(CMO) Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, đến tuổi xế chiều, chắc hẳn ai cũng mong có cuộc sống an nhàn, êm đềm bên gia đình, người thân. Nhưng vì những hoàn cảnh khác nhau, với nhiều cụ già neo đơn điều đó chỉ là mơ ước. Tết năm nay, mơ ước ấy đã thành hiện thực khi có những tấm lòng sẵn sàng sẻ chia.
Chồng bỏ, 3 mẹ con nương tựa nhau trong căn nhà dột nát tại xã Phú Thuận, huyện Phú Tân. Cám cảnh nghèo khó, rồi đôi mắt mờ dần do bệnh đã lâu, bà Trương Kiều Thơ đành giã từ quê hương để đến nương náu tại chùa Kim Sơn, Phường 6, TP Cà Mau. Đây cũng là mái nhà chung của 22 cụ già neo đơn không nơi nương tựa.
Bà Thơ tâm tình: “Tuổi xế chiều chỉ mong cuộc sống yên bình, không trở thành gánh nặng cho con cái. 4 năm trước tôi đã xin vào đây ở, nghe Phật pháp để tâm thanh tịnh, bớt đi ưu phiền lo toan cuộc sống. Mọi người ở đây rất quan tâm nhau nên có cảm giác thật ấm áp, nghĩa tình".
Dù hoàn cảnh khác nhau nhưng đến với chùa Kim Sơn, các cụ già neo đơn đều chung cảm nhận ấm áp, nghĩa tình. |
Người nhỏ tuổi nhất cũng hơn 50, các cụ cao niên cũng ngoài 90, thời gian mỗi người ở tại đây cũng khác nhau, có người mới vào ở vài tháng, lâu hơn chừng 8 năm. Hoàn cảnh khác nhau: nghèo, đơn độc, không người chăm sóc, con cái đi làm ăn xa... nhưng họ đều có chung niềm vui, ấm áp khi nương tựa nhau, chia sẻ với nhau lúc tuổi già.
Bà Lê Thị Út, 77 tuổi (Phường 5, TP Cà Mau) đã vào chùa nương náu đến nay đã 7 năm. Bà có 2 người con, 6 người cháu, sau khi chồng mất, bà đã đến chùa Kim Sơn. Bà Út chia sẻ: “Ban đầu chỉ nghĩ được thanh thản, nhưng khi vào đây, gặp nhiều người cùng cảnh ngộ, đồng cảm, gắn bó, cảm thấy được an ủi phần nào”.
Những câu chuyện trên chỉ là 2 trong số 22 hoàn cảnh đang được chùa Kim Sơn nuôi dưỡng. Bắt đầu nhận nuôi những người gia neo đơn từ năm 2009, đến nay chùa Kim Sơn đã nhận nuôi dưỡng nhiều hoàn cảnh khốn khó, trong đó có nhiều người đã qua đời vì tuổi cao sức yếu.
Sư cô Thích nữ Diệu Chánh, Trụ trì chùa Kim Sơn, chia sẻ: “Ban đầu thấy nhiều cụ có hoàn cảnh khó khăn xin vào một số chùa trên địa bàn nhưng họ không nhận vì không có người chăm sóc, thấy cũng chạnh lòng. Thấy vậy, khi chùa xây dựng đã bắt đầu nhận nuôi các cụ đến nay. Thật ra những hoàn cảnh đến đây không phải đều neo đơn mà hầu hết có gia đình. Họ đến vì nhiều khó khăn trong cuộc sống, cũng có những hoàn cảnh không con cháu, nghèo khổ, có hoàn cảnh con cái đi làm ăn xa, không ai chăm sóc”.
Ngồi quây quần bên nhau chuẩn bị cho bữa cơm sáng, các bà, các cụ cười cười nói nói vui vẻ, dường như mọi ưu phiền trước đó đã được khoả lấp đi bởi không khí ấm áp. Bà Thơ trải lòng: “Mọi người ở đây gắn bó với nhau, lúc bệnh hoạn ốm đau chăm sóc cho nhau. Tôi ở đây được 4 cái Tết với cảm giác rất ấm áp. Tết đến, mọi người vui vẻ cùng nhau như ở nhà mình vậy”.
9 năm gắn bó những người già neo đơn, Sư cô Diệu Chánh cho biết: “Đến đây đủ hoàn cảnh, độ tuổi. Có người 60 tuổi, cũng có người gần 90 tuổi, họ gắn bó với nhau, gắn bó với chùa như một gia đình thật sự. Người khoẻ thì ngồi với nhau lặt mớ rau cọng cải, làm những việc nhẹ phụ giúp chùa, xem đó là niềm vui. Còn đối với những cụ già lớn tuổi sức yếu thì được những người trẻ hơn chăm sóc kỹ lưỡng, chu đáo. Nơi đây thật sự trở thành nơi để họ gắn bó nương tựa lúc tuổi già”.
Một cái Tết nữa sắp đến, những người già neo đơn đang sống ở chùa Kim Sơn đã không còn cô đơn. Bởi đối với họ, đến với nơi đây, mỗi ngày đều là một ngày hạnh phúc trọn vẹn, mỗi mùa Tết đều là mùa ấm áp yêu thương./.
Hồng Nhung