(CMO) Cà Mau được thiên nhiên hào phóng ban tặng nhiều sản vật, nhất là các giống loài thuỷ sản, trong đó có cá nâu.
Chúng tôi về xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, gặp vợ chồng anh Hồ Hoàng Nam (quê xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời) chuyên sống bằng nghề chài cá trên sông ở xứ này. Anh Nam cho biết: “Mùa nước lên, cá nâu từ biển theo vào sông nhiều lắm. Năm nào cũng vậy, vợ chồng tôi mỗi ngày chạy xuồng máy vượt hàng chục cây số qua ấp Tân Quảng B, đoạn Kênh Ngang, Kênh 90, kênh Tân Tiến, kênh Nông Trường và cửa biển Sào Lưới để chài cá nâu. Trung bình mỗi ngày chài được 25 kg, thu về hơn 1 triệu đồng”.
Vợ chồng anh Hồ Hoàng Nam chuyên sống bằng nghề chài cá trên sông đoạn Kênh Ngang, ấp Tân Quảng B đến Kênh 90, kênh Tân Tiến của xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân. |
Khác với cách bắt cá nâu trên sông của anh Nam, người dân vùng vuông tôm xứ Thanh Tùng, Ngọc Chánh, Nguyễn Huân, Tân Tiến (huyện Ðầm Dơi) bắt cá nâu bằng cách xổ cạn nước trong vuông rồi thuốc bắt cá. Nếu như chưa tới mùa thuốc vuông thì bà con chất chà theo các con kênh trong vuông cho cá nâu dựa, rồi mò bắt chúng. Cách bắt này xem ra rất thú vị, bởi chất chà là một trong những hình thức đánh bắt cá dân gian của người dân Cà Mau từ xưa còn lưu giữ đến nay.
Thu hoạch cá nâu trong vuông tôm. |
Gia đình ông Huỳnh Trúc Ðường (kênh Trưởng Ðạo, ấp Hiệp Hoà Tây, xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi) mò cá nâu, về phân cỡ trước khi cân cho lái. |
Cá nâu có thân hình dẹp, lưng hình vòm, nhìn ngang gần như tròn. Cá nâu chế biến được rất nhiều món, ngon nhất là món cá nướng, kho trái giác.
Cá nâu kho trái giác - món đặc sản của xứ Cà Mau. |
Huỳnh Lâm