ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 6-12-24 02:15:48
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tìm giải pháp nâng chất lượng thi tốt nghiệp THPT

Báo Cà Mau Năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt 99,11%, giảm so với 2 năm gần nhất là 2022 (99,16%) và 2023 (99,22%), nhưng tỷ lệ điểm trung bình của tất cả các bài thi/môn thi tăng so với 4 năm liền kề. Từ đó cho thấy, chất lượng dạy và học tăng lên. Theo tổng hợp, điểm trung bình chung trong 5 năm cao hơn 0.01 điểm, xếp hạng trên 1 bậc so với khu vực và cả nước.

Theo ông Nguyễn Thanh Luận, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), bên cạnh những mặt tích cực, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh trong nhiều năm qua vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của ngành. Cụ thể, trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT còn thấp so với khu vực và cả nước; tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2024 so với các năm trước có phần giảm. Theo đánh giá về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 thì chỉ tiêu điểm thi trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh ở mức “tiêu cực”, đây là một thông số đòi hỏi toàn ngành phải quan tâm và có giải pháp quyết liệt trong thời gian tới.

Năm 2025 là năm đầu thực hiện thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, học sinh cần được ôn tập và thi thử để làm quen với các dạng câu hỏi và đánh giá năng lực của mình. (Ảnh minh hoạ)

Năm 2025 là năm đầu thực hiện thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, học sinh cần được ôn tập và thi thử để làm quen với các dạng câu hỏi và đánh giá năng lực của mình. (Ảnh minh hoạ)

Nhìn rõ thực tế

Vừa qua, Sở GD&ÐT đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng giáo dục và cải thiện điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT”. Tại đây, ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở GD&ÐT, thông qua bảng thống kê điểm trung bình chung của từng bài thi/môn thi so sánh với khu vực và cả nước đã chỉ rõ, qua 5 năm (2020-2024) có 2 môn thấp nhất cả nước là Toán và Vật lý; riêng năm 2024, có 2 môn thấp nhất là Lý và Hoá. Ðối với trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT của tất cả bài thi/môn thi so sánh với trung bình điểm học bạ lớp 12 thì trong 5 năm qua hầu hết các môn thấp hơn.

“Từ kết quả thi và đối sánh trung bình điểm thi với trung bình điểm học bạ lớp 12, nếu môn nào, ở đơn vị, trường học nào kết quả còn thấp và có sự chênh lệch lớn thì cần tiếp tục điều chỉnh việc dạy học để nâng cao chất lượng. Ðồng thời, Sở GD&ÐT sẽ có sự chỉ đạo các đơn vị, trường học điều chỉnh việc kiểm tra đánh giá trong quá trình dạy học, bảo đảm sát hơn với năng lực của học sinh”, ông Lê Hoàng Dự nhấn mạnh.

Ðối với nguyên nhân mà trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT còn thấp, ông Lê Hoàng Dự cho rằng, việc chỉ đạo, kiểm tra nền nếp dạy và học, hoạt động dạy học, các hoạt động giáo dục khác của một vài đơn vị, trường học chưa bảo đảm sự thông suốt, nghiêm túc và có chất lượng. Trung bình điểm học bạ lớp 12 luôn cao hơn trung bình điểm thi tốt nghiệp nhưng các đơn vị, trường học chưa có giải pháp phù hợp để phát huy năng lực học tập thực sự của học sinh để áp dụng cụ thể vào kỳ thi, nhằm cải thiện điểm số của từng bài thi/môn thi, qua đó nâng dần trung bình điểm thi.

Về tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2024 giảm là do số lượng thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT dự thi nhiều hơn. Học viên của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh tăng so với những năm trước và phần đông là lớn tuổi. Bên cạnh đó phải nhìn nhận, việc tổ chức ôn tập cho đối tượng thí sinh tự do đạt hiệu quả chưa cao.

“Năm 2025 là năm thực hiện thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, là năm dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành. Vì vậy, ngay từ bây giờ cần thay đổi đồng bộ về giáo dục hướng nghiệp, quan điểm dạy và học, ôn tập ở tầm cao mới; phải đổi mới giảng dạy, kiểm tra, đánh giá các môn học, quan điểm về học (học để phát triển phẩm chất năng lực, làm người, cạnh tranh việc làm với trí tuệ nhân tạo)”, ông Dự nhận định.

