Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường và chống rác thải nhựa được các cấp, các ngành huyện Ngọc Hiển quan tâm, trong đó có hội phụ nữ. Những việc làm cụ thể, thiết thực của các cấp hội phụ nữ trên địa bàn đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân, hình thành thói quen tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Sản phẩm từ nhựa được chị em phụ nữ Khóm 3, thị trấn Rạch Gốc gom góp bán phế liệu.
Bà Tăng Ngọc No, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, thông tin, hội đẩy mạnh tuyên truyền cho tất cả chị em phụ nữ trên địa bàn bằng các hình thức như: hướng dẫn chị em phân loại rác thải tại nguồn; khuyến khích chị em đi chợ mang theo giỏ xách, hạn chế sử dụng bọc ni lông... Ngoài ra, 7/7 hội phụ nữ xã, thị trấn đã hỗ trợ hơn 5 ngàn giỏ xách, thùng chứa rác thải sinh hoạt hằng ngày để chị em hạn chế vứt, thải rác ra ngoài môi trường, nhất là các loại rác thải nhựa khó phân huỷ. Ðến nay, có trên 10 ngàn hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn.
“Ðể bảo vệ môi trường, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hộ dân phải có khu vực, hay thùng chứa rác thải nhựa tại gia đình để phân loại rác, không vứt rác ra sông rạch, gây ô nhiễm môi trường. Ban đầu, đối với việc phân loại rác thải tại nguồn, bà con chưa nắm bắt kịp, nhưng qua tuyên truyền, nhiều bà con đã có ý thức rõ rệt. Nhiều hộ đã lấy túi lưới để chứa rác thải nhựa, đến đủ số lượng sẽ bán phế liệu; còn chất thải sinh hoạt thì được ủ thành phân bón cho cây trồng”, bà Nguyễn Thanh Nhanh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khóm Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc, cho biết.
Hội Phụ nữ xã Đất Mũi tập huấn và cấp phát thùng chứa rác cho chị em.
Bà Phan Thị Diễm, Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, chia sẻ: “Các loại rác thải nhựa rất khó bị phân huỷ ngoài môi trường, nếu chúng ta không giữ gìn vệ sinh môi trường, không nêu cao ý thức chung tay bảo vệ, cứ vứt ra sông, rạch lâu ngày sẽ ô nhiễm và tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chính chúng ta. Vì thế, bản thân tôi ý thức thực hiện việc phân loại rác thải; với các loại đồ nhựa, sản phẩm tái chế được, tôi sẽ để riêng rồi đem bán”.
Bà Nguyễn Thị Kiều Diễm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ðất Mũi, cho biết, trước đây mỗi khi triều cường dâng cao lại mang rác thải sinh hoạt của hộ dân thải trực tiếp ra ngoài sông, rạch, lâu ngày tấp vào mé hình thành những khu vực đầy rác. Nhưng qua tuyên truyền, người dân đã dọn dẹp vệ sinh môi trường để đảm bảo cảnh quan phục vụ khách tham quan du lịch. Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ðất Mũi còn hướng dẫn người dân phân loại rác thải, cấp phát giỏ nhựa đi chợ; với những khu vực đông dân cư, tuyên truyền người dân sử dụng các thùng chứa rác thải, rác tái chế, hạn chế thải ra môi trường.
Chị Trần Thị Thuỳ, ấp Tân Tạo, xã Tam Giang Tây, chia sẻ cách làm sáng tạo của mình: “Tôi thu gom những chai nhựa bỏ đi, làm sạch, rồi cắt tỉa thành những bông hoa trang trí trong nhà. Ban đầu tôi làm thử 1, 2 bình hoa, thấy đẹp nên làm thêm và đam mê từ lúc nào không hay. Tôi cũng muốn việc làm của mình được chị em hưởng ứng cùng bảo vệ môi trường sống”.
Chị Trần Thị Thuỳ (bên phải) tái chế ống hút nhựa, chai nhựa thành những bông hoa xinh xắn trang trí trong gia đình.
Huyện Ngọc Hiển đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2023 có 100% hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị ở nơi có triển khai mô hình phân loại rác thải nhựa cùng đồng thuận thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định. Ðến năm 2025, huyện phấn đấu về đích huyện NTM.
Bà Tăng Ngọc No thông tin: “Việc quản lý rác thải sinh hoạt không hiệu quả sẽ dẫn tới nhiều tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng ngành du lịch, nuôi trồng thuỷ sản, tác hại đến sức khoẻ cộng đồng, đến môi trường tự nhiên. Huyện tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về phân loại rác thải nhựa, loại rác thải khó phân huỷ để tạo thói quen cho người dân, tiến đến hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng huyện NTM”./.
Hồng My - Chí Hiểu