(CMO) Hiện nay, tình hình bệnh dại tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh ghi nhận 9 ổ dịch dại trên đàn chó, mèo và 4 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Ngay từ đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau đã tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức phòng, chống bệnh dại cho nhân viên y tế và thú y của các huyện, thành phố. Tăng cường phối hợp với cơ quan thú y kiểm tra, giám sát và xử lý khi phát hiện ổ dịch dại trên đàn chó, mèo. Vận động, tuyên truyền người bị chó, mèo cắn đi tiêm phòng đầy đủ.
Tiêm ngừa đầy đủ là biện pháp phòng bệnh dại hiệu quả nhất. |
Chị Nguyễn Như Ý, nhân viên thú y xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, cho biết: “Khi hay tin người dân bị chó, mèo cắn, chúng tôi cùng nhân viên y tế, chính quyền địa phương đến ngay hộ gia đình điều tra, lấy mẫu đi xét nghiệm, hướng dẫn người dân rửa vết thương và đi tiêm ngừa. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức trong việc nuôi chó, mèo”.
Bà Huỳnh Thị Lắm, Ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, kể lại: “Tôi đi ra phía sau nhà, không biết con mèo từ đâu chạy tới căn tôi chảy máu rất nhiều. Trước giờ chỉ có nghe nói chó dại chứ chưa biết về mèo mắc bệnh dại. Sau khi được nhân viên thú y và y tế đến hướng dẫn, tôi đi tiêm phòng bệnh dại ngay, đến nay tôi đã tiêm đầy đủ 5 mũi”.
Con mèo sau khi cắn bà Lắm cũng đã được nhân viên thú y lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với vi-rút dại. Trong 4 trường hợp tử vong do bệnh dại, TP Cà Mau 1 trường hợp, huyện Phú Tân 2 và huyện Đầm Dơi 1 trường hợp. Theo điều tra, tất cả trường hợp trên đều không đi tiêm ngừa dại khi bị chó, mèo cắn mà chỉ sử dụng các biện pháp dân gian. Gần đây nhất là trường hợp tử vong do bệnh dại tại xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi. Qua điều tra, người này bị chó cắn khoảng 2 năm trước nhưng không đi tiêm ngừa.
Bác sĩ Lâm Thành Mực, Trưởng trạm Y tế xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, cho biết: “Tiền sử trường hợp tử vong này là do chó cắn, chỉ sử dụng các biện pháp dân gian chứ không đi tiêm ngừa. Trước tình hình bệnh dại, Trạm Y tế đẩy mạnh tuyên truyền để người dân quản lý chặt chẽ đàn chó, mèo nuôi trong nhà, chủ động đi tiêm ngừa để phòng bệnh dại, tránh trường hợp chó, mèo cắn lây lan bệnh dại trên người. Đặc biệt, tuyên truyền người dân những kiến thức xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn, sau đó đi tiêm phòng dại trên người”.
Theo thống kê, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh Cà Mau khoảng 200.000 con, phần lớn người dân nuôi thả rông. Tỷ lệ tiêm ngừa phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo hàng năm chỉ đạt trên 10%, chính vì vậy công tác phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo và người gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, bệnh dại có ở các địa phương, do đó nguy cơ bệnh dại còn diễn biến phức tạp.
Bác sĩ Đặng Hải Đăng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết: “Người dân vẫn còn hạn chế trong kiến thức phòng, chống bệnh dại, như khi bị chó, mèo cắn thì rửa vết thương không đúng; chủ quan không đi tiêm phòng khi bị chó, mèo cắn. Thực tế, trong 4 ca tử vong do bệnh dại, có trường hợp một người trong lúc làm thịt chó mắc bệnh dại mà tay có vết thương hở nên bị lây bệnh dại. Hiện nay đã xuất hiện bệnh dại trên mèo nên người dân cần chú ý. Một sự chủ quan nữa là khi đã bị chó, mèo cắn thì đi tiêm không đủ mũi nên không phòng được bệnh dại. Điều đặc biệt quan trọng nữa là người dân khi đã bị chó, mèo cắn chỉ chữa trị bằng các biện pháp dân gian (đi lấy nọc), đây là sai lầm dẫn đến những ca tử vong do bệnh dại gần đây. Chính vì vậy, tôi khuyến cáo mọi người dân phải phối hợp tốt với ngành chức năng để phòng, chống bệnh dại hiệu quả, tránh trường hợp tử vong vì bệnh dại”.
Để kiểm soát và đẩy lùi bệnh dại cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa ngành y tế với cơ quan thú y trong việc quản lý tổng đàn chó, mèo. Giám sát để phát hiện và khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trong việc nuôi chó mèo, đặc biệt là tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo và cả trên người./.
Minh Khang