ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 4-12-24 00:49:37
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thú vị một chuyến săn ong vò vẽ

Báo Cà Mau (CMO) Ong vò vẽ là loài ong cực kỳ nguy hiểm, có thể làm chết người. Ngay những cư dân sống ở rừng U Minh Hạ cũng không dám “chọc giận” đến tổ, không chỉ vì nọc độc cực mạnh của mỗi cú chích mà còn vì tính hung hãn của chúng.

Mỗi khi có dấu hiệu bị đe doạ, ong vò vẽ sẽ kéo cả đàn tấn công kẻ thù. Tuy nhiên, vẫn có những người “cả gan” đi bắt loại ong này, họ lấy cả tổ rồi bán ong non dùng làm thức ăn cho cá, chim cảnh hay đưa vào nhà hàng chế biến thành những món ăn đặc sản.

Thành quả của chuyến săn ong vò vẽ.

Chiếc vỏ máy của ông Năm Rum (Danh Rum) chạy băng qua những con mương do bà con nơi đây đào để lên liếp trồng rừng thâm canh với bạt ngàn là tràm. Nghe chúng tôi thắc mắc cách “thợ” săn ong vò vẽ tìm tổ của chúng, ông Năm Rum chia sẻ kinh nghiệm: “Giống các loài ong khác như ong mật, ong ruồi, muốn tìm tổ ong vò vẽ, khi đi vào rừng, chúng ta chú ý quan sát nếu thấy vài con ong bay lòng vòng kiếm mồi thì theo hướng về của nó là tìm được tổ. Tổ ong vò vẽ chỉ cách khu vực đó vài trăm mét”.

Ong vò vẽ thường làm tổ nơi nào có đủ ánh sáng như các thân cây trong rừng, trong vườn nhà hoặc ven đường, thậm chí trên các mái nhà..., nhưng để lấy tổ của chúng không hề dễ dàng.

Nói về việc lấy loại ong này, ông Năm Rum cho biết: “Dân mình bình thường không dám lấy đâu vì chúng rất dữ và nọc độc nguy hiểm, nó đánh chết như chơi. Trước đây thường vào buổi đêm người dân đem lửa ra đốt hết cả tổ, giờ có người biết lấy ong vò vẽ nên mình gọi họ đến cho, lâu lâu xin lại vài cái tàn bắt ong non ra chế biến món ăn”. 

Có hơn 5 năm kinh nghiệm bắt loại ong này, anh Tăng Minh Trí, 42 tuổi, Ấp 12, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, chia sẻ: “Ong vò vẽ bị thu hút bởi mùi mồ hôi của người. Khi 1 con ong ở gần tổ của chúng bị tấn công, nó sẽ phát tín hiệu cho những con khác cùng đuổi tấn công lại. Chúng ta càng chạy, chúng càng đuổi theo đánh dữ hơn. Đã có nhiều người đi rừng hoặc làm vườn vô tình phá tổ, bị đàn ong đuổi đánh đến tử vong”.

Chính vì vậy, ít người dám lấy ong vò vẽ và đây cũng là cơ hội để những người hành nghề săn ong vò vẽ xuất hiện.

Đã hơn 5 năm nay, anh Tăng Minh Trí len lỏi khắp các cánh rừng ở vùng đất U Minh Hạ tìm và lấy ong vò vẽ. Anh có thể làm công việc này quanh năm và luôn nhận được sự "chào đón" của chủ rừng.

Anh Trí cho biết: “Mình tự đi tìm, cũng có lúc các chủ rừng phát hiện tổ ong vò vẽ chủ động gọi mình lại lấy. Nếu có nhiều tổ thì cho lại họ một ít để lấy ong non ăn, mà thường thì họ để mình lấy luôn”.

Khác với ong mật, lấy ong vò vẽ không ảnh hưởng đến công tác phòng, chống cháy rừng vào mùa khô bởi không cần sử dụng lửa, khói... Người lấy ong chỉ cần bộ đồ bảo hộ chuyên dụng, 1 cây kéo hoặc con dao là đủ. Họ vào tận nơi, cắt lấy tổ rồi cứ thế... mang ra! Công việc này cũng chẳng mấy cực nhọc ngoài việc phải len lỏi vào các cánh rừng, nhưng thu nhập mạng lại không hề nhỏ. 

“Mỗi tổ ong vò vẽ có thể từ vài ký đến cả chục ký, nếu bán nguyên như thế có giá 250.000 đồng/kg, nếu chỉ bán ong non mỗi ký có giá từ 500.000-600.000 đồng. Trong năm, có tháng tôi lấy được cả trăm tổ mà chỉ tốn công và đầu tư bộ đồ bảo hộ hơn 1 triệu đồng”, anh Tăng Minh Trí tấm tắc. 

Nhộng và ong non vò vẽ được chế biến thành nhiều món đặc sản xứ rừng U Minh Hạ. Nhộng ong vò vẽ hiện rất được giá, chế biến nhiều món ăn khác nhau như làm gỏi, chiên bột, xào với các loại rau quả..., thậm chí trở thành món đặc sản phục vụ trong nhà hàng. Đã có nhiều người hành nghề lấy ong vò vẽ như cách làm thêm những khi nhàn rỗi. 