Với dạng thức đề mới, đòi hỏi học sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, hạn chế được việc dùng “mẹo mực” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Tạo động lực học tập cho học sinh

Trường THPT Ðầm Dơi là trường có điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT đạt nhóm hạng đầu trong tỉnh; tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%; so với toàn quốc có 6/9 môn thi vượt tỷ lệ chung; đặc biệt là có học sinh đạt thủ khoa tốt nghiệp toàn tỉnh 2 năm liên tiếp. Thầy Phạm Việt Hưng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, trường đã đề ra hàng loạt giải pháp, trong đó chú trọng công tác tổ chức lớp học và ôn luyện, xây dựng đề cương ôn tập thi tốt nghiệp THPT; đồng thời tạo động lực học tập cho các em học sinh thông qua các phong trào thi đua...

“Muốn có kết quả thi đạt chất lượng, cần có định hướng chỉ đạo và ủng hộ kịp thời từ Sở GD&ÐT, từ chính quyền địa phương, có sự phối hợp tốt từ phụ huynh với nhà trường, có kế hoạch tổ chức và quản lý tốt, đặc biệt là sự tận tuỵ của thầy cô và nỗ lực học tập không ngừng của trò”, thầy Hưng nhấn mạnh.

Theo cô Lê Minh Huệ, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thới Bình, việc học tập, ôn luyện và củng cố kiến thức phải được thực hiện từ lớp 10 chứ không đợi đến lớp 12. Vì vậy, ngay từ năm học lớp 10, các em sẽ được trường định hướng nghề nghiệp để chọn tổ hợp môn chính xác, ít thay đổi, từ đó giúp việc biên chế lớp và sắp xếp tổ hợp khối thi ôn phụ đạo 12 sẽ phù hợp và thuận lợi hơn.

“Việc xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được trường chủ động với 32 tuần/3 giai đoạn theo học kỳ. Theo đó, việc xây dựng đề cương ôn tập phải bao quát kiến thức; đề kiểm tra phải có ma trận và đảm bảo các mức độ nhận thức, bám sát theo cấu trúc, định dạng đề thi minh hoạ năm nay của Bộ GD&ÐT”, cô Huệ cho biết thêm.

Hầu hết các trường đều đề xuất Sở GD&ÐT cần sớm có ngân hàng đề và hướng dẫn các trường tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ theo mẫu minh hoạ của Bộ GD&ÐT (dành cho khối 12). Sau khi có kết quả tốt nghiệp thống kê của tỉnh, cả nước, Sở GD&ÐT nên tổ chức buổi đánh giá kết quả đạt được của tỉnh và so với cả nước; đồng thời tổ chức khen những cá nhân, đơn vị trường có kết quả cao để tạo động lực cho các trường phấn đấu trong những năm tiếp theo.

 Ngay từ những tuần đầu năm học mới, học sinh Trường THPT Cà Mau đã được giáo viên bổ trợ kiến thức, rèn kỹ năng làm bài thi.

Ðặc biệt, hội thảo có sự tham dự của Tiến sĩ Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu (Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Là giáo viên dày dặn kinh nghiệm bộ môn Toán, ông chia sẻ, học sinh không chỉ cần kiến thức vững, mà cần năng lực học tập bộ môn này, đó là tư duy lập luận, giải quyết vấn đề, mô hình hoá toán học (tình huống thực tiễn, bài toán thực tế).

“Không riêng môn Toán, cả các môn thi khác, yếu tố cần và quan trọng hơn hết là nắm vững kiến thức cơ bản, đừng đem đề thi của các kỳ thi tốt nghiệp THPT để đánh giá phần nào là quan trọng. Ðể có kết quả thi tốt, công tác ôn thi phải triển khai bài bản, đồng thời hướng dẫn học sinh kỹ năng, rèn luyện cách thức chọn lựa câu hỏi đúng - sai, khai thác được kiến thức cơ bản ngay từ năm học lớp 10, 11. Có như vậy, các em mới có nền tảng tốt, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và những năm tiếp theo”, Tiến sĩ Trần Nam Dũng khẳng định.

Ông Nguyễn Thanh Luận nhấn mạnh, trên cơ sở so sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT các đơn vị, trường học với trung bình điểm thi của tỉnh, khu vực và cả nước, cần triển khai việc đánh giá rút kinh nghiệm nội dung ôn tập và công tác tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp THPT những năm trước để xây dựng kế hoạch, nội dung cho những năm tiếp theo phù hợp với điều kiện từng nơi. Ðối với các tổ chuyên môn, phải có kế hoạch xây dựng lâu dài trong nhiều năm, cụ thể, rõ ràng về thời gian, nội dung, phương pháp, mục tiêu phấn đấu, nguồn kinh phí... cần phân hoá mạnh và bám sát đối tượng học sinh. Với công tác dạy học của giáo viên, phải đúng mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Lấy học sinh làm trung tâm; thầy cô giáo là động lực; nhà trường làm bệ đỡ. Ðặc biệt, đội ngũ giáo viên làm công tác ôn thi phải trách nhiệm, tâm huyết và phải biết truyền lửa đam mê cho các em.

