Bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển; bão mạnh, siêu bão; mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng; sạt lở, sụt lún đất; hạn hán; xâm nhập mặn vùng ngọt... những loại hình thiên tai này không còn quá xa lạ với người dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhiều chương trình, đề án, dự án liên quan đến phòng, chống thiên đã được triển khai nhằm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
- Ðề phòng thiên tai mùa mưa bão
- Xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai
- Sẵn sàng nhiệm vụ cung cấp điện trước thiên tai
- Tập trung nguồn lực, tái thiết sau thiên tai
Hành động sớm để tăng cường khả năng thích ứng, chống chịu với thiên tai là phương châm xuyên suốt trong những năm qua của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và toàn thể người dân về những tác động của thiên tai cũng như giải pháp ứng phó theo từng loại hình.
Ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ gần như không có thời gian ngơi nghỉ, bởi nhiều loại hình thiên tai cứ nối tiếp nhau. Hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún đất gây hậu quả diện rộng chưa được khắc phục hoàn toàn thì hiện nay toàn tỉnh lại phải tính đến giải pháp ứng phó với mưa bão, ngập úng, dông lốc, triều cường...
Với sự chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin dự báo, cảnh báo sớm, nhiều giải pháp thích ứng với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và sụt lún đất đã được triển khai. Chính những hành động sớm đã phần nào giảm nhẹ thiệt hại.
Dự án hồ chứa nước ngọt tại xã Khánh An, huyện U Minh sẽ giúp Cà Mau chủ động hơn trong mùa khô, nhất là cung cấp nước sạch cho người dân, cũng như phòng cháy chữa cháy rừng.
Ông Ðỗ Minh Ðiền, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Cà Mau, cho biết, mùa khô năm 2015-2016, hạn hán, xâm nhập mặn và sụt lún đã gây ra thiệt hại khoảng 1.400 tỷ đồng, đến năm 2019-2020 con số này khoảng 800 tỷ đồng, riêng năm 2023-2024 thì mức độ thiệt hại do loại hình thiên tai này khoảng 30 tỷ đồng. Từ đó cho thấy công tác dự báo, cảnh báo ngày một chính xác hơn; công tác chỉ đạo của các cấp, các ngành sát với thực tế, ý thức của người dân không ngừng được nâng cao.
Cảnh báo sớm, chính xác là nhiệm vụ đặc biệt để giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai. Theo đó, đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư 51 trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn, sẽ giúp nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai trong thời gian tới. Không chỉ dừng lại ở việc cảnh báo đúng mà những thông tin này được truyền tải kịp thời đến rộng rãi người dân, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương, để có những bước ứng phó chủ động hơn. Tỉnh cũng tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, tổ chức tuyên truyền ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai bằng nhiều hình thức...
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN và Phòng thủ dân sự, cho biết, nhằm số hoá công tác thống kê, theo dõi, báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai các cấp trên địa bàn, tỉnh tiến hành nghiên cứu, thiết lập phần mềm thống kê thiệt hại trực tuyến, với 121 tài khoản đã được cấp quyền. Hệ thống bước đầu hoạt động thông suốt, liên tục. Ngoài ra, website Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cũng được đưa vào hoạt động đầu năm 2023. Ðây là kênh thông tin hữu ích giúp cộng đồng dân cư chủ động trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, giúp các cấp, các ngành sát sao hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục duy trì, nâng cấp chất lượng, công nghệ, mở rộng phạm vi sử dụng, ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác phòng, chống thiên tai như mạng xã hội Zalo, Facebook, mạng nội bộ IO, SMS, Website thời tiết...
Công nghệ hiện đại đã được các ngành, các cấp ứng dụng vào lĩnh vực PCTT thông qua việc truyền tin dự báo, cảnh báo thiên tai, sử dụng các thiết bị bay không người lái trong khảo sát sạt lở đất; phối hợp nghiên cứu, đưa vào thử nghiệm nhiều công nghệ mới trong xử lý sạt lở đất (đê trụ rỗng, công nghệ kè tạo bãi phòng chống sạt lở...); ứng dụng hệ thống giám sát cảnh báo thiên tai từ vệ tinh, hệ thống tự động góp phần làm tăng hiệu quả chỉ đạo, điều hành PCTT trên địa bàn tỉnh... Ðây là những bước hành động sớm có ý nghĩa quan trọng giúp giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai.
Lập phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai được xem là bước quan trọng giúp có những hành động sớm, kịp thời khi xảy ra thiên tai. Căn cứ theo cấp độ rủi ro thiên tai thường xảy ra trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã cập nhật 5 phương án ứng phó với các loại hình thiên tai. Cụ thể là: Phương án ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển; Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão; Phương án ứng phó mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng; Phương án ứng phó với sạt lở, sụt lún đất; Phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt. “Các phương án được xây dựng theo từng kịch bản ứng với lịch sử thiên tai đã từng xảy ra và có tính đến yếu tố bất thường”, ông Ðiền thông tin thêm.
Tuân thủ đúng lịch thời vụ là một trong những hành động sớm để giảm thiệt hại khi xảy ra thiên tai.
Hành động sớm và bố trí nguồn lực sẵn sàng đã và đang tiếp tục được các địa phương triển khai để ứng phó trong mùa mưa bão trước mắt. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 2.500 phương tiện bộ, thuỷ; hơn 150 nhà bạt, 200 máy bơm, 40 máy phát điện và hàng hoá dự trữ, cơ số thuốc, dụng cụ y tế... phục vụ công tác PCTT&TKCN. Không chỉ vậy, hiện nay, nguồn lực có thể huy động tham gia công tác PCTT toàn tỉnh hơn 29 ngàn người, bao gồm các ban, ngành, thanh niên, doanh nghiệp...
Những con số trên phần nào cho thấy công tác PCTT đang nhận được sự chung tay của toàn xã hội. Sự chung tay cùng hành động sớm trước khi xảy ra thiên tai sẽ giúp người dân được hỗ trợ kịp thời, nhanh hơn với chi phí thấp hơn nhưng mang lại hiệu quả cao.
Trong năm 2023, từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh, quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh, sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, các tổ chức quốc tế..., Cà Mau đã huy động được khoảng 802 tỷ đồng cho công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn.
Nguyễn Phú