(CMO) Phó chủ tịch UBND xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi Huỳnh Ngọc Khải cho biết, năm qua, trên địa bàn xã xảy ra 2 vụ sạt lở dọc theo tuyến dân cư 2 ấp Thuận Long, Thuận Tạo làm thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhân dân và hạ tầng giao thông.
Khu vực phía bờ biển Đông qua xã cũng xảy ra tình trạng xói lở nghiêm trọng, làm mất hàng chục héc-ta rừng. Năm nay, UBND xã kêu gọi bà con chủ động hơn trong phòng chống sạt lở đất.
Đoạn sạt lở ấp Thuận Long xảy ra hồi tháng 5/2018 làm sập hoàn toàn 5 căn nhà của người dân, ước tính thiệt hại trên 225 triệu đồng và sụt lún hoàn toàn 100 m lộ nông thôn. Trước đó, ở khu vực ngã ba Cây Tàng, thuộc ấp Thuận Tạo cũng xảy ra 1 vụ sạt lở làm hư hại 3 căn nhà và trại giống; Đoạn lộ bê tông dài 48 m, ngang 1,5 m cũng sụp lún. Địa phương phải mở tuyến đường mới để bà con thuận tiện lưu thông.
Năm 2018, tình hình sạt lở đất ven sông diễn ra phức tạp trên địa bàn toàn tỉnh. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra trên 25 vụ sạt lở bờ sông, tổng chiều dài hơn 600 m, thiệt hại 37 căn nhà, ước tổng thiệt hại hơn 1,35 tỷ đồng. Chỉ tính riêng tại huyện Đầm Dơi đã xảy ra 10 vụ sạt lở đất với chiều dài hơn 300 m.
Sóng biển hất tung vệt rừng phòng hộ biển Đông, khu vực Giá Lồng Đèn, ấp Thuận Tạo, xã Tân Tiến (ảnh chụp ngày 19/3/2019). |
Trưởng ấp Thuận Tạo Huỳnh Tương Lai cho biết, khu vực Thuận Tạo có cửa biển Giá Lồng Đèn và tuyến rừng phòng hộ biển Đông cũng đang xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Khu vực bờ biển thoải ra là khu vui chơi của dân cư xã Tân Tiến ở Giá Lồng Đèn đã bị sóng biển hất tung hoàn toàn nhiều năm nay và tiến sâu vào đất rừng phòng hộ mấy mươi mét. Mùa này gió đang thổi mạnh phía biển Đông nên sóng đánh rất hung, tình trạng sạt lở, xâm lấn rừng đang diễn ra từng ngày.
“Giá Lồng Đèn ngày trước được ví như một bình phong án ngữ cho dải đất phì nhiêu phía biển Đông khu vực xã Tân Tiến. Vào những ngày mùng 10, 23 âm lịch, khi thuỷ triều xuống, nơi đây lộ ra một bãi biển mênh mông, chạy dài hàng chục cây số. Hàng ngàn người dân khắp nơi về đây tổ chức sinh hoạt văn hoá, như đá bóng, thả diều trên bãi biển nhộn nhịp”, ông Khải nhớ lại.
Theo báo cáo năm 2018 của UBND tỉnh Cà Mau, bờ biển trải dài 254 km của tỉnh bị sạt lở rất nghiêm trọng, làm mất đai rừng phòng hộ ở nhiều đoạn. Từ năm 2007 đến nay, rừng ven biển Cà Mau đã bị mất khoảng 8.870 ha. Ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đe doạ tính mạng, tài sản của hàng trăm ngàn hộ dân vùng ven biển. Ước tính bình quân mỗi năm bờ biển sạt lở từ khoảng 15 m, có nơi đến 50 m và diện tích rừng phòng hộ bị mất theo khoảng hơn 300 ha.
Những gốc cây bị sóng biển hất trơ gốc trong vạt rừng phòng hộ cửa Giá Lồng Đèn (ảnh chụp ngày 19/3/2019). |
Riêng dọc bờ biển Đông, hiện đã bị xói lở khoảng 57 ngàn mét. Có nơi xói lở sâu gây nguy cơ phá vỡ đê biển, gây mất đất rừng phòng hộ hơn 145 ha.
Tuy nhiên, ở khu vực cửa biển Giá Lồng Đèn vẫn còn hơn 35 hộ dân di cư bám trụ, cất nhà để sinh sống. Chính quyền địa phương nhiều lần vận động, nhưng vì mưu sinh họ vẫn không tuân thủ, bất chấp những lượn sóng, gió và chấp nhận đương đầu với thiên tai. “Đó cũng là khó khăn lớn ở địa phương, hiện các tuyến sạt lở ở khu dân cư, lộ giao thông xã đã kè và khôi phục hiện trạng, nhưng khu vực sạt lở ven biển, ven rừng đang diễn ra nghiêm trọng ngoài khả năng của địa phương”, ông Khải thông tin thêm.
Thời điểm cuối mùa hạn, đầu mùa mưa, thuỷ triều diễn biến bất thường nên nguy cơ xảy ra sạt lở theo các tuyến dân cư, tuyến lộ ven sông rất cao. Để chủ động tránh thiệt hại do sạt lở trong năm nay, ông Huỳnh Ngọc Khải cho biết, xã đã vận động bà con ở các khu vực nước xoáy, đoạn sông cua gắt hết sức chủ động diễn biến của dòng nước và ảnh hưởng của mưa dông. Trong trường hợp cần thiết nên báo với địa phương để kịp thời di dời tài sản đến nơi an toàn./.
Phong Phú