ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 21-10-24 09:26:17
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Sự học ở vùng sâu

Báo Cà Mau Năm học 2015-2016 đã đi qua gần nửa chặng đường, song ở những ngôi trường vùng sâu, vùng xa, những khó khăn trong việc dạy và học vẫn còn.

Năm học 2015-2016 đã đi qua gần nửa chặng đường, song ở những ngôi trường vùng sâu, vùng xa, những khó khăn trong việc dạy và học vẫn còn.

Trường Tiểu học Hố Gùi, xã Nguyễn Huân và Trường Tiểu học Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi, là 2 trong số rất nhiều ngôi trường nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Do chưa có lộ bê-tông nối liền các tuyến đường với nhau nên phần lớn học sinh tại 2 điểm trường này đều đi học bằng đò. Vào những ngày nước ròng, đò không ghé gần bờ được, các em phải xắn quần lội xuống sình hoặc phụ huynh phải bồng bế các em, lội sình để lên được đò. Những chiếc đò đưa rước chủ yếu là phương tiện gia đình, không đảm bảo an toàn, nhất là vào những ngày mưa gió; ướt mưa, trượt ngã xảy ra thường xuyên.

Nhọc nhằn đường đến lớp

Có em phải đạp xe hoặc đi bộ hơn nửa giờ mới tới trường. Khi trời mưa, lộ đất không đạp xe được, phụ huynh phải dầm mưa cõng các em đến trường. Những em nhà xa, từ trường về nhà đã hơn 1 giờ đồng hồ, hôm nào học 2 buổi, chỉ kịp về nhà ăn cơm trưa rồi lại phải đi học tiếp. Có em thì phải lang thang tại trường chờ giờ học mà trường thì chưa có chỗ nghỉ trưa cho học sinh.

Chuyến đò chở ước mơ đến trường của những học sinh nghèo ở Hố Gùi, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi.

Thầy Thi Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lưu Hoa Thanh, chia sẻ, dân vùng này chủ yếu sinh sống bằng nghề làm muối và đi biển. Người làm muối có đất đai cố định thì kinh tế tương đối khá hơn, nhưng đa phần con em họ học đến lớp 4, 5 đều nghỉ học ở nhà phụ gia đình làm muối. Còn những hộ đi biển thì kinh tế bấp bênh, không đủ tiền cho con em đi học. Có khi họ đi xứ khác làm ăn một thời gian rồi quay về, vì thế, việc học của bọn trẻ cũng gián đoạn. Nhà trường cũng cố gắng đi vận động nhiều lần nhưng đâu rồi lại vào đấy. Có những em đang học được nửa học kỳ thì nghỉ học theo cha mẹ một thời gian rồi quay về xin vào trường học lại. Trường vẫn nhận các em vào học, nhưng cái khó cho các em là phải học lại lớp hoặc mất kiến thức, không theo kịp bạn bè.

Giáo viên tiểu học vùng sâu, vùng xa vẫn còn chật vật, lắm nỗi lo về đồng lương, về nhà ở và về những cô cậu học trò nghèo của mình. Ở vùng sâu, học sinh có em được học mẫu giáo, có em không được học, nên giáo viên tiểu học đôi khi lại làm luôn công việc của giáo viên mầm non. Vì các em không được học mẫu giáo nên khi vào lớp 1 vẫn chưa quen mặt chữ, các thầy, cô gặp nhiều khó khăn. Học sinh quá tuổi đến trường hoặc học sinh yếu phải mở những lớp bổ túc sau giờ học, nhưng những lớp này giáo viên chỉ dạy không công chứ không có lương. Ngoài dạy ở điểm chính, giáo viên còn phải đến các điểm lẻ, cũng phải đi bằng đò hoặc đi bộ, vẫn phải chịu cảnh lem luốc như học trò. Nhưng điều đáng lo nhất vẫn là nhà ở cho giáo viên. Tại Trường Tiểu học Lưu Hoa Thanh, nhà ở của giáo viên được dựng trên đất mượn của nông trường cũ, nhà thiếc hoặc vách lá tạm bợ, trời mưa mát thì không sao, tháng hè thì nóng như thiêu đốt.

