(CMO)Nắm bắt thực tế đời sống dân sinh, từ đó kiến nghị tháo gỡ các vấn đề khó khăn, hình thành nên những cơ chế, chính sách tác động đến địa phương, làm thay đổi đời sống người dân - đó là mục tiêu mà đại biểu HÐND tỉnh hướng đến trong thực hiện những chương trình giám sát, khảo sát ở cơ sở.
Một sáng cuối tháng 1/2021, theo chiếc vỏ máy xuôi về tuyến Kênh Ngang (ấp Nhị Nguyệt, xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi), đoàn khảo sát của Ban Văn hoá - Xã hội HÐND tỉnh đến nắm bắt đời sống người dân nơi đây. Ðây là chuyến khảo sát được thực hiện ngoài chương trình, thông qua phản ánh của báo chí về tình hình dân sinh.
Ðoàn khảo sát đến tuyến Kênh Ngang. |
Ông Nguyễn Ðức Tiến, Phó trưởng ban Văn hoá - Xã hội, chia sẻ: “Với vai trò giám sát, phản biện, đại biểu HÐND tỉnh luôn chú trọng đi thực tế cơ sở nắm bắt tình hình để có cái nhìn khách quan, xác thực những vấn đề mang hơi thở cuộc sống, từ đó kiến nghị ngành chức năng, địa phương ban hành các chính sách, chăm lo quyền lợi chính đáng cho người dân”.
Tuyến Kênh Ngang dài khoảng 1.200 m, có 44 hộ dân sinh sống. Chiếc vỏ máy chở đoàn khảo sát đi sâu vào tuyến, nhiều nhà mái lá đơn sơ, lụp xụp, đời sống người dân nhiều khó khăn. Bà con trên tuyến sống chủ yếu bằng nghề nuôi thuỷ sản, nặng tập quán sản xuất truyền thống, phụ thuộc điều kiện tự nhiên nên nhiều rủi ro, thu nhập bấp bênh. Ðiều kiện cơ sở hạ tầng còn yếu kém.
Là hộ nằm cuối tuyến kênh, gần 40 năm gắn bó nơi đây, gia đình ông Nguyễn Văn Liêm mấy chục năm phải chịu cảnh không đường, thiếu điện. Mấy người con phải đi làm tận tỉnh Bình Dương. Vợ chồng già chăm nom đàn cháu nhỏ. Hôm đoàn đến, trong căn nhà lá xập xệ, ông Liêm chậm rãi nhấp tách trà, bộc bạch: “Ở đây vất vả lắm, được mấy công vuông nhưng thất bát. 6 đứa đi Bình Dương, mỗi tháng cũng gửi về vài triệu đồng đủ mua gạo và lo cho mấy đứa nhỏ. Trước đây gia đình tôi là hộ nghèo, nhưng đã cắt 2 năm nay rồi”.
Cuộc sống càng thêm khó khăn khi phân nửa hộ dân nơi đây phải chịu cảnh điện chia hơi mấy chục năm qua. Ông Liêm nói thêm, điện ở đây phải kéo từ ngoài đầu kênh vào, kéo nối với nhau, gia đình ông chỉ xài cho chạy mô-tơ, ti-vi, thắp sáng; nấu cơm thì bữa được bữa không vì điện yếu, nhưng mỗi tháng phải tốn hơn 300.000 đồng tiền điện.
Gần đó, hộ ông Nguyễn Văn Chính mỗi tháng chi gần 500.000 đồng tiền điện chia hơi. Ông Chính bức xúc với đoàn: “Nhà không có ti-vi, xài chỉ 3 bóng đèn thắp sáng, bơm nước với nồi cơm điện, nhưng mỗi tháng chi trả nhiều quá. Nhà chỉ 2 công đất, 2 vợ chồng già, vợ bị tai biến nhiều năm nay. Khổ quá, đứa con đi làm Bình Dương gửi tiền về chút đỉnh. Còn tôi hàng ngày phải đặt lú dưới sông để kiếm sống qua ngày”.
Thiếu điện, đường đi cũng tắc lối. Mùa nắng, hộ dân trong khu vực này len lỏi theo con đường mòn để ra ngoài, mùa mưa phải đi bằng vỏ máy. Khổ nhất vẫn là mấy đứa nhỏ đi học, phải đưa bằng xuồng hay đi đò.
Chính quyền địa phương nơi đây lý giải, tuyến kênh này chưa có lộ do chưa làm được đất đen, bởi bờ kênh nhỏ, dân chưa đồng thuận. Ði bộ cũng tạm, chứ mùa mưa thì khó khăn. Trong ấp Nhị Nguyệt này còn 4 tuyến kênh không đường, thiếu điện như thế này, đã kiến nghị nhiều lần nhưng đầu tư chưa tới.
Khó khăn là thế, nhưng theo báo cáo của địa phương, trong 44 hộ đang sinh sống trên tuyến kênh, chỉ có 13 hộ có mức sống trung bình, 2 hộ khó khăn, còn lại hộ khá giả, không có hộ nghèo, cận nghèo.
Ông Tiến đánh giá: “Qua khảo sát, đời sống bà con ở đây đa số khó khăn, có lực lượng lao động đi làm ăn ngoài tỉnh nhưng cũng không cải thiện được nhiều. Ðịa phương nên quan tâm và có chính sách hỗ trợ, kèm theo những biện pháp giúp họ vươn lên, có như vậy mới căn cơ, bền vững”.
Trước thực tế ghi nhận, sau khảo sát, ông Tiến tỏ ra băn khoăn và đặt vấn đề với địa phương: "Chúng ta áp dụng tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong quá trình xem xét các đối tượng có bền vững khi thoát nghèo hay không? Có hay không trong quá trình xây dựng nông thôn mới chúng ta xoá nghèo, cận nghèo để chạy theo chỉ tiêu? Bí thư Tỉnh uỷ từng chỉ đạo, xây dựng nông thôn mới phải thực chất, thực sự và giá trị mang đến là sự đổi thay và bền vững, chứ không để lại tái nghèo”.
Song, ông Tiến cũng cho rằng, vai trò người dân rất quan trọng, nhất là trong giảm nghèo. Nếu như mỗi gia đình không ý thức vươn lên, trông chờ chính sách thì dù hỗ trợ bao nhiêu cũng không đủ. Về phía chính quyền địa phương, sự quản lý, vào cuộc còn nhiều bất cập, kể cả khâu tuyên truyền chưa sát, chưa đầy đủ.
Ðó chỉ là một trong nhiều chuyến khảo sát của Ban Văn hoá - Xã hội HÐND tỉnh. Mỗi một chuyến đi, chở nặng những tâm tình của bà con vùng khó khăn và càng nặng hơn trách nhiệm của người đại biểu dân cử, mang đến những chính sách mới, tháo gỡ những khó khăn để mỗi nơi đến, mỗi vùng quê thêm ấm no, địa phương thêm bừng sáng./.
Hồng Nhung