(CMO) Dưới ánh đèn lung linh của sân khấu, hàng chục con người say sưa với từng nhịp vũ đạo, mặc kệ những giọt mồ hôi nhễ nhại, những nụ cười rạng rỡ trên môi cứ nối tiếp.
Tất cả cùng uyển chuyển, phối hợp thật ăn ý để hoà vào tiếng nhạc lời ca, rồi vui sướng mỗi khi nhận được những tràng pháo tay. Đó là niềm vui từ nghề múa của những nghệ sĩ chuyên và không chuyên ở Trung tâm Văn hoá tỉnh Cà Mau.
Nghề của những đòi hỏi khắt khe...
Để trở thành một diễn viên múa thực thụ có nhiều đòi hỏi rất khắt khe, những yêu cầu được đặt lên hàng đầu là sự khéo léo, dẻo dai và tính cảm thụ âm nhạc thật tốt, diễn xuất phải chân thật trong từng động tác cộng lẫn với sự tưởng tượng phong phú.
![]() |
Diễn viên múa Trung tâm Văn hoá tỉnh tham gia hội diễn Văn nghệ quần chúng. |
Trên sân khấu là những đôi mắt biết cười, đôi chân lả lướt, nhưng khi rời xa ánh đèn sân khấu là tiếng lòng nặng trĩu và những bước đi rướm máu. Họ phải liên tục ép dẻo trong suốt quá trình làm nghề, có thể nói cơ thể lúc nào cũng trong tình trạng mỏi nhừ, đau nhức. Để có được bài diễn trong một ít phút, họ phải bỏ ra nhiều tháng dài để tập luyện. Đối với họ “sai một ly đi một dặm”, thế nên chỉ vỏn vẹn vài phút nhỏ nhưng họ vẫn chinh phục nó để làm mãn nhãn những người luôn dõi theo.
Diễn viên múa Lam Thuyên cho biết: “Lúc vào nghề tôi mới 10 tuổi nên ngỡ ngàng với mọi thứ. Tôi vẫn nhớ như in ngày cả lớp được cô tập ép dẻo, ám ảnh với những tiếng hét toáng lên vì đau cơ và chỉ biết khóc. Ấy vậy mà múa đã thành cái nghiệp đeo theo tôi suốt 12 năm qua”. Có những kỷ niệm đó mới thấy được sự vất vả của bộ môn này như thế nào. Với nghề này, chấn thương là điều không tránh khỏi bởi thị hiếu của người xem ngày càng cao, muốn chinh phục được họ, diễn viên càng tăng độ khó trong động tác. Thế là những vết u bầm, loét da cứ thế xuất hiện.
Không giấu được phấn khởi, diễn viên Vĩnh Tế chia sẻ: “Nhớ những lần đi tập múa phải nói dối cha mẹ, vì không ai ủng hộ nghề này. Nhưng cái nghề nó chọn mình thì mình cũng phải xuôi theo nó”.
Chấn thương còn đó, nguy hiểm vẫn còn đó mà họ vẫn theo đuổi đến cùng. Có những khó khăn như thế mới tạo nên những màn trình diễn hết sức hấp dẫn nhưng vô cùng tinh tế mà diễn viên múa đã tạo ra. Dưới ánh đèn sân khấu, tiết mục múa thường là sự phối hợp nhiều người, với những trang phục cầu kỳ nhưng chẳng mấy ai biết hay quan tâm họ là ai, đến từ đâu, tên gì... Nhưng trong tâm mỗi người vẫn muốn góp phần cho loại hình nghệ thuật đầy gian truân này cùng với lòng đam mê cháy bỏng.
Tô đẹp thêm "khu vườn nghệ thuật"
Tại Trung tâm Văn hoá tỉnh Cà Mau có hơn 30 cộng tác viên trong lĩnh vực múa. Đa số các bạn còn rất trẻ, độ tuổi từ 16 đến 22, có bạn là học sinh, sinh viên trong đội văn nghệ của các trường đại học, vì có tinh thần yêu nghệ thuật nên sẵn sàng theo đuổi. Thuỳ Dương, cộng tác viên của Trung tâm Văn hoá tỉnh, chia sẻ: “Mình mê múa lắm! Nhớ thời học cấp 2, được trường chọn đi múa cho Liên hoan Tiếng hát Hoa phượng đỏ. Duyên trời được NSƯT Vũ Thị Thanh Hồng dạy múa cho mình suốt 3 năm. Cô dạy cho mình từ cơ bản đến nâng cao, rồi lớn lên gia đình không cho theo nghề. Vậy là khi có thời gian rảnh rỗi mình lại tham gia các chương trình nghệ thuật của tỉnh khi được mời”.
![]() |
Buổi tập luyện của diễn viên múa Trung tâm Văn hoá tỉnh Cà Mau. |
Có chứng kiến những buổi tập múa mới thấy hết sự tập luyện chăm chỉ và bài bản của những diễn viên múa “tay ngang” ở đây. Những con người điều kiện tiếp cận xa xôi với nền nghệ thuật nhưng họ vẫn miệt mài để cho ra đời những tác phẩm ca ngợi về đất nước, về con người và vùng đất Cà Mau. Lực lượng diễn viên múa này đã mang về cho tỉnh nhà biết bao Huy chương Vàng, Bạc trong các “Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc” hay các liên hoan “Tiếng hát hẹn hò chín dòng sông” và đặc biệt hơn là các cuộc thi múa không chuyên toàn quốc.
Thành tựu, đóng góp là thế, tuy nhiên vẫn còn nhiều mặt hạn chế và những thách thức đặt ra cho bộ môn nghệ thuật múa tại tỉnh nhà. Bởi lẽ, đam mê là một chuyện nhưng để sống được với nó lại là chuyện khác. Là cộng tác viên, suất diễn không nhiều nên những sinh viên khi ra trường đều tìm cho mình những công việc ổn định, có thể vừa đi làm, vừa theo đuổi nghề múa. Việc xem múa là nghề chính trở nên rất ít và giảm dần, từ đó gây khó khăn trong việc tìm kiếm những tài năng mới để bồi dưỡng, phát triển.
Bạn Vũ Đạt, cộng tác viên múa của Trung tâm Văn hoá tỉnh, phân trần: “Chương trình nghệ thuật ở tỉnh đang dần thiếu vắng lực lượng múa, bởi việc truyền thông về bộ môn nghệ thuật này chưa nhiều. Bên cạnh đó, việc thành lập câu lạc bộ múa để tạo sân chơi cho những bạn trẻ có cùng đam mê chưa ai làm đầu mối tổ chức”.
Biên đạo múa Ngọc Bích bùi ngùi nhớ lại: "Những năm trước, cộng tác viên múa đăng ký đông đến nỗi ghi gần 2 trang giấy A4 vẫn chưa hết người. Bây giờ thì khác rồi. Có lẽ do không có những lớp giảng dạy múa, chưa tạo sân chơi sinh hoạt thường xuyên cho những bạn yêu thích bộ môn này nên phong trào lắng dịu so với trước. Song, cá nhân tôi nhận thấy rằng, tiềm năng về lực lượng trẻ đam mê bộ môn nghệ thật múa vẫn rất đông, vấn đề là chúng ta phải tạo điều kiện khơi gợi, hỗ trợ để niềm đam mê ấy toả sáng"./.
Khắc Vỹ