Sáng ngày 26/10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng giáo dục và cải thiện điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT”, nhằm đúc kết, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến công tác quản lý các hoạt động giáo dục và tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, hướng tới cải thiện điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT từ năm học 2024-2025 và nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Cà Mau.
Ban giám đốc Sở GD&ĐT chủ trì hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở GD&ĐT, ông Nguyễn Thanh Luận cho biết, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2024 của tỉnh đạt 99,11%, giảm so với 2 năm gần nhất là 2022 (99,16%) và 2023 (99,22%), nhưng tỷ lệ điểm trung bình của tất cả các bài thi/môn thi tăng so với 4 năm liền kề. Từ đó cho thấy, chất lượng dạy và học tăng lên. Theo tổng hợp điểm trung bình chung trong 5 năm cao hơn 0.01 điểm, xếp hạng trên 1 bậc so với khu vực và cả nước.
"Tuy nhiên, điều trăn trở nhất toàn ngành là điểm thi trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn nằm ở nửa sau bảng xếp hạng của cả nước. Và theo đánh giá về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 thì chỉ tiêu điểm thi trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Cà Mau ở mức “tiêu cực”, đây là một thông số đòi hỏi toàn ngành phải quan tâm và có giải pháp quyết liệt trong thời gian tới”, Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh.
Hiện tại, ngành đang triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018; theo đó, nhiều trường phổ thông có những cải tiến, cách làm hay, mô hình sáng tạo về nội dung và phương pháp dạy học nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thanh Luận kỳ vọng hội thảo sẽ đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm tiếp theo, nhất là năm 2025.
Nhằm cải thiện Chỉ số PCI theo mức “tích cực” và nâng cao điểm thi trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Cà Mau năm 2025 và những năm tiếp theo, tại hội thảo, Sở GD&ĐT đã nhận được các ý kiến của thầy cô là cán bộ quản lý, tổ chuyên môn, giáo viên cốt cán của các đơn vị, trường học, đặc biệt nhà giáo nguyên lãnh đạo Sở, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất phải pháp nhằm đưa giáo dục tỉnh Cà Mau nâng tầm hơn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu nằm trong tốp nửa trên của cả nước.
Hội thảo còn có sự tham dự của các nhà giáo nguyên lãnh đạo Sở GD&ĐT.
Đặc biệt, hội thảo có sự tham dự của Tiến sĩ Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu Trường Đại học Quốc gia TP.HCM.
Tiến sĩ Trần Nam Dũng chia sẻ: "Một trong những điều các em học sinh rất cần là nắm vững kiến thức cơ bản, đây là kiến thức vô cùng quan trọng. Do đó, khi giảng dạy, thầy cô cần lưu ý các em nắm vững kiến thức này, đừng đem đề thi của các kỳ thi tốt nghiệp THPT để đánh giá phần nào là quan trọng. Bởi, các kiến thức có mối quan hệ, đừng cắt bỏ kiến thức sẽ ảnh hưởng đến phần học hiểu và vận dụng, dẫn đến hỏng kiến thức. Để có kết quả thi tốt, công tác ôn thi phải triển khai bài bản, đồng thời hướng dẫn học sinh kỹ năng, rèn luyện cách thức chọn lựa câu hỏi đúng - sai, khai thác được kiến thức cơ bản ngay từ năm học lớp 10, 11. Có như vậy, các em mới có nền tảng tốt, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và những năm tiếp theo”.
Tiến sĩ Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu Trường Đại học Quốc gia TP.HCM, chia sẻ giải pháp giúp các em học sinh có nền tảng kiến thức tốt, từ đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT.
Hội thảo còn có 14 tham luận chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý và yếu tố cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT; kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo tổ chức ôn thi đối với các môn thi và các chuyên đề liên quan đến công tác ôn tập trong kỳ thi tốt nghiệp THPT; cũng như đưa ra giải pháp thực hiện để nâng cao chất lượng điểm trung bình thi THPT năm 2025 và những năm tiếp theo.
Giáo viên cần giúp học sinh nắm vững kiến thức cơ bản để làm nền tảng, có được những phương pháp học tập hiệu quả. (Ảnh chụp tại Trường THPT Cà Mau, TP Cà Mau)
Thông qua hội thảo, mỗi đơn vị, trường học tham gia còn có thêm nguồn tư liệu tham khảo, rút thêm được nhiều kinh nghiệm để định hướng thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ./.
Băng Thanh