(CMO) Thầy Trần Nguyên Nghĩa, giảng viên Khoa Ðiện tử, Quản lý Phòng Ðào tạo, Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, cho biết: “Cơ điện tử là ngành học khá mới, được mở từ năm 2015 đến nay. Tại ÐBSCL ít điểm trường đào tạo và mở mã ngành này".
Mỗi năm số lượng người đăng ký học càng tăng. Năm học 2022-2023, mã ngành Cơ điện tử tuyển sinh 38/35 chỉ tiêu. Thay vì chia làm 2 đợt tuyển sinh thì 3 năm gần đây chỉ cần tuyển sinh một đợt đã đủ và vượt chỉ tiêu, đây là tín hiệu cho thấy ngành học nhận được sự quan tâm của mọi người, thầy Nghĩa cho biết thêm.
Em Nguyễn Huỳnh Duy, quê xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi, hiện là sinh viên năm cuối ngành Cơ điện tử. Duy tâm tình: “Tình cờ em quen người anh học ngành Cơ điện tử và đã đi làm công ty, nhận thấy đây là ngành nghề yêu thích, đam mê và có thể làm được nên em đăng ký học”.
Ban đầu là yêu thích, sau 3 năm được đào tạo, Huỳnh Duy (bên phải) cảm thấy đây là ngành học lý tưởng, có tiềm năng phát triển lâu dài sau khi ra trường. |
Ðặc thù của ngành, ngoài trình độ, tay nghề thuần thục cần phải rèn luyện thêm kỹ năng tư duy để có thể lập trình, lắp ráp những thiết bị đào tạo tân tiến. Mặt khác, lượng kiến thức người học tiếp thu khá nhiều so với những mã ngành khác.
Ðể tạo điều kiện cho sinh viên thực hành rèn luyện tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, hiện ngành Cơ điện tử tại trường bố trí 6 phòng thực hành.
Bà Nguyễn Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, chia sẻ: “Thực tế ghi nhận, mặc dù là ngành học đòi hỏi sự tập trung, tỉ mỉ cộng thêm đam mê và có độ khó nhất định nhưng tỷ lệ sinh viên nghỉ học, chuyển ngành học từ ngành Cơ điện tử sang các ngành khác rất thấp, do đó duy trì sĩ số lớp từ năm nhất đến tốt nghiệp khá cao”.
Ðối với sinh viên ngành Cơ điện tử, ngoài những buổi thực hành trên lớp, người học còn có cơ hội rèn luyện tay nghề khi đi làm thêm tại các công ty, trung tâm có liên quan đến điện tử, máy móc, lập trình…
“Ngoài lên lớp, tôi còn làm thêm tại cơ sở sản xuất nước lọc (xã Ngọc Chánh). Tại đây có một số thiết bị, hệ thống lọc tự động tạo điều kiện cho tôi tiếp xúc gần và sửa chữa khi cần thiết. Riêng tôi thấy, thực hành rất quan trọng đối với ngành học và ngành Cơ điện tử là gắn bó với cơ khí, phần mềm cho nên việc thực hành tần suất nhiều sẽ rèn cho sinh viên dạn dĩ về thao tác, tiếp thu nhanh hơn về lý thuyết và bắt kịp tiến trình phát triển của ngành”, Duy bộc bạch.
Khác với nhiều mã ngành khác, sinh viên học ngành Cơ điện tử có thể tìm được việc làm với mức thu nhập cao ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Học nghề là vừa học vừa làm, trong quá trình học sinh viên tiếp thu kiến thức mà thầy cô truyền đạt, sau đó áp dụng vào thực tiễn. Ngay từ học kỳ đầu năm nhất, em Trần Văn Chấn, quê huyện Phú Tân, hiện là sinh viên năm cuối ngành Cơ điện tử, đã bắt đầu làm thêm với vị trí là kỹ thuật lắp đặt bán thời gian về điện, lắp đặt hệ thống tự động.
“Với em, Cơ điện tử là ngành học lý tưởng, vừa học vừa làm, vừa tạo kinh tế. Cứ thu xếp việc học ổn định, em có thể thoải mái nhận việc. Hiện em đang đồng hành Công ty Camera Phú Quý và Cửa hàng Nguyên Mậu Tỷ (Phường 2, TP Cà Mau) trung bình mỗi tháng thù lao nhận được khoảng 12 triệu đồng, vừa trang trải học phí, sinh hoạt, vừa gửi về phụ giúp gia đình”, Chấn chia sẻ./.
Nhi Nhi