(CMO) Nhằm phát triển công nghệ thông tin (CNTT), tạo đà thực hiện thành công lộ trình chuyển đổi số (CÐS), thời gian qua, tỉnh thực hiện các bước đi phù hợp, trong đó tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT, triển khai các thành phần cốt lõi, cấu trúc nền tảng cũng như triển khai các ứng dụng tương thích theo từng ngành, lĩnh vực. Ðây cũng là cơ sở quan trọng nhằm hình thành và phát huy tính hiệu quả của Chính quyền điện tử. Trên cơ sở thực tế, hàng năm tỉnh điều chỉnh kế hoạch với nhiều giải pháp quan trọng.
Mục tiêu chung đặt ra là ứng dụng CNTT xây dựng hệ thống thông tin phục vụ hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong tỉnh một cách hiệu quả và hiện đại. Hệ thống thông tin phục vụ cho việc xử lý nghiệp vụ của cán bộ, công chức; phục vụ giao dịch giữa cơ quan với cơ quan Nhà nước; giữa Nhà nước với doanh nghiệp; giữa Nhà nước với công dân.
Ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính. Hoàn thiện các hệ thống thông tin về các đối tượng quản lý để làm cơ sở đổi mới thủ tục hành chính. Tin học hoá các thủ tục hành chính giúp công tác quản lý của cán bộ, công chức nhanh gọn, chính xác; công dân, doanh nghiệp giao dịch với cơ quan Nhà nước nhanh chóng, thuận tiện.
Cà Mau đã triển khai 7 ứng dụng cho ngành y tế, gồm các phần mềm: quản lý khám chữa bệnh BHYT VNPT-HIS; quản lý y tế cơ sở và hồ sơ sức khoẻ điện tử, tạo lập được hơn 1 triệu hồ sơ sức khoẻ điện tử, đạt 93%. |
Ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: “Kiến trúc, ứng dụng nền tảng phục vụ CÐS bước đầu đã được đầu tư và từng bước phát triển. Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau 2.0 xác định quá trình chuyển đổi về trạng thái ứng dụng CNTT của bộ máy chính quyền tỉnh Cà Mau từ trạng thái hiện tại tới trạng thái đích năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của tỉnh, đẩy nhanh quá trình CÐS trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính quyền một cách hiệu quả”.
Cùng với đó, địa phương đã triển khai giải pháp chuyển đổi IPv6 nhằm đảm bảo khả năng mở rộng (không bị giới hạn số lượng truy cập cùng lúc, địa chỉ truy cập) cho phép các cơ quan, người dân, doanh nghiệp có thể truy cập hệ thống sử dụng địa chỉ IPv6 của tỉnh. Triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) kết nối được với các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua trục NGSP như: cơ sở dữ liệu quốc gia về Ðăng ký doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật; cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách; hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan Nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử; hệ thống của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
Ngày 3/12/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 137/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình CÐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ông Trần Quốc Chính cho biết thêm: “Căn cứ vào Kế hoạch ứng dụng CNTT và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất UBND tỉnh phân khai từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế ứng dụng CNTT để tổ chức triển khai các nhiệm vụ, dự án trong năm. Kinh phí dành cho ứng dụng CNTT mỗi năm khoảng 30 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng chi ngân sách tỉnh. Qua đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, đối với việc phát triển hệ thống nền tảng, đã triển khai nền tảng điện toán đám mây tại Trung tâm dữ liệu tỉnh, sử dụng giải pháp công nghệ ảo hoá. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) đang tiếp tục phát triển hoàn thiện và bước đầu đã kết nối API với các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin như: hộ tịch tư pháp; lý lịch tư pháp; văn bản quy phạm pháp luật; bảo hiểm xã hội; đăng ký doanh nghiệp; cấp mã số cho đơn vị có quan hệ ngân sách; thanh toán quốc gia…”.
Ðể hoàn thành các mục tiêu quan trọng trong CÐS đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Cà Mau cũng đã và đang quyết liệt triển khai nhiều nhóm giải pháp quan trọng. Trong đó, địa phương xác định phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy CÐS nhanh, hiệu quả.
Theo đó, để đạt được mục tiêu này, địa phương xác định nhiệm vụ quan trọng là phát triển, hoàn thiện nền tảng LGSP kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong nội bộ địa phương và kết nối với nền tảng quốc gia (NDXP) theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam để trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan bên ngoài. Từng bước mở dữ liệu của các cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân khai thác tạo ra các dịch vụ, sản phẩm phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp nhằm lưu trữ tập trung từ các nguồn khác nhau; từ đó, tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ Chính quyền số, hướng tới việc hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh. Ðảm bảo kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu, nền tảng số của bộ, ngành để tăng hiệu quả CÐS, tránh trùng lặp trong các lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số như: y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải...
Văn Ðum