(CMO) Tính đến nay, tỉnh Cà Mau đã hình thành 44 trung tâm văn hoá - thể thao xã (trung tâm) trong tổng số 82 xã. Một thông tin rất đáng quan tâm được ông Hồ Ngọc Tấn, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Trong số này, có 8 trung tâm hoạt động khá, 18 trung tâm ở mức trung bình và 9 trung tâm hoạt động yếu”.
Điều đó cho thấy việc phát huy công năng của các trung tâm là hạn chế. Vấn đề càng trở nên bức thiết hơn khi suất đầu tư của mỗi trung tâm lên đến hàng tỷ đồng. Trong khi đó, khoảng 1.000 khóm, ấp của toàn tỉnh lại đang rất “khát” các trụ sở sinh hoạt chung. Hoạch định xây dựng và phát huy công năng của thiết chế văn hoá xem ra còn nhiều chuyện để bàn.
Ông Hồ Ngọc Tấn chỉ ra một trong những hạn chế trong hoạt động của các trung tâm là: “Việc quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương đối với hoạt động của các trung tâm văn hoá - thể thao xã chưa đúng mức, nhiều nơi có trung tâm nhưng không có bộ máy hoạt động”.
Tuy nhiên, như lời ông Nguyễn Tiến Dương, Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh, thì: “Do thiết kế của trung tâm không phù hợp, trung tâm gắn với các cơ quan hành chính nên càng khó hoạt động”.
Theo lời của ông Dương, nếu giữ theo thiết kế hiện tại, các trung tâm chỉ có thể tổ chức tốt việc hội, họp quy mô nhỏ, còn các hoạt động như thể thao, văn nghệ hay các sự kiện quy mô lớn là điều không thể.
Do không có người đến đọc sách, nhân viên trực Thư viện xã Tân Lộc Bắc lâu lâu mới thăm nom tủ sách. |
Ghé thăm Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, chị Lâm Thị Trúc Mai, Chủ tịch UBND xã, thông tin: “Hầu như rất ít người dân đến sinh hoạt vì trung tâm xây cặp bên trụ sở xã. Chúng tôi cũng có phân công người trực, mở cửa nhưng hiếm khi hoạt động”.
Tân Lộc Bắc vừa tiếp tục được đầu tư 3 phòng chức năng thuộc tổ hợp của trung tâm, dù đã hoàn thành nhưng vẫn để trống. Theo chị Mai, mấy căn này sẽ làm phòng truyền thống, trưng dụng để anh em làm việc. Tân Lộc Bắc là địa phương có đông đồng bào Công giáo và đồng bào dân tộc, việc sinh hoạt văn hoá, tinh thần của người dân cũng có sự khác biệt. Hơn 600 hộ đồng bào Công giáo tham gia đều đặn các hoạt động của nhà thờ, trong khi đó gần 170 hộ đồng bào Khmer tập trung tại chùa Đầu Nai.
Thực trạng của Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã Tân Lộc Bắc được anh Lê Minh Đương, công chức văn hoá xã, cho biết thêm: “Có thư viện nhưng ít sách và hầu như không có ai vô. Hội trường thì lâu lâu mới tổ chức hội, họp”. Anh Đương hy vọng: “Phải chi tổ chức được như ở Tắc Vân thì may ra mới hiệu quả, còn bây giờ khó quá”.
Hệ thống trung tâm đã hình thành trên 50% số xã tại Cà Mau, tuy nhiên, việc phát huy công năng là chưa tương xứng với nguồn vốn bỏ ra. Trong khi đó, ở tuyến ấp, khóm, hệ thống trụ sở sinh hoạt chung lại là đòi hỏi bức thiết nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Có một thực tế rằng, trụ sở sinh hoạt ấp, khóm hiện tại đang hoạt động với tần suất liên tục, là nơi hầu hết hoạt động của tuyến cơ sở diễn ra.
Anh Phạm Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Trí Phải, huyện Thới Bình, cho rằng: “Mỗi xã có trung tâm là chủ trương đúng, nhưng ở các ấp, trụ sở sinh hoạt cũng rất quan trọng. Hiện tại, xã rất khó khăn trong việc xây dựng trụ sở đạt chuẩn bởi không có vốn”. Từ họp dân, chi bộ, khuyến nông, hoà giải, tổ chức các ngày lễ đại đoàn kết, các hoạt động của ấp… đều diễn ra tại trụ sở. Hiện nay, hầu hết các trụ sở đều mở cửa hoạt động theo giờ hành chính, mặc dù chẳng có quy định nào cụ thể về vấn đề này. Riêng Trí Phải, do cơ sở vật chất khó khăn, hầu hết các trụ sở đều “quá tải” và cần nhanh chóng đầu tư.
Cùng băn khoăn trên, anh Lê Văn Chuộng, Chủ tịch UBND xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, tha thiết: “Trụ sở ấp quan trọng lắm, có trụ sở đàng hoàng thì hoạt động của anh em sẽ đỡ vất vả và hiệu quả hơn nhiều”.
Cái lạ là dù Tân Trung chưa hình thành được trung tâm văn hoá - thể thao xã theo đúng nghĩa, nhưng ông chủ tịch khẳng định rằng, chuyện đó không quan trọng bằng xây dựng hệ thống trụ sở ấp. Xem ra đây là nhu cầu thực tế, gắn với nhu cầu của Nhân dân và không chỉ của một vài địa phương.
Còn một vướng mắc khác là quá trình xây dựng và bàn giao sử dụng các trung tâm văn hoá - thể thao xã. Các địa phương chỉ có nhiệm vụ duy nhất là nhận bàn giao và “tự bơi” trong suốt quá trình hoạt động. Vấn đề con người, kinh phí, tổ chức hoạt động vì vậy đều hết sức thụ động. Không lạ khi “của một đống tiền” nhưng đóng góp cho xã hội không lớn. Ngược lại, có không ít trụ sở sinh hoạt ấp là do sự cộng đồng đóng góp của người dân, từ hiến đất đến kinh phí xây dựng nhưng lại hoạt động cực kỳ hiệu quả. Đây có thể là phép so sánh để ngành văn hoá có tính toán hợp lý.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh: “Chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hoá, đặc biệt là các trung tâm cấp xã sẽ là nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành trong thời gian tới”.
Hy vọng đó không phải chỉ dừng lại ở quyết tâm của ngành văn hoá. Và người dân, cán bộ cơ sở cũng mong ngóng chủ trương xây dựng hệ thống trụ sở sinh hoạt ấp, khóm đúng chuẩn sẽ nhanh chóng thành hiện thực./.
Quốc Rin