ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 22-4-25 20:14:41
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thú vị vườn chim Tư Sự

Báo Cà Mau (CMO) Cuối tuần, tôi ghé thăm anh bạn có ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa vườn cò. Cảm giác đi dưới những tán cây rợp bóng mát hoà lẫn những âm thanh xoạc cánh, gọi nhau của bầy cò trắng, cồng cộc... như đưa tôi lạc vào thế giới khác ngập tràn nhựa sống, bình yên đến lạ.

Anh Trương Minh Thắng, chủ vườn chim Tư Sự (toạ lạc tại ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) cười khanh khách khi thấy tôi đến sớm, vì anh biểu tôi tới lúc tầm 4-5 giờ chiều để thoả sức ngắm nhìn những đàn chim lũ lượt bay về tổ. Chúng bay trật tự, tách biệt giữa sắc lông, chủng loại và theo đội hình ngộ nghĩnh, thú vị.

Kinh tế thân thiện môi trường

Anh chỉ tay về phía những tán cây gừa, cây sộp, thuyết minh một tràng: "Màu trắng tinh kia là của cò ngà, còn màu đen như dầu hắc là của cồng cộc... Anh trêu: “Thôi chịu khó ngồi ôm máy ảnh rình, sẽ không khó bắt gặp cảnh chim mẹ mớm thức ăn cho con khi chúng đang háo hức vẫy cánh chờ đợi con mồi trong các tổ chim nằm trên ngọn cây”.

Du khách rất thích thú khi được tham quan vườn cò bằng xuồng ba lá. Ảnh:  Băng Thanh.

Lần đầu tôi vô đây là đầu năm 2013, lúc đó anh Thắng còn là Bí thư Chi đoàn ấp, là tổ trưởng Tổ hợp tác Toàn Thắng với “mô hình” cả gia đình cùng làm kinh tế, cùng sản xuất kinh doanh. Và hiệu quả mang đến không chỉ cho 3 hộ gia đình gồm 8 thành viên của tổ, mà còn giúp đoàn viên, thanh niên trong ấp vận động gia đình cùng áp dụng “mô hình”, tăng thu nhập mỗi năm vượt hơn 100 triệu đồng.

Từ đó tới nay, các tổ viên của anh làm nên lợi nhuận từ 200-300 triệu đồng/năm từ con tôm, cây lúa, rồi cua, cá tạp trong diện tích nuôi trồng của gia đình. Thời điểm đó, mặc dù đã có vườn chim cò này với diện tích hơn 3 ha (vườn chim hình thành từ năm 2004) nhưng đến tận bây giờ, anh chưa từng nghĩ đến việc khai thác lợi ích từ chim cò, hay có ý định phá vỡ “tổ ấm” của chúng, mà chủ yếu chỉ khai thác nguồn lợi cá tạp với mỗi năm lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.

Chim cò cũng có cảm tính, cảm thấy an toàn chúng sẽ ở lâu. Ảnh: Thanh Quang

Tôi nhớ, anh từng chia sẻ dự tính trồng thêm 2 ha rừng tràm nữa để chim trú ngụ đông hơn, sau mới tạo cảnh quan sinh thái mời gọi khách du lịch đến tham quan vì anh không muốn ảnh hưởng đến tập quán sống của các loài chim cò vẫn quen sống bình yên. Đến nay, anh đã làm được, diện tích vườn giờ hơn 5 ha và anh đang trồng thêm 1 ha rừng tràm nữa.

Theo anh, chim cò "thương mến" chủ nhà, nên mở đất đến đâu, chúng lũ lượt kéo về làm tổ đến đó. Hiện vườn quy tụ nhiều giống loài với số lượng hàng chục ngàn con, chủ yếu là cò, còng cọc, vạc, điên điển...