Cô Ðỗ Thị Vân, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Hố Gùi, xã Nguyên Huân, tâm sự: “Tôi về với cùng đất này vào năm 1995. Lúc bấy giờ điều kiện còn rất khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Trường học chỉ là nhà cây lá dựng tạm bợ, bàn ghế được đóng từ những tấm ván, mỗi khi mưa là dột, tạt, cô, trò ướt như đang ở ngoài trời. Trường còn chưa được xây dựng thì lấy đâu ra nhà ở cho giáo viên, tôi phải ở nhờ nhà người dân rồi đi dạy. Mà người ta đã cưu mang mình thì chí ít cũng phải phụ giúp họ phần nào. Sáng, trước khi đi dạy, tôi phải thức thật sớm giặt quần áo cho cả nhà, rồi dạy kèm cho con của họ. Nhà dân cũng khó khăn, cơm không đủ ăn, có hôm đi dạy về chỉ còn cơm cháy”.

Phần lớn giáo viên ở 2 điểm trường này đều là người từ các tỉnh miền ngoài vào lập nghiệp, như Thanh Hoá, Nghệ An… nếu là người tại Cà Mau thì cũng từ huyện khác sang. Còn nhiều giáo viên phải ở nhà dân để công tác, hiện nay tuy kinh tế của các giáo viên thuộc những thế hệ đầu như cô Vân đã tương đối ổn định, nhưng vấn đề về nhà ở cho giáo viên đang là một nỗi lo. Cô Vân cũng như nhiều thầy, cô khác đang ở tại khu nhà tập thể phía sau trường, mà chỉ là nhà cây lá tạm bợ. Theo đúng đề án của trường đạt chuẩn quốc gia thì khu nhà này bắt buộc phải dỡ bỏ, hơn 3 năm qua các giáo viên và nhà trường đã làm đơn kiến nghị xin được cất nhà trên phần đất thuộc quyền quản lý của nhà trường nhưng chính quyền địa phương không giải quyết. Ðầu tháng 12 tới đây trường sẽ phải hoàn thành mọi thủ tục để được công nhận trường đạt chuẩn thì cũng là lúc các cán bộ, giáo viên không còn nhà để ở.

Vươn lên từ những khó khăn

Những ngày mưa, học sinh nam thì cởi trần đi học, nữ thì xếp đồng phục vào cặp đến trường mới thay ra. Hôm nào mưa ướt thì vào nhà người dân gần đó hoặc nhà giáo viên mượn khăn lau khô rồi đến lớp. Nhọc nhằn là thế, nhưng sĩ số lớp lúc nào cũng đảm bảo. Giáo viên dẫu có lội bùn lội đất, dẫu vẫn chưa có nhà để ở nhưng vẫn hết lòng chăm lo học trò của mình, từ những buổi cơm trưa, góp tiền cho các em mua đồng phục cho đến những buổi dạy kèm, dạy bổ túc không công. Giáo viên nào đã có nhà thì cưu mang những giáo viên trẻ chưa có chỗ ở ổn định, cái tâm của thầy cô giáo là như thế, lòng yêu nghề, mến trẻ đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Thầy Nguyễn Văn Nhi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hố Gùi, cho biết: “Các cấp lãnh đạo và nhà trường đã có nhiều chính sách thu hút giáo viên trẻ về công tác tại trường. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã cố gắng hỗ trợ từ vật chất đến tinh thần cho giáo viên cũng như học sinh, động viên nhau vượt khó hoàn thành nhiệm vụ dạy và học. Với những học sinh khó khăn, hằng năm đều có chính sách miễn giảm học phí, xin nguồn tài trợ học bổng, cấp tập, sách, đồng phục cho các em. Ngoài ra, trường còn hỗ trợ tiền đò cho các em, vận động các em học trước giữ gìn sách và tặng lại cho các em học sau”.

