Phương pháp giáo dục trẻ mầm non thông qua hoạt động trải nghiệm là phương pháp giáo dục từ thực tế mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Những năm gần đây, Trường Mẫu giáo Bông Sen (huyện Phú Tân) đã triển khai thực hiện và nhận được sự ủng hộ, phối hợp nhiệt tình của phụ huynh.
Trải nghiệm trong lớp học
Cũng vẫn trong không gian lớp học với cơ sở vật chất sẵn có, trường đã thiết kế các góc chơi đều là góc mở như: góc xây dựng, góc phân vai, góc học tập, góc nghệ thuật, góc thiên nhiên... để trẻ tìm tòi, khám phá và phát triển các kỹ năng thông qua việc chơi mà học, học mà chơi.
Khu hoạt động trải nghiệm trồng rau xanh của các bé Trường Mẫu giáo Bông Sen.
Các hoạt động được tổ chức cho trẻ cũng được trường tổ chức thông qua trải nghiệm. Cô Lê Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Bông Sen, chia sẻ: "Trước đây, việc truyền thụ kiến thức cho trẻ chủ yếu qua việc xem video, hình ảnh hay chỉ quan sát hoạt động của giáo viên. Những năm gần đây, trường tổ chức, hướng dẫn cho trẻ trực tiếp thực hành. Việc trẻ được tự tay vắt cam, pha nước cam; lấy ruột chanh dây, pha chanh dây; làm trái cây dầm; nắn bột nấu chè trôi nước... phục vụ bữa ăn phụ của mình đã giúp trẻ tăng hứng thú, tiếp thu kiến thức tự nhiên, lĩnh hội những kỹ năng: quan sát, sử dụng đồ dùng, vệ sinh, tự phục vụ, giao tiếp, hợp tác, phòng tránh tai nạn".
Các bé thích thú được tự tay pha chế nước uống.
Những hoạt động này được giáo viên quay video gửi phụ huynh, nhiều phụ huynh rất bất ngờ trước khả năng thực hành của trẻ. Một số hoạt động trường còn mời phụ huynh đến cùng dự giờ, trực tiếp quan sát trẻ thực hành trải nghiệm. Từ đó, phụ huynh cũng mạnh dạn hướng dẫn trẻ thực hành ở nhà, tạo điều kiện cho trẻ được rèn luyện thêm nhiều kỹ năng hơn.
Trải nghiệm ngoài trời
“Giữ lại hạt trong giờ trải nghiệm pha chanh dây, các cô giáo hướng dẫn trẻ gieo hạt vào vỏ hộp sữa chua đã sử dụng sau bữa phụ. Hộp của mỗi trẻ được các cô vẽ ký hiệu nhận diện. Các hộp ươm hạt chanh dây được mang ra khu trải nghiệm, mỗi ngày trẻ được tự tay tưới nước. Trẻ thích thú khi nhìn thấy hạt nảy mầm, ra lá. Những dây chanh được đặt xuống đất, trẻ tiếp tục được chăm sóc trong giờ hoạt động ngoài trời. Ðến nay, những giàn chanh dây rợp mát khu trải nghiệm và cho trái phục vụ các bữa phụ của trẻ, làm trẻ vô cùng phấn khởi. Qua đó, những bài học giáo dục được trẻ cảm thụ rất tự nhiên", cô Lê Thị Hà phấn khởi kể.
Cô cho biết thêm, khu hoạt động ngoài trời với 20 m2 được trường phân chia thành khu vận động và khu trải nghiệm. Khu vận động với các sản phẩm tái chế để qua vui chơi trẻ được phát huy tính sáng tạo. Khu trải nghiệm được bố trí nhiều thùng xốp đặt trên kệ sắt để tránh vườn rau, vườn cây bị ngập mặn. Trẻ không chỉ trồng chanh dây, mướp thả thành giàn phủ mát quanh khu hoạt động mà còn trồng các loại rau và cây xanh. Quy trình từ gieo hạt, chăm sóc đến thu hoạch được mô hình hoá để trẻ nhận biết và thực hành mỗi ngày.
Hoạt động ngoài trời với các đồ chơi tái chế giúp các bé thêm sáng tạo và năng động.
Chị Ðào Thị Thuý Huỳnh, phụ huynh bé Nguyễn Khả Hân, lớp Lá 1, chia sẻ: “Phụ huynh rất ủng hộ các hoạt động trải nghiệm mà nhà trường tổ chức cho các cháu. Sau mỗi ngày được các cô hướng dẫn thực hành, các cháu năng động hơn, hiểu biết nhiều hơn về cuộc sống và thuần thục nhiều kỹ năng hơn”.
“Giáo dục trẻ qua trải nghiệm, giúp trẻ tự tạo ra sản phẩm phục vụ bản thân. Những giờ ăn bán trú tiếp tục trở thành giờ học khi cô giáo giới thiệu nguyên liệu món ăn được thu hoạch từ hoạt động của trẻ. Những điều đó góp phần tăng chất lượng nuôi dạy trẻ. Kết quả cuối năm trường đạt 95% trẻ chuyên cần, xếp loại đạt yêu cầu cuối độ tuổi đạt 97%. Ðồng thời, sự ủng hộ của phụ huynh là động lực để trường tiếp tục tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho trẻ ở những năm học tiếp theo”, cô Lê Thị Hà khẳng định./.
Ðỗ Xuân Hồng