Hiện vườn quy tụ rất nhiều giống loài, chủ yếu là cò, còng cọc, vạc, điên điển...Ảnh: Băng Thanh

Tôi hỏi: “Dự án du lịch sinh thái, cộng đồng của anh tới đâu rồi?”. Biết tôi nửa thật nửa đùa, anh đưa đà: “Tới... quán cà phê rồi đó”. “Em nghe nói có nhiều người lui tới ý định đầu tư làm du lịch cùng anh, sao anh lại từ chối?”. Anh Thắng cười bộc bạch, anh muốn làm du lịch thiệt, mặc dù còn “non” kinh nghiệm, nhưng hễ ai ngỏ ý đầu tư mà muốn tác động đến vườn cò là anh lắc đầu thẳng thừng.

“Cha tôi quý vườn cò như hơi thở của ông. Chúng là niềm vui, là tài sản vô giá. Nếu chỉ vì lợi ích kinh tế mà làm lũ cò “giận” bỏ đi hết, thì thôi, giữ vườn yên bình vậy vẫn hơn”, anh Thắng quả quyết. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, gia đình anh Thắng chỉ mới đầu tư thêm đường nội bộ, bãi đậu xe và mở quán cà phê để khách dừng chân. Còn dự định mở dịch vụ ăn uống đáp ứng nhu cầu phần đông khách đến thì anh đang suy tính nhiều phương án để đầu tư đúng hướng, đúng cách.

Có pa-nô du lịch, bảng hướng dẫn chỉ đường và được Sở VH-TT&DL cùng UBND huyện tạo điều kiện làm du lịch, nhất là kỹ năng, phương pháp làm du lịch. Anh Trương Minh Thắng xem đây là bước khởi đầu thuận lợi, hướng tới anh sẽ đi học hỏi kinh nghiệm ở những địa phương khác về cách làm du lịch cộng đồng, sau nữa sẽ nhờ sự hỗ trợ của ngành chuyên môn cải tạo, khai thông kinh mương, vệ sinh môi trường... tạo điều kiện tốt nhất để bảo tồn, chăm sóc chim cò...

Xuyên suốt câu chuyện, anh Thắng cứ huyên thuyên về những dự định cho tương lai, nhưng tính thế nào cũng là bảo vệ, gìn giữ nguyên vẹn vườn cò, còn các dịch vụ bổ sung anh sẽ đầu tư ở phần đất khác của gia đình. Nghe anh tính vậy, tôi mừng trong bụng, bởi đây là hướng đi bền vững, phù hợp với quy hoạch du lịch của tỉnh. Tôi hẹn anh ngày gặp lại, tôi sẽ là du khách, còn anh là hướng dẫn viên của vườn. Anh Thắng cười, gật đầu thay lời hứa.

Bảo tồn không phải dễ

Tính hết cả tỉnh Cà Mau giờ có mấy nơi còn “đất lành chim đậu”. Có được sân chim Đầm Dơi nhưng nay chỉ còn số ít; mấy năm gần đây có vườn chim ở hộ du lịch cộng đồng Đất Mũi cũng không “giữ chân” được; vườn chim tư nhân Tư Na ở Năm Căn thì chủ vườn khai thác chim cò làm nguồn lợi kinh tế; chỉ có mỗi vườn chim trong lòng thành phố là được sự bảo vệ, quản lý chặt chẽ của các ngành chức năng tỉnh, không chỉ là nơi trú ngụ của nhiều loài chim mà còn là điểm đến tham quan ấn tượng của du khách khi đến Cà Mau.

Anh Lê Phú Ân, bác sĩ thú y, trực tiếp quản lý, bảo vệ vườn chim thành phố, cho hay, hằng năm, vườn được cải tạo, đào mới và khai thông kinh mương, cũng như trồng thêm cây cối, đào kinh bảo vệ, tăng cường kiểm tra, canh gác ngày đêm để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chim về đây trú ngụ an toàn.

Anh Ân gắn bó với vườn đã hơn 10 năm, anh thông tin, hiện vườn có hơn 3 ha với gần 20 loài: cò, vạc, còng cọc, bạc má, diệc lửa, diệc xám, điên điển... Chúng sinh sản theo mùa, anh theo đó làm công tác thuần dưỡng con con, kể cả việc chăm sóc khi các con chim non yếu sức, bổ sung nguồn thức ăn, nước sạch, dẫn dụ những loài khác.

