(CMO) Đây là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải trong chuyến kiểm tra tình hình sản xuất tại huyện Ngọc Hiển ngày 7/11. Nội dung chủ yếu của chuyến kiểm tra này là nắm bắt tình hình triển khai đề án nuôi tôm sinh thái tại huyện Ngọc Hiển và thực tế quy hoạch phát triển nuôi tôm siêu thâm canh của các hộ dân và các dự án có trên địa bàn.
Con tôm sớm được xác định là một thế mạnh kinh tế trọng yếu của huyện Ngọc Hiển thông qua Nghị quyết số 05-NQ/HU của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về nuôi tôm sinh thái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020. Cho đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Ngọc Hiển đã phát triển hơn 11.000 ha nuôi tôm sinh thái, trong đó có khoảng 7.000 ha được công nhận đạt chuẩn tôm sinh thái của các tổ chức quốc tế.
Với hộ nuôi tôm siêu thâm canh cá thể, Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở, hộ nào không đáp ứng điều kiện sẽ không được nuôi. Huyện Ngọc Hiển phải quy hoạch và quản lý chặt mô hình nuôi tôm siêu thâm canh.
Ông Phạm Quốc Cường, Giám đốc HTX nuôi tôm sinh thái Đồng Phát Đạt, ấp Xưởng Tiện, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, cho biết, HTX hình thành vào năm 2011, hiện có 24 thành viên tham gia. Thu hoạch bình quân với hộ nuôi khoảng 5 ha đạt trên 200 triệu đồng/năm. Ưu điểm của tôm sinh thái là sản phẩm sạch, được thị trường đánh giá cao.
Đến nay, theo yêu cầu của dự án tôm sinh thái, các hộ tham gia nuôi giữ tỷ lệ 7 rừng 3 tôm trên cùng diện tích; tổ chức thực hiện nhật ký ghi chép và xử lý các công đoạn nuôi theo đúng quy định. Tuy nhiên, ông Cường cũng nêu băn khoăn: “Do diện tích rừng lớn, lá rớt xuống đầm khó phân huỷ, ảnh hưởng đến năng suất tôm. Người nuôi tôm đề nghị có những giải pháp khoa học kỹ thuật hỗ trợ để giải quyết tình trạng này”.
Ông Tô Trung Nghĩa, đại diện phía dự án nuôi tôm sinh thái và bao tiêu sản phẩm (Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản Năm Căn - SEANAMICO) thông tin: “Hiện cái khó của bà con là chưa có được những mô hình thí điểm, trình diễn cụ thể. Chúng tôi xác định, Năm Căn và Ngọc Hiển là những vùng nuôi tôm sinh thái đặc biệt phù hợp, tiềm năng phát triển rất lớn”.
Khảo sát và kiểm tra kết quả nuôi tôm tại HTX Đồng Phát Đạt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đề nghị: “Các sở, ngành và phụ trách dự án cần sớm bàn bạc, phối hợp để xây dựng các mô hình thực tế, triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật tới từng hộ dân nuôi tôm sinh thái. Phải đảm bảo người dân hiểu đúng, hiểu đầy đủ và tự nguyện cao độ khi tham gia mô hình này, vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo giữ vững hệ sinh thái đặc trưng ngập mặn”.
Ông Nguyễn Tiến Hải cũng lưu ý, cần nghiên cứu, cải tiến và vận dụng phù hợp quy trình nuôi tôm sinh thái, đặc biệt là hài hoà với lợi ích, thói quen sản xuất của người dân vùng Ngọc Hiển.
Theo báo cáo nhanh của Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Lý Hoàng Tiến, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh của huyện tuy không nhiều nhưng đã mang lại những tín hiệu tích cực, điểm nhấn trong đó là các dự án đầu tư của các công ty, tập đoàn triển khai trên địa bàn huyện. Công ty cổ phần thuỷ sản N.G Việt Nam đã triển khai giai đoạn 1 với 13 ha nuôi tôm siêu thâm canh tại xã Tân Ân và giai đoạn 2 đang triển khai với 70 ha tại xã Tân Ân Tây.
Ông Hoàng Văn Hoan, quản lý dự án của công ty N.G cho biết: “Vùng đất Ngọc Hiển rất thuận lợi để triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, cả về nguồn nước, giống, điều kiện tự nhiên…”.
Sau khi tham quan, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải lưu ý: “Cà Mau nói chung, Ngọc Hiển nói riêng cần tạo mọi điều kiện, cơ chế để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, với nuôi tôm siêu thâm canh, nhà đầu tư tuyệt đối thực hiện đúng quy định, hoàn thiện cơ sở vật chất, đặc biệt là xử lý nước thải để đảm bảo môi trường”. Ông Nguyễn Tiến Hải cũng yêu cầu công ty N.G nhanh chóng xây dựng và vận hành hệ thống biogas để xử lý triệt để các chất thải tồn dư.
Tại hộ gia đình ông Tăng Quốc Đoàn, ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải lo lắng: “Xử lý nước thải như vậy là chưa ổn, nếu không hoàn thiện sớm thì đề nghị các cấp, ngành chức năng không cho nuôi tiếp”.
Ông Đoàn cũng cam kết, gia đình sẽ sớm hoàn thiện quy trình xử lý nước thải trước khi bắt đầu vụ nuôi mới, đảm bảo đúng quy định và không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cũng đề nghị, các cơ quan như điện lực, tài nguyên môi trường, đặc biệt là chính quyền địa phương phải thường xuyên theo sát, kiểm tra, xử lý và giúp đỡ kịp thời các hộ nuôi tôm siêu thâm canh.
Ông Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: “Ngọc Hiển cần quy hoạch chặt chẽ đối với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, không để tình trạng nuôi tràn lan, mất kiểm soát. Nhất quyết không cho nuôi khi chưa đáp ứng được các điều kiện”.
Cũng trong đợt khảo sát, đoàn còn đến kiểm tra tình hình sản xuất chuỗi sinh thái tôm – rừng tại các điểm Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ngọc Hiển và mô hình nuôi tôm sú siêu thâm canh tại địa bàn xã Hàm Rồng (Năm Căn).
Phạm Quốc Rin