Ngồi bên mâm cơm với món chính là nhộng ong xào chuối cây, ông Năm Rum chia sẻ: “Ong mật thì mình cứ lấy ra khỏi tổ, rửa sạch là chế biến đủ thứ món ăn, nhưng ong vò vẽ mình phải lấy ruột non nó ra. Đây là loài ăn tạp nên ruột rất dơ. Ong vò vẽ có thể ăn cả các loài côn trùng như sâu, bướm, nhện và xác chết của các loài cá trong rừng”. 

Anh Tăng Minh Trí nói thêm: “Đầu ra của ong vò vẽ khá ổn định nên làm nghề này có thêm thu nhập ngoài làm lúa, trồng rừng”.

Ong vò vẽ là loài nguy hiểm, nọc độc của chúng có thể gây chết người, "do đó sẽ rất liều lĩnh nếu ai muốn thử lấy tổ của chúng, trừ dân chuyên nghiệp”, anh Tăng Minh Trí tâm sự. “Mặc dù đã trang bị đồ bảo hộ nhưng không phải không nguy hiểm. Mỗi khi đi lấy ong đều phải kiểm tra kỹ lưỡng đồ bảo hộ, chỉ một vết rách là ong có thể chui vào đánh mình. Ong này đánh không bỏ kim, do đó chỉ một con chui vào cũng có thể đánh rất nhiều vết, chết người chứ không đùa đâu”, anh Trí cho biết thêm./.

Đặng Duẩn

Ðộc đáo chùa cổ Vĩnh Tràng

Toạ lạc tại đường Nguyễn Trung Trực, phường Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, chùa Vĩnh Tràng là ngôi chùa cổ lớn nhất tỉnh Tiền Giang, được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hoá Quốc gia ngày 30/8/1984.

Gành Ðá Ðĩa điểm check-in thú vị

Gành Ðá Ðĩa là một trong những điểm du lịch nổi tiếng tại tỉnh Phú Yên. Ðây là địa danh không thể bỏ qua với những người yêu thích thiên nhiên và đam mê khám phá vẻ đẹp kỳ vĩ của các hiện tượng địa chất.

Di tích quốc gia đặc biệt tháp Vĩnh Hưng

Toạ lạc tại ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu (cách Quốc lộ 1 từ cầu Dần Xây khoảng 15 km), tháp Vĩnh Hưng là một tháp cổ có kiến trúc tháp thuộc nền văn hoá Óc Eo còn sót lại duy nhất ở Tây Nam Bộ, khung niên đại từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII sau Công nguyên.

Dấu ấn du lịch Sóc Trăng

Những năm gần đây, du lịch Sóc Trăng đã hình thành một số cụm du lịch như: du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch miệt vườn, du lịch biển... Sóc Trăng không chỉ là nơi cho những ai yêu thích, khám phá giá trị văn hoá đa dạng, nhiều màu sắc, mà còn là nơi dừng chân tuyệt vời cho những ai yêu thích thiên nhiên, chốn yên bình...

Kỳ vĩ Phong Nha - Kẻ Bàng

Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), một trong những khu vực nổi bật của di sản thế giới tại Việt Nam, nổi tiếng với hệ thống hang động ngoạn mục và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.

Thú vị chuyến khám phá Cù lao An Bình

Cù lao An Bình có diện tích khoảng 60 km2, bao gồm 4 xã: An Bình, Bình Hoà Phước, Hoà Ninh, Ðồng Phú thuộc địa phận huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Hồn đất trên Gốm chùa Ðồng Nai

Tại sao có tên gọi Gốm chùa? Chỉ đơn giản là sản phẩm gốm được tạo tác bởi những đôi tay, khối óc của các tu sĩ trong một ngôi chùa tại Ðồng Nai - chùa Tăng Hội.

Trọn lòng yêu kính Bác

Xuôi dòng lịch sử, đầu tháng 9/1969, sau khi nhận tin Bác Hồ từ trần, người dân xã Long Ðức (nay thuộc TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) vô cùng tiếc thương, để tang, cùng nhau nấu cơm cúng và lập bàn thờ tại nhà thờ Bác theo phong tục địa phương. Nhiều người bày tỏ nguyện vọng xây dựng đền thờ để tưởng nhớ Bác. Ðến đầu năm 1970, Thị uỷ Trà Vinh họp và quyết định xây dựng đền thờ.

Hải Vân Quan - “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

Hải Vân Quan (cổng quan trên đèo Hải Vân), công trình được vua Minh Mạng xuống chỉ cho xây dựng vào tháng 2 năm Bính Tuất (1826). Phía trước cổng quan viết 3 chữ "Hải Vân Quan", phía sau viết 6 chữ "Thiên hạ đệ nhất hùng quan", hai bên tả hữu xếp đá làm tường, trước sau liền nhau. Muốn vượt qua ải Hải Vân đều phải qua hai lần cửa xây bằng gạch theo lối vòm cuốn, giống cửa ở kinh thành Huế, nhưng không có vọng lâu, bên trên cửa là sân thượng dùng để quan sát bốn phía, có xây bậc thang lên xuống.

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Nơi lưu giữ hiện vật lịch sử đặc biệt

Toạ lạc gần Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh (TP Hà Nội) là nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tài liệu, hình ảnh và thông tin liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như các phong trào yêu nước khác.