Theo anh Ân, phát huy giá trị sinh thái của vườn chim để làm du lịch là hướng đi bền vững, lâu dài, nhưng việc làm này cần có tính chuyên môn, khoa học. Thiết nghĩ, bảo tồn và phát huy vườn chim để phát triển du lịch là lý tưởng, bởi loại hình du lịch này rất riêng biệt, không thể nhầm lẫn bất cứ loại hình du lịch sinh thái nào.

Băng Thanh

Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho biết, đối với vườn chim Tư Sự, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh bổ sung điểm du lịch cộng đồng này vào quy hoạch du lịch của tỉnh. Hiện sở đã phối hợp với UBND huyện Thới Bình hướng dẫn, tạo điều kiện giúp đỡ gia đình anh Trương Minh Thắng thực hiện mô hình du lịch này; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cáo ý thức bảo vệ, bảo tồn các loài chim, hạn chế tối đa việc săn bắt, mua bán trên địa bàn; quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn xử lý môi trường, đảm bảo việc lưu trú lâu dài; tích cực thực hiện giải pháp phòng chống dịch bệnh khi thời tiết bất thường có thể xảy ra.

 

Du lịch Cà Mau sôi động dịp nghỉ lễ

(CMO) Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày, dù thời tiết khá bất lợi do mưa nhiều nhưng lượng khách đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn rất đông. Các điểm dịch vụ phục vụ khách tham quan chu đáo, an toàn, giá cả hợp lý, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Quảng bá du lịch bằng âm nhạc

(CMO) Ðể du lịch Cà Mau được quảng bá rộng và theo hình thức thú vị hơn, tiệm cận với giới trẻ hơn, một nhóm bạn trẻ đã triển khai những sản phẩm giới thiệu và làm mới hình ảnh Cà Mau với bạn bè khắp nơi bằng âm nhạc.

Khơi thông tiềm lực kinh tế du lịch

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh xem xét thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Nạp năng lượng cho con vào năm học mới

(CMO) Trong kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình đã đưa con đi du lịch hoặc rời thành phố về quê để các con được khám phá, trải nghiệm, bổ sung kiến thức trực quan sinh động, từ đó khuyến khích con học tập tích cực. Đây còn là dịp để gia đình gắn kết, có thêm nhiều kỷ niệm đẹp.

Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau: Phát huy kinh tế biển

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Hướng bền vững cho du lịch sinh thái cộng đồng

(CMO) Du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCÐ) là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hoá địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường. Với khách du lịch, DLSTCÐ tạo cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hoá, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa. Vì vậy, DLSTCÐ chính là nét tinh tuý của du lịch sinh thái và du lịch bền vững.

Ðất Mũi bứt phá đầu tư hạ tầng du lịch

(CMO) Xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, đạt chuẩn đô thị loại V, đây là tiền đề để địa phương bứt phá phát triển. Cùng với lợi thế và tiềm năng du lịch sẵn có, Ðất Mũi đang được cấp trên đầu tư vốn để xây dựng các hạng mục trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Du lịch Cà Mau - Bài toán giữ chân du khách

(CMO) Trong những ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5, du lịch Cà Mau tăng mạnh về số lượng du khách lẫn doanh thu, nhưng bài toán nan giải vẫn là câu chuyện duy trì sức hút và giữ chân khách du lịch sau đó.

Hướng đến du lịch thân thiện môi trường

(CMO) Thời gian qua, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống rác thải nhựa, hướng đến du lịch thân thiện môi trường.

Tạo đột phá phát triển du lịch

(CMO) Sau 2 năm thực hiện Chương trình số 10-Ctr/HU của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện về phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, du lịch huyện Trần Văn Thời đã có bước phát triển đáng ghi nhận, đảm bảo đúng định hướng của tỉnh, của huyện và là một trong những ngành chuyển biến tích cực về tốc độ tăng trưởng.