Năm 2015, với trên 450 ca bệnh được phát hiện, là năm dịch bệnh bùng phát mạnh và có số ca bệnh cao nhất từ trước đến nay ở huyện Phú Tân. Bệnh sốt xuất huyết vẫn còn xảy ra rải rác trên địa bàn huyện cho đến thời điểm này.
Năm 2015, với trên 450 ca bệnh được phát hiện, là năm dịch bệnh bùng phát mạnh và có số ca bệnh cao nhất từ trước đến nay ở huyện Phú Tân. Bệnh sốt xuất huyết vẫn còn xảy ra rải rác trên địa bàn huyện cho đến thời điểm này.
Hiện nay đang vào mùa mưa, điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển mầm lây lan dịch bệnh. Do đó, không loại trừ dịch bệnh có khả năng tăng cao trong những tháng mùa mưa này nếu không làm tốt công tác phòng, chống dịch.
Dịch bệnh không giảm nhiều
Theo Bác sĩ Hồng Mùng Hai, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Tân, từ khi huyện Phú Tân tái lập đến nay, trên địa bàn huyện có 4 chu kỳ dịch bùng phát, đó là năm 2005, 2008, 2012 và 2015. Ba vụ dịch trước, sau khi có đỉnh dịch lên cao thì năm sau hạ xuống rất thấp. Tuy nhiên, đợt dịch 2015 thì vẫn còn kéo dài sang năm 2016, số ca bệnh giảm nhưng vẫn còn cao. Tình hình đầu năm 2016 đến nay, bệnh sốt xuất huyết ở Phú Tân diễn biến rất phức tạp.
![]() |
Phun xịt hoá chất chỉ là biện pháp cuối cùng trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết. |
6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn huyện Phú Tân tiếp tục xảy ra hơn 150 ca bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện, tăng gần 120 ca so cùng kỳ năm trước. Năm 2015 vừa qua là năm bùng phát của dịch nhưng dịch bệnh xảy ra chủ yếu vào những tháng cuối năm, khi thời tiết mưa nhiều và số ca xảy ra ở thời điểm đầu năm vẫn thấp hơn nhiều so năm nay.
Kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh năm 2015 đã qua cho thấy sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa chính quyền cơ sở và ngành y tế, cộng với sự lơ là, chủ quan của người dân, là 2 nguyên nhân cơ bản làm cho dịch bệnh chưa dứt hẳn.
Quan trọng nhất vẫn là phòng bệnh bằng các biện pháp dân gian diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy như: nuôi cá bảy màu, dùng nhang đuổi muỗi, ngủ mùng, lật úp hoặc đậy kín dụng cụ chứa nước không cho muỗi sinh sản, khơi thông cống rãnh, ao tù nước đọng, phát quang bụi rậm không cho muỗi trú ẩn... kết hợp với phun hoá chất để diệt muỗi. Tuy nhiên, phun hoá chất chỉ là biện pháp cuối cùng và để dập dịch. Quan trọng vẫn là các biện pháp dân gian để phòng bệnh mà mỗi hộ gia đình, ai cũng có thể thực hiện được.
Mùa mưa là mùa sinh sản của muỗi, trung gian truyền bệnh, chính vì vậy, diệt muỗi là biện pháp tốt nhất hạn chế số ca bệnh sốt xuất huyết phát sinh mà không ai khác, chính mỗi hộ gia đình phải có ý thức chủ động thực hiện.
Cần phối hợp thực hiện tốt các biện pháp dân gian phòng bệnh
Trên thực tế, công tác truyền thông thực hiện thường xuyên. Không thiếu các khẩu hiệu như: “Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết” và cũng có nhiều chiến dịch phát động diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên, chỉ số điều tra về mức độ lăng quăng ở nhiều địa phương trong huyện Phú Tân thời gian qua theo ngành chuyên môn vẫn còn cao. Theo ngành y tế, phun thuốc chỉ diệt được muỗi trưởng thành, nếu kết hợp tốt việc diệt lăng quăng, không cho chúng phát triển thành muỗi với phun thuốc thì khâu diệt muỗi, trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết mới có hiệu quả.
Bác sĩ Hồng Mùng Hai cho rằng, nhận thức về vấn đề phòng, chống dịch hiện nay rất tốt, từ huyện, xã, ấp và Nhân dân, nhưng rõ ràng chưa có sự tập trung nên khi triển khai thực hiện vẫn chưa có hiệu quả cao. Ðó là sự phối hợp chưa tốt từ phía ngành chuyên môn và người dân.
Theo ông Hai, dịch sốt xuất huyết bùng phát có tính chu kỳ, tuy nhiên, nếu chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thì sẽ hạn chế được dịch bệnh lây lan. Do đó, hơn ai hết, chính người dân phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khoẻ cho chính gia đình mình. Trong đó diệt muỗi, diệt lăng quăng là cách làm tốt nhất. Cần phải hưởng ứng tích cực các chiến dịch diệt lăng quăng có tính đồng loạt để cùng phòng dịch có hiệu quả.
Năm 2015, dịch bệnh đã bùng phát trên địa bàn huyện Phú Tân và đã có trường hợp tử vong. Dịch bệnh không dừng lại ở trẻ em mà còn xảy ra trên người lớn tuổi, mầm bệnh vẫn còn tồn lưu trong môi trường. Hiện nay, mùa mưa, ẩm, thấp là điều kiện tốt để dịch phát sinh. Do đó, thực hiện đồng bộ công tác phòng dịch là việc làm mà cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, ngành y tế và người dân phải thật sự chủ động tiến hành nếu không muốn dịch bùng phát như năm 2015 đã qua./.
Bài và ảnh: Quốc Hiệp