“Ngay từ bây giờ, các trường phải tăng tốc để nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng không tạo áp lực, mà phải cùng đồng hành, hỗ trợ và động viên tích cực, giúp các em tự tin và đạt kết quả cao nhất”, ông Nguyễn Thanh Luận cho biết./.

 

Băng Thanh

 

Nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo

Nhằm tăng cường công tác giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về chủ quyền biển đảo, sáng nay (3/12), Bảo tàng tỉnh Cà Mau phối hợp với Phòng Văn hoá và Thông tin, Huyện đoàn U Minh tổ chức ngoại khoá cho đoàn viên, học sinh kết hợp triển lãm tư liệu, hình ảnh chủ đề “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam”.

Người truyền lửa đam mê môn Lịch sử

Hơn 10 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Hồ Hải Ðăng (34 tuổi), Trường THPT Cà Mau (TP Cà Mau), là người truyền cảm hứng, truyền lửa tình yêu môn Lịch sử, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ học sinh.

Phổ biến kỹ năng phòng chống đuối nước cho giáo viên

Tỉnh Cà Mau là địa phương có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, điều này mang lại lợi thế cho phát triển kinh tế thuỷ sản, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn đuối nước, đặc biệt là đối với trẻ em. Nhiều gia đình sống gần sông, kênh mương, nhưng điều kiện học bơi và trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước còn hạn chế.

Cây vú sữa trong trường học

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm 2 miền Nam - Bắc, đồng bào miền Nam chiến đấu ác liệt với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Tại Cà Mau, dù chịu nhiều gian khổ, hy sinh nhưng người dân vẫn luôn hướng về Ðảng và Bác Hồ kính yêu. Cây vú sữa trong vườn Bác đã trở thành biểu tượng về tấm lòng của Bác luôn nhớ tới đồng bào miền Nam ruột thịt phải chịu nỗi đau chia cắt đất nước.

Cô giáo yêu nghề, mến trẻ

Nhiệt huyết với nghề, mến trẻ và luôn phấn đấu trong giảng dạy, cô giáo trẻ Bùi Hồng Thích, giáo viên Trường Mầm non Hoạ Mi, xã Khánh Tiến, huyện U Minh là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Học để vui - Vui để học

“Năm học 2024-2025, trường đã triển khai Chương trình Học để vui - Vui để học, nhằm khuyến khích tinh thần học tập và tạo sân chơi bổ ích cho các em học sinh. Ðây là lần đầu tiên nhà trường áp dụng chương trình này, với hy vọng đem lại sự hứng khởi và những trải nghiệm thú vị cho học sinh”, thầy Hồ Quốc Cần, Hiệu trưởng Trường THCS Quách Phẩm Bắc, huyện Ðầm Dơi, chia sẻ.

Chăm sóc bữa ăn bán trú cho trẻ

Bữa ăn tại trường rất quan trọng đối với trẻ bậc mầm non, mẫu giáo. Ðể nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, thời gian qua, nhiều trường mầm non trên địa bàn TP Cà Mau đã quan tâm, tạo điều kiện cho cả giáo viên lẫn nhân viên cấp dưỡng nâng cao tay nghề, vì sự phát triển của các mầm non tương lai.

Giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng, giúp các em tự tin, chủ động và linh hoạt xử lý các tình huống trong cuộc sống.

Sáng tạo không gian xanh

Thực hiện công trình măng non và giúp các em học sinh yêu quý thiên nhiên, Trường Tiểu học Nguyễn Tạo (TP Cà Mau) đã sáng tạo một không gian xanh trong khuôn viên nhà trường để các em có nơi vui chơi, học tập.

Hào hứng cùng Gala Sách và Hành động PVCFC 2024 “Mũi mở sóng”

Ngày 24/11, Gala Sách và Hành động PVCFC 2024 “Mũi mở sóng” được tổ chức tại Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển với sự tham gia của gần 200 học sinh THPT đến từ các CLB Sách và Hành động PVCFC trên địa bàn tỉnh.