(CMO) Năm 2018, xã Tân Trung được huyện Đầm Dơi chọn chỉ đạo thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới. Người dân và chính quyền địa phương đang quyết tâm chung tay giúp thay đổi bộ mặt nông thôn xã nhà. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước đã làm thiệt hại lớn về mặt sản xuất của người dân. Điều này làm cho xã Tân Trung gặp rất nhiều khó khăn để đạt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí môi trường và thu nhập.
Nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng
Từ đầu năm đến nay, hiện tượng một số loài thuỷ sản nổi đầu và chết ở tuyến sông Gành Hào, Bảy Háp, Mương Điều liên tục xảy ra. Tại các tuyến Hai Nhường, Lung Vệ, Hội Đồng Ninh, Giáo Cử... thuộc địa bàn ấp Trung Cang, Thành Vọng và Tân Phú, xã Tân Trung, nhiều lần cá chết nổi đầu do nguồn nước bị ô nhiễm.
Người dân Tân Trung đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới, nhưng yếu tố môi trường nhất là nguồn nước phục vụ sản xuất đang là nỗi lo. |
Nước dưới kinh bị ô nhiễm nghiêm trọng như trên nên hoạt động sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Họ không thể lấy nước vào để nuôi tôm, mỗi khi lấy vào thì tôm chết. Ông Nguyễn Văn Thêm, ấp Thành Vọng, cho biết: “Khoảng 2 năm trở lại đây mới xảy ra hiện tượng này, chúng tôi gần như trắng tay do không sản xuất gì được. Trước đó chúng tôi nuôi tôm rất hiệu quả".
Việc ô nhiễm trên đã làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, các chương trình, dự án được đầu tư để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Tân Trung. Chủ tịch Hội Nông dân xã Võ Minh Thống cho biết: “Theo điều tra, xác minh nắm tình hình, người dân bị thiệt hại trên 50% về nuôi trồng thuỷ sản do nguồn nước ô nhiễm”.
Phó chủ tịch UBND xã Tân Trung Huỳnh Hải Đăng cho biết: “Tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm xảy ra khoảng 2 năm trở lại đây. Phát sinh nhiều nhất là vào cuối năm 2016, trở nên nghiêm trọng từ tháng 3 và tháng 4/2017. Tôm, cá trong vuông chết hàng loạt với số lượng lớn. Từ đầu năm đến nay, thuỷ sản trên các tuyến sông như: Gành Hào, Bảy Háp, Mương Điều bị chết nhiều lần. Mới đây nhất, khi cá chết trên sông, chúng tôi xuống địa bàn thì thấy nguồn nước có màu đen và mùi hôi bốc lên rất nặng, tại các ấp: Trung Can, Thành Vọng, Tân Phú, hiện có nguy cơ lan rộng xuống một số ấp khác. Qua kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, các chỉ số đều vượt ngưỡng cho phép”.
Ông Nguyễn Văn Thêm, ấp Thành Vọng, thông tin: “Thời điểm này mưa nhiều nên nước không còn đen như trước, cá không còn chết nhưng khi nắng nóng kéo dài, tình trạng này lại xảy ra”.
Khó đạt chuẩn nông thôn mới
Tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng đã làm ảnh hưởng lớn đến công tác xây dựng nông thôn mới của Tân Trung. Hoạt động sản xuất bị đình trệ, việc đầu tư sản xuất của một số chương trình trong xây dựng nông thôn mới cũng khó triển khai.
Ông Huỳnh Hải Đăng đánh giá: “Tình hình ô nhiễm trên địa bàn xã làm cho người dân bức xúc trong nhiều năm, nhưng đến nay vẫn không cải thiện được. Trước thực trạng trên, xã cũng đã ban hành công văn hướng dẫn người dân nuôi tôm ít thay nước, chấp hành tốt quy trình nuôi tôm siêu thâm canh cũng như cải tạo, sên vét ao đầm. Qua kiểm tra người dân thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, băn khoăn hiện nay là ô nhiễm nguồn nước trên sông Bảy Háp, Mương Điều lan rộng ra các ấp, mong các ngành chức năng sớm tìm ra nguyên nhân, giúp xã Tân Trung hết ô nhiễm, góp phần xây dựng nông thôn mới".
Ông Nguyễn Văn Sển bộc bạch: “Nhà nước vận động nhân dân làm đường, làm cống để xây dựng nông thôn mới, chúng tôi rất ủng hộ. Thế nhưng, với tình trạng nuôi tôm không được, gạo có khi còn không đủ ăn, lấy gì làm đường, làm cống. Chúng tôi muốn làm sao xác định rõ nguyên nhân ô nhiễm để khắc phục. Nếu các nhà máy, xí nghiệp xả thải gây ô nhiễm thì phải xử lý nghiêm, chứ không để doanh nghiệp làm giàu, mặc cho người dân chịu thiệt hại”.
Ông Võ Minh Thống cho biết: “2 mô hình mà Hội Nông dân xã triển khai đều bị thiệt hại trên 80% do nguồn nước ô nhiễm. Mô hình nuôi sò huyết thương phẩm đầu tư 50 triệu đồng, nhưng sau khi thả con giống, dân lấy nước vào làm con giống chết. Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến cũng thế”.
Ông Huỳnh Hải Đăng đề xuất: “Chúng tôi mong muốn tỉnh sớm tìm ra nguyên nhân và khắc phục để làm sao UBND xã vận động người dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Hiện hầu như các chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới được xã thực hiện đạt gần hết theo kế hoạch đề ra, chỉ còn tiêu chí môi trường, an toàn thực phẩm và thu nhập gặp khó khăn. Trong quá trình thực hiện nông thôn mới, xã được hỗ trợ nguồn vốn để người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo, nhưng không triển khai được do nguồn nước bị ô nhiễm, không thể duy trì các mô hình sản xuất”.
Trước thực trạng trên, ngành chức năng cũng đã vào cuộc điều tra, xác định nguyên nhân, trong đó có việc tăng cường thanh tra, giám sát việc xả thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất tại Khu Công nghiệp Hoà Trung, sẽ đình chỉ hoạt động các cơ sở xả thải không đúng quy chuẩn ra môi trường. Tuy nhiên, vấn đề là việc kiểm tra này đã thực hiện trong nhiều năm, có những cơ sở bị xử phạt vì xả thải không đúng quy định nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm.
Vấn đề xử lý các cơ sở vi phạm trong xả thải trực tiếp ra môi trường bên ngoài cần phải có sự quyết tâm, thực hiện quyết liệt, bởi điều này không chỉ để bảo vệ môi trường xung quanh các khu công nghiệp, quan trọng hơn là bảo đảm hoạt động sản xuất của người dân./.
Đặng Duẩn