Mô hình giáo dục VNEN giúp học sinh tự tin hơn. Các em được rèn luyện tinh thần giúp đỡ bạn bè, tính tập thể, tính tự lập.
Năm học 2015-2016 là năm học tiếp tục thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đáp ứng yêu cầu đó, Sở GD&ĐT đã có nhiều giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục: các trường chủ động trong việc xây dựng thời khoá biểu để thực hiện chương trình dạy học; hiệu trưởng giao quyền tự chủ cho giáo viên trong quá trình giảng dạy, lựa chọn phương pháp dạy học và thời lượng dạy học. Bên cạnh, giáo viên còn được tự chủ trong tổ chức các hoạt động trải nghiệm; tổ chức và duy trì tốt hoạt động của hội đồng tự quản, hoạt động các CLB sở thích, phát huy tác dụng của các góc trang trí lớp học, hoạt động thư viện xanh... Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học lấy học sinh là trung tâm và triển khai thực hiện dạy học các môn tự nhiên xã hội, khoa học theo phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột”.
Khó khăn chung của ngành giáo dục tỉnh hiện nay là thiếu giáo viên so với nhu cầu thực tế (nhất là ở vùng sâu, vùng xa). Vậy làm thế nào để khắc phục khó khăn này? Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết:
Mô hình giáo dục VNEN giúp học tự tin hơn, rèn luyện tinh thần giúp đỡ bạn bè, tính tập thể, tính tự lập… Ảnh: B.T |
Đến thời điểm hiện tại, đội ngũ giáo viên các cấp học, ngành học cơ bản đã ổn định, kể cả vùng sâu, vùng xa nhưng vẫn còn nhiều khó khăn bất cập.
Đối với giáo viên mầm non, nếu theo định mức quy định tại Thông tư số 06, cấp học mầm non trong tỉnh hiện còn thiếu 395 giáo viên, 341 nhân viên. Ở cấp tiểu học, THCS và THPT có tình trạng có trường học thừa giáo viên môn học này nhưng lại thiếu giáo viên ở môn học khác.
Ngành giáo dục đã triển khai các biện pháp khắc phục: trước hết, giao chỉ tiêu cho Trường Cao đẳng Sư phạm đào tạo bổ sung giáo viên mầm non các huyện, nhất là huyện U Minh, Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển; dự kiến cuối năm học 2015-2016 sẽ có 163 sinh viên ra trường về nhận nhiệm vụ tại các huyện này.
Các trường hợp đồng giáo viên đối với một số môn học còn thiếu của cấp THCS, THPT để hạn chế trả tiền tăng giờ và đảm bảo cho hoạt động giảng dạy; số lượng hợp đồng lao động đã vượt biên chế do cấp có thẩm quyền giao năm 2015, nhưng nhìn chung là không đơn vị, trường học nào vượt định mức quy định.
Để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp học phổ thông, hiện tại Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT, với các Phòng GD&ĐT huyện, thành phố triển khai thực hiện việc sắp xếp, điều động viên chức trong tỉnh để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Mặt khác, hiện nay, Sở GD&ĐT cũng đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giao thêm biên chế theo định mức biên chế viên chức đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, THCS, THPT theo định mức quy định.
Nếu không được giao bổ sung biên chế sự nghiệp trong năm 2016 đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục, Sở GD&ĐT sẽ đề xuất ý kiến trình UBND tỉnh thống nhất cho các đơn vị, trường học được phép hợp đồng lao động giáo viên, nhân viên theo định mức do Bộ GD&ĐT - Bộ Nội vụ quy định, để đảm bảo hoạt động giảng dạy và có căn cứ đề nghị Sở Tài chính cấp kinh phí trả lương đối với giáo viên hợp đồng lao động.
