(CMO) Từ ngày 1/6, người dân đi khám chữa bệnh (KCB) có thể sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trên ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VssID) thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT bằng giấy. Ðây là một trong những cải tiến của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nhằm mong muốn đem lại thuận lợi cho cơ sở KCB và người dân tham gia BHYT.
Phó giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau Dương Minh Tùng chia sẻ, qua khảo sát cho thấy việc sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB được người bệnh và cơ sở KCB hưởng ứng tích cực, do hiệu quả rõ ràng, như nhanh, gọn, chính xác, tiện lợi và chứa nhiều thông tin bổ ích. Hiện tại, cơ sở KCB vẫn song hành thực hiện KCB bằng thẻ giấy BHYT, hoặc thẻ điện tử sau khi cài đặt VssID.
Tại Bệnh viện Ða khoa Hoàn Mỹ Minh Hải, khoảng 97% nhân viên bệnh viện đã cài đặt VssID. Trưởng phòng BHYT, Bảo hiểm tư nhân Nguyễn Tuyết Hằng cho biết: “Sau khi nhận được công văn của BHXH Việt Nam về việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho thẻ BHYT giấy khi đi KCB BHYT, bệnh viện đã triển khai đồng bộ đến toàn thể khoa, phòng trong bệnh viện trên hệ thống email của Hoàn Mỹ để khi có khách hàng sử dụng VssID trong KCB BHYT. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 5-7 người dân sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi KCB tại bệnh viện”.
Trung bình mỗi ngày khoảng 5-7 người dân sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám bệnh tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Minh Hải. |
Ðến khám bệnh tại Bệnh viện Ða khoa Hoàn Mỹ Minh Hải, bà Nguyễn Thị Nàng (xã An Xuyên, TP Cà Mau) chia sẻ: “Trước đây sử dụng thẻ BHYT bằng giấy thủ tục rườm rà, có khi đi KCB lại quên mang theo thẻ. Còn hiện tại thì không sợ quên mang theo thẻ BHYT khi đi KCB nữa, khi đó chỉ cần mở ứng dụng VssID trên điện thoại và đưa cho nhân viên bệnh viện quét mã thẻ BHYT trên ứng dụng là có thể đăng ký KCB”.
Mặc dù việc triển khai thẻ BHYT trên ứng dụng VssID giúp cơ sở y tế tiếp nhận thủ tục KCB nhanh chóng, tuy nhiên cũng gặp không ít vướng mắc. Theo bà Nguyễn Tuyết Hằng, khi người dân sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để đăng ký KCB, bệnh viện khó kiểm soát được tình trạng trốn viện đối bệnh nhân nội trú do không giữ thẻ BHYT gốc như trước đây, cũng như không kiểm soát được việc KCB trùng huyện trong ngày giữa các cơ sở KCB BHYT.
Về vấn đề này, Bác sĩ CK1 Trần Thanh Sang, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau, chia sẻ, việc triển khai sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID trong KCB về phía người bệnh rất tiện lợi, tuy nhiên, đối với cơ sở KCB gặp một số khó khăn. Cụ thể, khi thực hiện dịch vụ kỹ thuật xong, một số người bệnh không ở lại chờ kết quả để bác sĩ chẩn đoán bệnh và chỉ định thuốc, sau đó người bệnh phải đóng số tiền cùng chi trả để bệnh viện tất toán hồ sơ thanh toán BHYT, cho nên có thể bệnh viện sẽ bị thất thoát phần này.
Do những khó khăn trên, được sự chỉ đạo của Giám đốc Bệnh viện, bệnh viện sẽ tiếp tục cải tiến quy trình KCB 1313 của Bộ Y tế, cụ thể là sẽ thiết lập thêm 1 chương trình phần mềm để người bệnh tạm ứng chi phí cùng chi trả trước khi thực hiện dịch vụ kỹ thuật.
Bác sĩ Trần Thanh Sang nêu ví dụ: Khi người bệnh đến bệnh viện đăng ký khám bệnh, sau đó được chỉ định đến phòng khám Khoa Nội thần kinh, khi đó người bệnh được chỉ định chụp Citi Sanner có giá khoảng 1,2 triệu đồng. Khi đó người bệnh sẽ phải đóng trước 240.000 đồng (phần này tạm thu cùng chi trả). Khi thực hiện dịch vụ kỹ thuật xong, có kết quả cận lâm sàng và phối hợp với lâm sàng, bác sĩ sẽ tổng hợp để đưa ra kết quả điều trị sau cùng. Khi có kết quả cuối cùng sẽ xem xét lại phần cùng chi trả tạm ứng trước đó. Nếu tổng chi phí KCB cao hơn thì người bệnh phải đóng số tiền cùng chi trả đúng theo mức hưởng BHYT của người bệnh. Còn nếu tổng chi phí KCB thấp hơn số tiền cùng chi trả đúng theo mức hưởng BHYT của người bệnh thì người bệnh sẽ được trả lại số tiền đã ứng trước đó.
“Phần mềm cải tiến quy trình sẽ đem lại hiệu quả cho cả 3 bên. Cụ thể, bệnh viện không bị thất thoát phần đóng cùng chi trả của người bệnh nếu như người bệnh bỏ không thực hiện hết quy trình KCB, khi đó bệnh viện vẫn quyết toán được phần BHYT. Ðối với người bệnh, đảm bảo được quy trình khám bệnh, chẩn đoán bệnh rõ ràng, lấy người bệnh làm trung tâm để người bệnh được điều trị tốt nhất. Về phía BHXH, sẽ được bệnh viện chuyển đầy đủ chứng từ để thanh toán KCB BHYT”, Bác sĩ Trần Thanh Sang cho biết.
Việc cơ sở KCB do không giữ thẻ BHYT nên nguy cơ trốn viện, không hoàn thành quy trình KCB ngoại trú dẫn đến bệnh viện không đủ chứng từ thanh toán BHYT là điều có thể xảy ra. Ðể hạn chế vấn đề này, theo ông Dương Minh Tùng, các cơ sở KCB cần rà soát lại quy trình KCB BHYT, nâng cao chất lượng KCB, tư vấn quyền lợi và trách nhiệm khi bệnh nhân đến KCB, nhất là ngay khi bệnh nhân nhập viện. Ðồng thời, cập nhật thông tin người bệnh rõ ràng, chính xác vào hồ sơ bệnh án, nhất là số điện thoại, địa chỉ để liên lạc khi cần thiết. Ðẩy mạnh thực hiện số hoá trong KCB như chẩn đoán, chỉ định cận lâm sàng và trả kết quả trên hệ thống phần mềm. Trả kết quả tại khâu cuối cùng sau khi hoàn thành thủ tục KCB./.
Hồng Phượng