(CMO) Năm 2020, tỉnh Cà Mau được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá và công bố xếp hạng thứ 41/63 tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số (CÐS) cấp tỉnh. Qua đó cho thấy, kết quả CÐS của tỉnh so với mục tiêu đề ra còn thấp. Ðể khắc phục những hạn chế nêu trên, cải thiện thứ hạng PDTI (chỉ số CÐS cấp tỉnh), đồng thời quyết tâm đưa tỉnh Cà Mau thành một trong những tỉnh CÐS thành công trong thời gian tới, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 14/7/2022, về “Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Ðây là một nghị quyết rất quan trọng, UBND tỉnh xây dựng đề án thực hiện để tỉnh bắt kịp, đi cùng, hướng đến xếp vào nhóm các tỉnh, thành đi đầu và triển khai có hiệu quả về CÐS.
Đề án sẽ phản ánh quan điểm chỉ đạo, tầm nhìn, nhiệm vụ và giải pháp CÐS của tỉnh trong thời gian tới. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Ðặc biệt, đề án góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh khoá XV: “Tập trung xây dựng thành công chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); triển khai, thực hiện chương trình CÐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số”.
Với góc nhìn tổng thể, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT và phát triển CNTT, đưa ứng dụng CNTT vào hoạt động chuyên môn. Trong đó, chú trọng thực hiện số hoá các dịch vụ hành chính công để hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất. Ðồng thời, cán bộ cơ quan Nhà nước các cấp đã từng bước chuẩn hoá, nâng cao trình độ, kỹ năng trong thực hiện các thao tác ứng dụng công nghệ mới trong nhiệm vụ. Qua đây, đã tạo được phản hồi tích cực từ đối tượng thụ hưởng là người dân và doanh nghiệp.
Nhân viên VNPT Cà Mau giới thiệu một số phần mềm, nền tảng số do đơn vị cung cấp với các đại biểu tham quan tại sự kiện Cà Mau hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia vừa qua. |
Phát triển CÐS là sự phát triển mang tính tất yếu trong tình hình mới. Thế nhưng, để đạt hiệu quả như kỳ vọng cần phải có sự chung tay của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Vấn đề này, đã qua địa phương cũng gặp không ít khó khăn, rào cản. Rào cản lớn nhất là người dân chưa thật sự hiểu và mạnh dạn ứng dụng CNTT khi cần giải quyết thủ tục hành chính. Sự tương tác của người dân vào các nền tảng số mà các cấp chính quyền triển khai thời gian qua vẫn còn hạn chế khá nhiều. Nguyên nhân được nhìn nhận là do thói quen.
Ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, chia sẻ, chiến lược CÐS quốc gia đã xác định 3 trụ cột chính, đó là Chính phủ số (nhằm thúc đẩy hoạt động các cơ quan Chính phủ), kinh tế số (đưa công nghệ vào phát triển kinh tế địa phương và doanh nghiệp), xã hội số (tạo ra những giá trị mới cho người dân). Quyết định số 06/QÐ-TTg, ngày 6/1/2022, phê duyệt Ðề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CÐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” xác định 5 nhóm tiện ích gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. CÐS dựa trên nền tảng công nghệ với các công nghệ số được sử dụng như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud)... Các công nghệ này sẽ làm thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, cách thức và quy trình quản lý, vận hành xã hội, các phương thức giao dịch của dịch vụ công và các dịch vụ tiện ích khác theo hướng ưu việt, nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Thế nhưng, CÐS không đơn giản chỉ là vấn đề của công nghệ, mà đó là quá trình thay đổi của nhận thức, thói quen, quy trình và giải pháp làm việc của con người từ lãnh đạo đến nhân viên, mà quan trọng hơn cả chính là người dân (đối tượng chính, là trung tâm phục vụ của cả 3 trụ cột CÐS).
Theo ông Hồ Chí Linh, công dân số đóng vai trò là trung tâm của CÐS, khi xây dựng các trụ cột của CÐS phải tính đến phát triển kỹ năng cho công dân số. Nếu chỉ đơn thuần trang bị thiết bị thông minh cho người dân hay chỉ cung cấp các nền tảng CÐS không mà chưa chú trọng trang bị tốt những kỹ năng cần thiết cho công dân số nhằm sử dụng, khai thác hiệu quả các thành tựu công nghệ, thì triển khai các chương trình CÐS sẽ không khả thi hoặc tính khả thi không cao.
"Vì vậy, CÐS cần phải đi đôi với phát triển công dân số, gắn với khả năng truy cập các nguồn thông tin số cho người dân; thúc đẩy người dân sử dụng các thành tựu CÐS nhiều hơn, tăng khả năng giao tiếp số cho người dân; phát triển tinh thần công dân số (bao gồm cả các chuẩn mực đạo đức trong môi trường số, phát triển giáo dục số), dịch vụ công số (dịch vụ hành chính công, dịch vụ công cộng, dịch vụ công ích, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người dân)... xây dựng cơ sở hạ tầng luật pháp số, đề cao quyền và trách nhiệm của công dân trong môi trường số, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân khi hoạt động trong môi trường số. Chú trọng phát triển công dân số để họ hưởng lợi ở 3 nhóm dịch vụ chính là dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và dịch vụ về an sinh xã hội…”, ông Hồ Chí Linh chia sẻ thêm.
Có nhiều ý kiến cho rằng, để CÐS thành công, bên cạnh xây dựng những nền tảng số, hạ tầng CNTT... đáp ứng yêu cầu đặt ra thì việc thông tin, tuyên truyền là yếu tố quyết định tính hiệu quả. Trong tuyên truyền cần tập trung vào những nhóm đối tượng cụ thể. Bên cạnh đó, cần xác định đối tượng tiên phong trong CÐS; mà trước hết, lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên phải là lớp "công dân" tiên phong trong tương tác CÐS. Song song đó, trong hoạt động tuyên truyền thì nhóm công dân cần phải được quan tâm phổ biến tiếp cận là sinh viên, học sinh, vì đây là thế hệ trẻ, việc tiếp cận CNTT là điều khá dễ dàng. Hơn nữa, trong lộ trình CÐS đặt ra thì học sinh, sinh viên hiện tại sẽ là đối tượng thụ hưởng, tương tác sử dụng chiếm số đông.
CÐS là một chiến lược mang tính lâu dài, thật sự tỉnh Cà Mau đã có nhiều kỳ quyết trong vấn đề này. Thế nhưng, để chiến lược này đạt những thành công như kỳ vọng, mỗi công dân cần thay đổi nhận thức, thói quen làm việc, sinh hoạt để có thể thụ hưởng một cách nhanh chóng, hiệu quả mà CÐS đem lại./.
Văn Ðum