(CMO) Dòng sông Hậu hiền hoà ôm ấp cù lao Ông Hổ nối đôi bờ Long Xuyên và Chợ Mới, nơi đây là quê hương của Chủ tịch Tôn Ðức Thắng - người con ưu tú của đất An Giang, một nhà cách mạng lỗi lạc của dân tộc. Ông được Nhân dân ta gọi bằng hai tiếng thân thương “Bác Tôn”. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù đi bất cứ nơi đâu, trên cương vị nào, Chủ tịch Tôn Ðức Thắng luôn hướng về quê hương với tình cảm thiết tha, sâu đậm.
Bắt chuyến phà qua cù lao Ông Hổ, hiện ra trước mắt tôi là một vùng đất xanh um cây trái, bao bọc giữa những làng bè nuôi cá. Dọc theo con đường quê, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Ðức Thắng (thuộc xã Mỹ Hoà Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang - nơi Chủ tịch Tôn Ðức Thắng gắn bó suốt thời niên thiếu) hiện lên trang nghiêm, hoà vào khung cảnh bình yên của vùng sông nước. Ðây là nơi lưu giữ những hiện vật vô giá về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Bác Tôn.
Hình ảnh về thân sinh, thân mẫu Bác Tôn. |
Khu lưu niệm là tổ hợp nhiều công trình bao gồm đền thờ, nhà trưng bày giới thiệu thân thế, sự nghiệp, cùng một số hiện vật quý về cuộc đời Bác Tôn trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, lãnh đạo đất nước. Ðặc biệt, nơi đây còn lưu giữ ngôi nhà thuở thơ ấu, nơi đã hun đúc ý chí cách mạng của chàng thanh niên đất cù lao.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Ðồng chí Tôn Ðức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân”. |
Nón và áo tơi được Bác Tôn sử dụng trong thời gian hoạt động tại Việt Bắc. |
Trong suốt cuộc đời của mình, Bác Tôn chỉ sống tại An Giang 18 năm, quãng thời gian bôn ba hoạt động từ Sài Gòn, sang Pháp, đến các chiến khu, rồi gánh vác những trọng trách lớn của Ðảng và Nhà nước, Bác chỉ được 2 lần về thăm quê. Quê hương với Bác Tôn là nỗi nhớ nhung da diết và cũng son sắt ân tình. Chính những tình cảm thiêng liêng đó của Người, ngày nay, những người con trên quê hương An Giang vẫn vẹn nguyên lòng kính yêu dành cho Bác Tôn, ra sức học tập, noi theo một tấm gương lớn về lý tưởng cách mạng, một nhân cách sống cao đẹp.
Khung cảnh trang nghiêm, thoáng mát tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Ðức Thắng. |
Chuyên cơ ký hiệu VN.452 đưa Chủ tịch Tôn Ðức Thắng từ Hà Nội vào Sài Gòn để chủ trì Ðại lễ mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 15/5/1975. |
Hữu Nghĩa thực hiện