(CMO) Tát đìa là hình thức bắt cá đồng mùa khô có từ lâu đời của người dân vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời và U Minh - Cà Mau, trở thành một nét văn hoá của đời sống người dân U Minh Hạ.
Mùa tát đìa ở vùng ngọt hoá Cà Mau thường được chia thành 2 đợt, trước và sau Tết. Trước Tết, khi nước còn nhiều trong ao, đìa, kênh, mương rộng lớn, bà con nông dân thường dùng hình thức ém lưới (hay còn gọi là chụp đìa) bắt trước một phần cá phục vụ cho bữa ăn ngày Tết. Sau Tết, đến mùa khô hạn, nước rút cạn đồng, cá dồn về đìa, thời điểm này người dân mới dùng máy tát cạn nước trong đìa, rồi cùng nhau lội bùn bắt cá.
Mỗi khi tát đìa, bà con chòm xóm thường xúm lại bắt cá vần công. Tát đìa thường diễn ra vào lúc hừng đông, có nhiều đìa diện tích lớn thì ngay từ đầu hôm bà con đã đặt máy tát cho đến sáng để kịp bắt cá cân cho thương lái.
Bắt cá vần công. |
Sau khi tát đìa, bà con gánh cá về nhà bán cho thương lái. |
Cá trong đìa vùng ngọt hoá Cà Mau thường là cá lóc, cá bổi, cá rô, cá sặt, thác lác, cá trê, đặc biệt là cá dầy, loài cá rất hiếm.
Cá đìa khi bắt lên được đổ vào chiếc xuồng để lựa và phân loại theo kích cỡ. |
Sau buổi bắt cá đìa không thể thiếu cảnh chủ đìa chọn những con cá lóc, cá dầy, cá rô ngon đem nướng bằng rơm rạ ăn kèm với rau đắng đất, chấm muối ớt; hay chọn những con cá rô, các bổi, cá sặt nấu nồi canh chua me, rau muống đồng, hay rau cóc đãi bà con ngay tại đìa, rất dân dã, song cũng rất ngon và thú vị.
Sau buổi bắt cá đìa, chủ đìa thường chọn những con cá lóc, cá dầy, cá rô ngon đem nướng bằng rơm rạ đãi bà con. |
Huỳnh Lâm thực hiện