vịnh cũng là một trong những điểm nóng của huyện về tình trạng sạt lở, nhất là khu vực dọc theo tuyến sông Cửa Lớn. Các điểm sạt lở cứ liên tục xuất hiện, trong khi chính quyền địa phương gần như bất lực trong việc chống chọi. Phó chủ tịch UBND xã Hàng Vịnh Huỳnh Công Tâm cho biết, trước tình trạng sạt lở bờ sông, địa phương chỉ đạo đội phản ứng nhanh của xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân khu vực có nguy cơ sạt lở di chuyển đồ đạc và người vào nơi an toàn.
Tình người trong hoạn nạn
12 hộ dân trong vụ sạt lở ở Khóm 8, thị trấn Năm Căn; ấp Xóm Lớn Ngoài, xã Hàng Vịnh hay những nơi khác có thể mất nhà, mất tài sản… song có một thứ mà họ chưa bao giờ mất, đó là sự đùm bọc, nương tựa lẫn nhau của bà con trong lúc hoạn nạn.
Hai con mắt đỏ như tôm luộc sau nhiều đêm thức trắng của ông Văn Khén đã phần nào nói lên tình người nơi đây. May mắn hơn các hộ khác, nhà ông Khén dù nằm trong đoạn bị sạt lở nhưng không bị ảnh hưởng. Vậy là nhiều đêm liền ông thức trắng để theo dõi và hỗ trợ bà con. “Đâu phải riêng mình mà hầu như bà con và chính quyền địa phương có ai ngủ được khi thấy bà con phải chịu cảnh màn trời chiếu đất”, ông Khén bộc bạch.
Là hộ sống ở khu vực này lâu năm nên ông hiểu được mức độ nguy hiểm mỗi khi đến mùa mưa bão. Do đó, mỗi khi đến con nước có triều cường lớn là gần như ông Khén thức trắng đêm để theo dõi, nếu thấy có gì bất thường là báo động người dân cũng như chính quyền địa phương.
Ông Khén cho biết thêm, nhờ lực lượng đông, từ dân quân tự vệ, công an, quân đội, chính quyền địa phương và người dân…, mỗi người một tay nên mới kịp thời di dời được nhiều tài sản có giá trị của các hộ dân vào nơi an toàn.
Nhớ lại lần được bà con giúp đỡ, anh Phước xúc động: “Hành nghề sửa chữa máy và cơ khí nên trang thiết bị của gia đình khá nặng nề và cồng kềnh. Nếu không có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và bà con thì gia đình chỉ còn cách ngồi nhìn”.
Mặc dù đã mất mát số tài sản khá lớn sau đợt sạt lở vừa rồi nhưng ông Khương cũng phần nào được an ủi khi nhận được sự đùm bọc hết lòng của bà con láng giềng. “Quê tôi ở Bạc Liêu về đây sinh sống, không có họ hàng gì. Tuy nhiên, khi bị sự cố bà con nơi đây luôn hỗ trợ hết mình, còn cho mượn nhà để ở tạm. Nếu không được giúp đỡ, gia đình tôi cũng không biết nương tựa vào đâu”, ông Khương trải lòng.
Không chỉ những lúc có sự cố, mà cả trong cuộc sống hằng ngày, những hộ dân ven biển dù có nghèo về của cải vật chất nhưng tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau thì luôn tràn đầy. Xóm chài ven cửa biển Giá Lồng Đèn, ấp Thuận Tạo, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi là một trong những nơi có thể thấy rõ nét tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Khu vực này hiện có khoảng 36 hộ gắn bó hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc mưu sinh trên biển cũng như chống chọi với sạt lở.
Đã gắn bó với nơi đây hơn 42 năm, ông Nguyễn Trần Hận chứng kiến nhiều đợt di dời chạy lở. Ông Hận cho biết, dù không phải anh em ruột thịt gì hết, nhưng nhiều năm qua bà con ở đây đi đâu, làm gì cũng có nhau. Thậm chí khi ra khơi khai thác, khu vực nào có nhiều cá, tôm cũng hú gọi anh em để cùng nhau bủa lưới.
Mặc dù đã chủ động, đoàn kết trong cuộc chiến chống sạt lở, song hiện nay cuộc chiến này là chưa cân sức do thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi giải pháp công trình còn quá nhiều hạn chế. Để tài sản và tính mạng của người dân được đảm bảo, cần phải có những giải pháp căn cơ, lâu dài hơn./.
Bài 1: “Nóng" tình trạng sạt lở
Bài 3: Đâu là giải pháp căn cơ
Nguyễn Phú
Theo thống kê từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh cần khoảng 481 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 9 dự án nhằm bố trí cho hơn 3.300 hộ dân đang sinh sống trong những khu vực sạt lở, rừng phòng hộ vào nơi an toàn.. |