Học sinh vùng sâu gian nan lắm mới đến được với trường, với lớp, cán bộ, giáo viên thì chật vật lo cho cuộc sống hằng ngày, nhưng dường như càng khó khăn thì sức vươn lên của họ càng mạnh mẽ. Cùng với những nỗ lực của nhà trường, cùng sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, từ những ngôi trường cây lá tạm bợ, nay đã được xây dựng khang trang. Hằng năm, những ngôi trường vùng sâu này đều đạt danh hiệu tiên tiến, nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, chiến sĩ thi đua cơ sở, học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi đều đạt thành tích cao.

Khó khăn không ngăn được khát khao trên con đường tìm đến cái chữ của học trò nghèo vùng sâu, vùng xa. Và cũng chính những khó khăn ấy làm sáng rực tâm hồn cao quý của những giáo viên nơi đây, tạo bước đệm vững chắc để nâng bước những khát vọng, ước mơ và ý chí của con người vùng đất khó trên con đường đến với tri thức./.

Bài và ảnh: Vân Anh

Không cấp thiết, nhưng làm được thì tốt

Những ý kiến khác nhau về đề xuất miễn học phí cho con giáo viên từ bậc mầm non đến đại học trong dự thảo Luật Nhà giáo sắp được đệ trình Quốc hội, chưa bàn chuyện nên hay không, nhưng rõ ràng đã nêu bật lên 3 tín hiệu tích cực.

Chắp cánh tài năng học đường

Với mục tiêu hướng đến sự phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, các câu lạc bộ (CLB) ở trường THPT thực sự là chiếc cầu nối đánh thức, phát huy những tiềm năng năng khiếu của học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ðồng hành cùng học sinh nghèo

Chương trình Học bổng Hoà bình - The Corea Peace3000 (Chương trình) là chương trình hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Từ chương trình này, Tổ chức The Corea Peace3000 (Hàn Quốc) thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh nghèo, từ việc cung cấp học bổng cho đến các chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng để nâng cao nhận thức và kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng.

”Người mẹ hiền” ở Trường Mầm non Thạnh Phú

“Hằng ngày, nhìn những gương mặt ngây thơ với ánh mắt trong veo của các cháu mà nghe lòng mình ấm áp lạ thường. Dù trong cuộc sống có bao nhiêu lo âu, muộn phiền nhưng khi bước chân vào lớp là niềm vui lại ùa về", đó là lời tâm tình của cô giáo đã 56 tuổi đời, 38 tuổi nghề, chỉ vài ngày nữa cô sẽ từ giã mái trường thân yêu theo chế độ hưu trí.

Nét đẹp nơi cổng trường

Nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường, tạo nét đẹp hoá khi tham gia giao thông, các trường học trên địa bàn huyện Phú Tân đồng loạt thực hiện hiệu quả nhiều quy định của ngành.

Chạy đà ôn thi tốt nghiệp THPT

Mặc dù mới bắt đầu năm học 2024-2025 nhưng các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã có những bước chạy đà với việc xây dựng kế hoạch học tập và ôn luyện ngay những tuần học đầu tiên, nhằm tạo thế chủ động cho học sinh (HS). Bởi, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới.

Kiểm tra các trường học trên địa bàn TP Cà Mau

Sáng nay (1/10), đoàn kiểm tra của Phòng Giáo dục – Đào tạo TP Cà Mau kiểm tra các công trình phần việc trọng tâm năm học 2024-2025 một số điểm trường trên địa bàn TP Cà Mau.

Tuyên dương học sinh trả lại của rơi

Ngày 24/9, UBND huyện U Minh tổ chức buổi trao giấy khen cho học sinh có hành động đẹp nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất, tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh.

An toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa và đối tượng mắc bệnh chủ yếu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ðể bảo vệ an toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường trong năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.