Trong bối cảnh thiên tai xảy ra với tần suất cao, cường độ mạnh và diễn biến khó lường thì việc tổn thất tài sản, thậm chí tính mạng con người là điều gần như khó tránh khỏi. Theo đó, vấn đề đặt ra là việc tập trung nguồn lực để khắc phục hậu quả, phục hồi, tái thiết sau thiên tai nhằm giúp người dân sớm có cuộc sống ổn định.
- Cà Mau 2 năm liền vào Top 10 tỉnh có kết quả phòng chống thiên tai tốt nhất
- Ðề phòng thiên tai mùa mưa bão
- Xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai
- Sẵn sàng nhiệm vụ cung cấp điện trước thiên tai
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau liên tiếp chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai. Người dân vừa trải qua một mùa khô hạn với nhiều thiệt hại trong sản xuất và sụt lún lộ nông thôn làm ảnh hưởng việc đi lại, giao thương, thì hiện nay lại phải chủ động chống chọi với mưa bão, ngập lụt, lốc xoáy, sấm sét, sạt lở... đang được dự báo có ảnh hưởng nặng nề đến tài sản, đời sống và sản xuất.
Những năm gần đây, thiệt hại do những đợt thiên tai gây ra hết sức nặng nề về tài sản, thậm chí về người. Nhiều nhà cửa của người dân, công trình công cộng bị hư hại; nhiều công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường giao thông bị sạt lở, chia cắt; hoạt động sản xuất, đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chỉ trong đợt hạn hán vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản, sản xuất, đời sống người dân và các công trình hạ tầng thiết yếu. Cụ thể, sụt lún hơn 730 vị trí với tổng chiều dài hơn 19 km, trong đó có 14,6 km lộ bê tông; khiến hơn 2.620 hộ dân trên địa bàn tỉnh bị thiếu nước sinh hoạt, hơn 6.000 ha cua nuôi quảng canh bị bệnh... Thiệt hại do những đợt thiên tai gây ra là hết sức nặng nề, cần rất nhiều nguồn lực, thời gian, công sức mới khắc phục được.
Tuyến đường Tắc Thủ - Co Xáng, đoạn khu vực ấp Vồ Dơi hiện đang phải rào chắn, giảm tải trọng do đang trong tình trạng rạn nứt, nguy cơ sụt lún bất cứ lúc nào.
Huyện Trần Văn Thời là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt hạn hán vừa qua khi có đến 138 tuyến bị sạt lở, sụt lún với chiều dài hơn 19 km, ước thiệt hại hơn 28 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thế Châu, Chủ tịch UBND huyện, cho biết, trước tình hình này, huyện đã chủ động triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả. Tiêu biểu như tiến hành dùng cừ tràm xịa tạm hạn chế sạt lở, sụt lún tại 105 vị trí với chiều dài hơn 2 km, kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng, trong đó vận động người dân đóng góp hơn 90 triệu đồng. Ngoài ra, huyện cũng đã vận động các mạnh thường quân cùng sự hỗ trợ của tỉnh để tiến hành lắp đặt được 43 km đường ống và hỗ trợ gần 500 bồn chứa nước, từ đó cơ bản giúp người dân khắc phục được tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt trong mùa khô vừa qua.
Thời gian qua, trước những thiệt hại nặng nề của thiên tai, cấp uỷ và chính quyền các cấp đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cùng Nhân dân trong tỉnh tập trung khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định cuộc sống. Với phương châm chủ động “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” trong công tác phòng chống thiên tai, nhiều nguồn lực đã được huy động, vận động để triển khai khắc phục hậu quả, phục hồi, tái thiết sau thiên tai.
Chỉ tính riêng năm 2023, tổng kinh phí chi cho nhiệm vụ khắc phục hậu quả, phục hồi, tái thiết sau thiên tai từ các nguồn lực như ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương và quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh... hơn 740 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, đã có 157 hộ dân được sửa chữa, xây dựng nhà mới sau khi bị thiệt hại do thiên tai; hơn 987 hộ khôi phục sản xuất lúa, rau màu, sản xuất lâm nghiệp và nhiều công trình thuỷ lợi (85 công trình) được đầu tư, nhiều đoạn sạt lở bờ sông được khắc phục...
Đợt mưa lớn kéo dài những ngày cuối tháng 6 đã khiến một số tuyến lộ nông thôn xã Khánh Bình Đông bị ngập. (Ảnh chụp ngày 26/6).
Ngoài ra, từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương, những năm qua, nhiều công trình khắc phục hậu quả thiên tai đã được triển khai đầu tư và phát huy hiệu quả. Tiêu biểu như từ nguồn kinh phí 70 tỷ đồng mà tỉnh được cấp bổ sung trong năm 2022 theo Quyết định 1661/QÐ-TTg, ngày 31/12/2022, của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã có 8 công trình khắc phục sạt lở bờ biển được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Kể từ khi đưa vào sử dụng, các công trình đã mang lại hiệu quả rõ rệt, khắc phục sạt lở, bảo vệ an toàn tuyến đê biển Tây cũng như tính mạng, tài sản và sản xuất của người dân bên trong tuyến đê.
Hay như trong năm 2023, tỉnh tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ cấp bổ sung 500 tỷ đồng tại Quyết định 1162/QÐ-TTg, để thực hiện dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Hiện nay, 3 công trình được bố trí vốn đang khẩn trương triển khai thi công.
Song song đó, theo ông Ðỗ Minh Ðiền, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, cho biết, trong đợt hạn hán vừa qua, tỉnh cũng đã chi hơn 10 tỷ đồng để hỗ trợ kéo hơn 60 km đường ống nhằm cấp nước sinh hoạt cho hơn 1.600 hộ dân. Ngoài ra, tỉnh còn vận động các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ hơn 5,5 tỷ đồng cho 1 ngàn hộ dân các xã: Biển Bạch (huyện Thới Bình), Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời), Khánh Thuận và Khánh An (huyện U Minh)...
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện của FAO tại Việt Nam, đến thăm và trao hỗ trợ tiền mặt cho người dân tại xã Khánh An, huyện U Minh. (Ảnh chụp ngày 9/4/2024).
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác khắc phục, tái thiết sau thiên tai chính là nguồn kinh phí, nhất là trong việc khắc phục sụt lún. “Mặc dù huyện đã chủ động cân đối nguồn ngân sách nhưng cũng chỉ có thể được khoảng 6,9 tỷ đồng, trong khi nhu cầu nguồn kinh phí để khắc phục sụt lún trong đợt khô hạn vừa qua lên đến 28 tỷ đồng, cần sự hỗ trợ của tỉnh”, ông Châu chia sẻ.
Hiện nay chỉ mới bước vào thời điểm đầu mùa mưa, nhưng mưa lớn kéo dài đã gây thiệt hại trong sản xuất của người dân. Cụ thể, đợt mưa trong những ngày cuối tháng 6 vừa qua đã khiến nhiều diện tích lúa hè thu, hoa màu và đường giao thông vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời bị ngập sâu trong nước, nguy cơ thiệt hại rất lớn.
Sau đợt hạn hán khốc liệt, khi có mưa xuống, người dân xã Khánh An, huyện U Minh chuẩn bị đất làm mạ để sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Thiệt hại của đợt hạn hán vừa qua chưa được khắc phục hoàn toàn thì các loại hình thiên tai mới lại tiếp tục gây ra thiệt hại, một lần nữa cho thấy sức tàn phá nặng nề của thiên tai đối với người dân trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, sự chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khẩn trương tái thiết, khắc phục hiệu quả thiệt hại do thiên tai gây ra là hết sức cần thiết./.
Nguyễn Phú