Với mục tiêu nâng cao năng lực cho 30 cán bộ trạm y tế/phòng khám đa khoa khu vực (TYT/PKĐKKV) về kiến thức chuyên môn và tư vấn khách hàng, đồng thời tăng cường việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ chất lượng cao, Ban Quản lý Dự án "Tình chị em" tại Cà Mau kết hợp với Văn phòng dự án tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nhắc lại cho cán bộ phụ trách chương trình tại 30 TYT/PKĐKKV. Trong đó, đặc biệt là nội dung sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng acid axetic (VIA) và hướng dẫn tự khám vú thu hút rất nhiều sự quan tâm của học viên.
Với mục tiêu nâng cao năng lực cho 30 cán bộ trạm y tế/phòng khám đa khoa khu vực (TYT/PKĐKKV) về kiến thức chuyên môn và tư vấn khách hàng, đồng thời tăng cường việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ chất lượng cao, Ban Quản lý Dự án "Tình chị em" tại Cà Mau kết hợp với Văn phòng dự án tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nhắc lại cho cán bộ phụ trách chương trình tại 30 TYT/PKĐKKV. Trong đó, đặc biệt là nội dung sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng acid axetic (VIA) và hướng dẫn tự khám vú thu hút rất nhiều sự quan tâm của học viên.
Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là căn bệnh nguy hiểm đối với chị em phụ nữ, đứng hàng thứ hai, sau ung thư vú. Tuy nhiên, trên thực tế, mọi người vẫn còn xem nhẹ việc tầm soát UTCTC. Nguyên nhân gây bệnh UTCTC là do viêm nhiễm kéo dài, chị em không đi điều trị đến nơi đến chốn làm bệnh tái phát và trở thành mối nguy hiểm khôn lường.
Giảng viên dự án "Tình chị em" hướng dẫn chị em phụ nữ cách chăm sóc sức khoẻ sinh sản. |
Lớp tập huấn giúp chị em nắm vững kiến thức cũng như thực hành. Đồng thời, chị em phụ nữ trong độ tuổi từ 30-60 khi đến với TYT sẽ được kiểm tra, khám sàng lọc về sức khoẻ sinh sản, UTCTC, khám vú miễn phí. Từ đó, phát hiện sớm để định hướng điều trị đúng.
Trong đợt khám lần này, Trạm Y tế xã Tân Bằng (huyện Thới Bình) bố trí 1 phòng khám phụ khoa, 1 phòng siêu âm để đảm bảo tiêu chí phục vụ người dân tận tâm, kín đáo, chia sẻ những chuyện thầm kín được thoải mái. Cụ thể, trong quá trình thăm khám, các y, bác sĩ sẽ kiểm tra các bệnh viêm nhiễm về đường sinh sản, viêm nhiễm phụ khoa; tư vấn và hướng dẫn trực tiếp cho người dân có thể tự khám ở nhà để phát hiện sớm các biểu hiện bất thường.
Cử nhân Nguyễn Thị Đào, giảng viên nguồn Dự án "Tình chị em", thông tin, điều đáng mừng là đa số chị em tại xã trong đợt khám này mắc các bệnh chủ yếu về viêm nhiễm phụ khoa, viêm lộ tuyến, không có trường hợp bệnh nặng. Nhưng chị em phụ nữ không được chủ quan, lơ là trong việc chăm sóc sức khoẻ của mình, phải thường xuyên kiểm tra phụ khoa định kỳ để phát hiện những bất thường, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp. Riêng về các học viên, kiến thức đã có, thực hành cũng tốt, qua các buổi thực hành như vậy các em sẽ nắm bắt nhanh hơn và đưa ra kết luận bệnh án chính xác hơn.
Bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm thì khả năng chữa lành bệnh là rất cao. Hơn nữa, với các bệnh về ung thư vú, UTCTC, việc phát hiện sớm sẽ giảm được chi phí điều trị, khả năng sống thêm của người bệnh ở giai đoạn một lên đến trên 95%.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hồng, Trưởng Trạm Y tế xã Tân Bằng, cho biết: "Từ khi triển khai thực hiện, dự án đã thu hút rất nhiều người dân địa phương, nhất là chị em phụ nữ. Cán bộ của trạm được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chăm sóc khách hàng trong môi trường thân thiện, cởi mở và chuyên nghiệp hơn. Song song đó, cán bộ y tế của trạm luôn rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng phục vụ nhằm hướng đến sự hài lòng của người bệnh". |
Chị Nguyễn Thị Hồng Chi, 38 tuổi, ở ấp Kinh 4, xã Tân Bằng, chia sẻ: "Sau khi được thăm khám, tôi thấy an tâm và cũng rất vui khi được các y, bác sĩ tận tình kiểm tra sức khoẻ, hướng dẫn cách nhận biết các dấu hiệu bất thường của bệnh phụ nữ, cách tự kiểm tra tại nhà".
Chị Trần Dương Bích Tuyền, ngụ ấp Kinh 9, xã Tân Bằng, tâm sự: "Tôi rất mừng vì các chị ở trạm nhiệt tình, tư vấn cụ thể về trường hợp bệnh của tôi. Trạm cũng ở gần nhà nên thuận tiện đi lại khám bệnh, phòng khám cũng kín đáo, sạch sẽ, tôi sẽ đến đây thường xuyên để khám sức khoẻ cũng như điều trị bệnh của mình".
Những buổi khám, sàng lọc bệnh được thực hiện tại các TYT sẽ thu hút được sự quan tâm của người dân, cùng với đó là sự đồng hành của ngành y tế, sự quan tâm, hỗ trợ từ dự án, nhờ đó, chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến xã ngày càng tăng, thu hút nhiều bệnh nhân đến với y tế cơ sở.
Việc tầm soát, phát hiện sớm UTCTC, ung thư vú có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều trị cũng như góp phần tăng cường nhận thức của cộng đồng về UTCTC, ung thư vú và giá trị của việc khám tầm soát bệnh định kỳ; tăng cường năng lực của đội ngũ y, bác sĩ trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh tại các xã./.
Bài và ảnh: Ngọc Mai