(CMO) Thú chơi cổ vật rất kén người, nhưng nếu ai đã đam mê thì cổ vật có một sức hút kỳ lạ. Được thành lập vào năm 2007, Câu lạc bộ Cổ vật TP Cà Mau là nơi sinh hoạt chung để những người có cùng đam mê chia sẻ kinh nghiệm sưu tầm đồ cổ, lan toả tình yêu quê hương, đất nước, lưu giữ những giá trị văn hoá của đất nước.
Sưu tầm cổ vật từ lâu đã được người đam mê xem đó là một thú chơi tao nhã. Người chơi có những giây phút lắng lòng khi được nâng niu, ngắm nhìn những món đồ tồn tại qua nhiều thế kỷ.
Tại Cà Mau, theo nhiều quan niệm của người sưu tầm, cổ vật mang nhiều dấu ấn của người đi mở cõi, giao thương mua bán trong nhiều giai đoạn. Dù có nhiều quan niệm sưu tầm cổ vật khác nhau, nhưng người đam mê đều xem thú chơi này như là cách tìm về lịch sử.
Ông Bùi Quốc Thắng trân trọng, nâng niu từng món cổ vật. |
Là người đam mê cổ vật bằng gỗ từ rất sớm tại Cà Mau, ông Bùi Quốc Thắng, ngụ Phường 9, TP Cà Mau, kể: “Thú chơi đồ cổ của tôi bắt nguồn từ kỷ vật mà ông nội để lại. Khi ông nội tôi qua đời vào năm 1985, tôi được ông cho chiếc bàn cẩm thạch, nó xuất hiện khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Năm 1987, tôi chuyển từ Bạc Liêu về Cà Mau sinh sống, chiếc bàn ấy cũng theo tôi về đây. Nhà lúc đó khó khăn lắm, chúng tôi xem đó là cả một gia tài lớn của gia đình. Mặc dù nhiều người biết tôi có món đồ quý giá ngỏ ý mua nhưng tôi nhất quyết không bán vì đó là kỷ vật của ông để lại”.
Từ chiếc bàn cẩm thạch ấy, ông Thắng bắt đầu sưu tầm thêm nhiều món cổ vật khác như ấm trà, bình hoa, khay trầu để trưng lên bàn. Niềm đam mê cổ vật trong ông cũng xuất phát từ quá trình tìm hiểu sâu về xuất xứ, chất liệu của chúng. Ông Thắng quan niệm: “Đánh giá hay thẩm định về một cổ vật nó còn tuỳ thuộc vào quan niệm riêng của từng người chơi. Chơi đồ cổ là một thú chơi tao nhã mà mỗi người đều có một cá tính, phong cách, độ nhạy bén khác nhau để nhận định về cổ vật”.
“Để có thể đánh giá đúng giá trị của một món cổ vật đòi hỏi người chơi phải có kiến thức về lịch sử, cảm quan nhạy bén. Đối với tôi, để tìm được xuất xứ rõ ràng của một món đồ gỗ, thì trước tiên người chơi phải biết được chất gỗ là loại cây gì, kiểu dáng, độ mọng (mấu nối giữa các thanh gỗ). Khi quan sát tỉ mỉ, người chơi có thể đoán được nguồn gốc của cổ vật ra đời vào thập niên nào, ở đất nước, thời đại nào…”, ông Thắng chia sẻ.
Là người trẻ tuổi thích sưu tầm cổ vật, anh Ngô Văn Đen, ngụ Phường 7, TP Cà Mau, tâm sự: “Bất cứ ai khi đam mê một lĩnh vực nào thì sẽ luôn tìm tòi nghiên cứu và không ngừng học hỏi kinh nghiệm. Đam mê chơi đồ cổ tuy là thú chơi tao nhã nhưng lại kén người tham gia. Bởi, chính những nét xưa cũ, cổ kính, giá trị thời gian của từng loại đồ vật nên rất cần những ai am hiểu nguồn cội, biết tư duy logic, quan trọng là có lượng lớn về kiến thức lịch sử. Đối với tôi, đam mê cổ vật giúp bản thân giải toả áp lực công việc, tìm được những phút giây yên bình trong cuộc sống”./.
My My