- Từ đầu năm học đến nay, có không ít phụ huynh băn khoăn về việc chưa thống nhất chương trình học của bậc tiểu học, THCS (có trường theo chương trình VNEN, có trường lại học theo chương trình thực nghiệm,… nhưng cũng chỉ triển khai ở một vài khối), ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Minh Luân: Trước hết cần thống nhất về nhận thức là cấp tiểu học và THCS tỉnh nhà đang thực hiện nhiều mô hình trường học theo Dự án Mô hình trường học mới (VNEN) do Bộ GD&ĐT chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện đối với ngành giáo dục tỉnh, từ đó làm cơ sở để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Ở cấp tiểu học, Cà Mau có 14 trường và đến năm học 2015-2016 có thêm ba trường đăng ký dạy theo mô hình này, nâng tổng số lên 17 trường, 216 lớp với 6.013 học sinh. Nội dung dự án triển khai là đổi mới phương pháp dạy học dựa trên cơ sở tiếp cận năng lực người học; dưới sự tổ chức và giúp đỡ của giáo viên, học sinh được tự mình học tập, học tập qua bạn bè. Song, một số phụ huynh hiểu chưa đúng, cho rằng đây là một trường học dạy kiến thức hoàn toàn khác so với khung chương trình của Bộ GD&ĐT. Cần khẳng định, mô hình này là đổi mới phương pháp dạy học nhưng nội dung dạy và học vẫn thực hiện theo chương trình của Bộ GD&ĐT ban hành kèm theo QĐ 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006.
Ngoài ra, cấp tiểu học cũng đang thực hiện chương trình thực nghiệm (Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục). Hiện toàn tỉnh có 19 trường, 74 lớp, với 1.784 học sinh dạy học theo tài liệu TV1-CNGD đã được Bộ GD&ĐT thẩm định và cho phép áp dụng với tinh thần tự nguyện. Tỉnh Cà Mau chỉ dạy môn Tiếng Việt đối với lớp 1. Đây là chương trình đã được áp dụng tại một số tỉnh, thành trong cả nước từ rất lâu. Từ thực tế khẳng định kết quả môn Tiếng Việt lớp 1 đối với học sinh là đọc và viết thành thạo hơn nhiều so với học chương trình lớp 1 hiện hành.
Có 17 trường THCS thuộc chín Phòng GD&ĐT huyện, thành phố tham gia thực hiện triển khai mô hình trường học mới đối với lớp 6 từ năm học 2015-2016 (có 57 lớp với 2.032 học sinh). Việc thực hiện đăng ký dành cho những học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học theo mô hình VNEN, trên nguyên tắc tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh; các trường chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (đã tham dự đầy đủ các lớp tập huấn do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tổ chức) để triển khai mô hình VNEN cấp THCS. Theo kế hoạch, thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức đoàn đi kiểm tra, hỗ trợ chuyên môn đối với các trường THCS thực hiện theo mô hình này, đồng thời khi kết thúc học kỳ I sẽ tổ chức sơ kết để đánh giá kết quả thực hiện và rút kinh nghiệm cho việc triển khai nhiệm vụ ở học kỳ II trên địa bàn tỉnh và góp phần rút kinh nghiệm để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
- Năm học này sẽ là năm thứ hai tiếp tục thực hiện kỳ thi THPT quốc gia theo hình thức "hai chung", Sở GD&ĐT đã có những bước chuẩn bị gì để tổ chức thực hiện hiệu quả kỳ thi năm nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Luân: Rút kinh nghiệm từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, ngay từ đầu năm học 2015-2016, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường THPT quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên và mạnh mẽ các nội dung, như: tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học; đa dạng hoá các hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; sử dụng các hình thức dạy học trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông như: dạy học trực tuyến, trường học kết nối...
Tiếp tục đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Song song đó, chủ động kết hợp một cách hợp lý, phù hợp giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra. Tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tăng cường ra các câu hỏi mở; gắn với thời sự quê hương, đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.
Ngày 16/12/2015 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị bàn về công tác thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng cho năm 2016. Hội nghị đã thống nhất và đi đến kết luận: về thời gian, hình thức tổ chức, cách xét và công nhận kết quả thực hiện như năm 2015; đối với cụm thi địa phương, tăng cường thêm chức năng giám sát của các trường đại học. Qua đánh giá nhận xét về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2015 của học sinh tỉnh Cà Mau là 81,32%, cho thấy rằng, đây là một tỷ lệ phản ánh thực chất, phù hợp với tình hình giáo dục của tỉnh nhà và trong khu vực.
- Xin cảm ơn ông!./.
Băng Thanh thực hiện