(CMO) Dự tính đã lâu, các bạn cùng phòng ký túc xá thời đại học mới sắp xếp được để đến “quê con bạn ở Cà Mau”.
Khi biết bạn dành được 2 ngày nghỉ cuối tuần để chơi ở quê mình, tôi lên kế hoạch: 1 ngày tham quan rừng đước, 1 ngày tham quan rừng tràm - hai hệ sinh thái đặc trưng của Cà Mau không phải nơi nào cũng có được.
Hí hửng thông tin những nơi sẽ đến, những hoạt động sẽ trải nghiệm và dự định ngày đầu ưu tiên đi rừng đước (tức Ðất Mũi), nhưng bị bạn bàn lui. Bạn nói, đã vượt hơn 300 cây số xe đêm từ Sài Gòn đến Cà Mau, còn đi thêm hơn 100 cây xuống Ðất Mũi, đuối! Chủ yếu bạn bè gặp, vui với nhau, đi đâu đó gần gần để thư giãn, thưởng thức vài món có tiếng của Cà Mau, vậy là đủ.
Có hơi cụt hứng, nhưng tôi vẫn “kèn cựa”: xuống tới Cà Mau, ở đến 2 ngày, mà không tham quan nơi chót cùng đất nước, đứng ở cột mốc toạ độ quốc gia chụp vài tấm ảnh… lấy le ở “cuối điểm cầu” thì thật tiếc!
Nghe bạn nói câu thòng “xuống rồi tính”, tôi cũng mừng thầm.
Ngày đầu tiên, các bạn thống nhất “đi gần gần” và chọn hòn Ðá Bạc, về ghé một điểm du lịch sinh thái rừng tràm.
Sau khoảng 50 cây số đường, mãn nhãn với vườn xanh, đồng rộng, nơi cần đã đến. Ðặt chân lên “viên ngọc xanh lấp lánh ánh bạc”, hứng làn gió biển, dang tay hít thở không khí trong lành, mặt ai cũng đầy sảng khoái. Những hòn đá mòn nhẵn mọc từ dưới biển, xếp chồng lên nhau, vun thành ngọn, lớn nhỏ đủ cỡ, đủ hình thù, dệt nên những câu chuyện huyền thoại về bàn tay tiên, sân tiên, giếng tiên… đầy thú vị. Những cây cổ thụ rễ len lỏi trên đá mà vẫn vững chãi, vươn mình trên thảm thực vật nguyên sinh dù hứng chịu bao nhiêu là gió bão, đã điểm cả một mảng xanh giữa biển trời mây nước. Sóng biển dưới chân hòn cứ ầm ào, bọt tung trắng xoá. Trông từ xa quả là “viên ngọc xanh lấp lánh ánh bạc” như lời của bạn. Thiên nhiên muôn đời vẫn là một hoạ sĩ tài hoa, tuyệt vời và huyền bí!
Nhiều cảnh đẹp tại hòn Ðá Bạc hớp hồn du khách.
Buổi trưa không nắng không mưa, thả mình trên những phiến đá, nghe cây xanh rì rào, sóng biển ầm ì như kể câu chuyện gì đó của thiên nhiên ngàn năm không dứt thì quả đầy thú vị. Có lần một người bạn bảo, nơi đây thật lý tưởng để thanh lọc tâm hồn, rửa trôi bao tháng ngày muộn phiền, bận rộn. Thậm chí, còn là liều thuốc chữa lành vết thương cho những kẻ… thất tình.
Không đủ thời gian leo lên đỉnh hòn, nơi có sân tiên, giếng tiên, nơi lưu dấu chiến tích CM12… để thăm thú, cũng là để phóng tầm mắt nhìn trời cao biển rộng, để thấy con đê biển Tây với những vệt xanh chạy dài mút tầm mắt, để thấy được thiên nhiên có phần “đặc cách” cho vùng đất này, cũng thấy tiếc. Nơi mà có lần tôi chia sẻ ước ao với những người bạn, nếu làm được bờ kè từ Ðông sang Tây, thì ngoài chống sạt lở, còn có thể kết nối đưa khách du lịch tham quan, khám phá trọn vẹn hơn những nét riêng của rừng, của biển, của đất và người ở xứ sở có tới 3 mặt giáp biển đặc biệt và duy nhất của cả nước này. Bạn lưng lửng nụ cười: Cứ mơ, rồi một ngày sẽ có.
Ðiểm tham quan rừng tràm trong chuyến hành trình, tôi chọn ghé Khu Du lịch Mười Ngọt. Các bạn lại có những trải nghiệm mới, vừa tham quan rừng tràm, thưởng thức món ăn dân dã miệt đồng và được tự tay dỡ lờ, thăm lọp…; nhất là được tận mắt thấy những tổ ong, thưởng thức ong non. Mọi hoạt động với các bạn đều lạ và hào hứng.
Nhiều hoạt động trải nghiệm tại Khu Du lịch Mười Ngọt thu hút khách tham quan.
Tiếc là tổ ong được công nhận đạt kỷ lục lớn nhất Việt Nam (dài 2,2 m, rộng 1 m, nặng 43 kg, chứa khoảng 15 lít mật) không còn, vì không bảo quản được, nhưng các bạn cũng tận mắt thấy những tổ ong dài gần 1 m, chứa 4-5 lít mật trong rừng tràm.
Nếu ở những nơi khác, mật ong được lấy tự nhiên trên cây hay được nuôi, thì ở U Minh việc lấy mật ong tự nhiên được sáng tạo bằng nghề đặc biệt gọi là gác kèo ong. Riêng việc sáng tạo cây kèo, rồi cách đặt kèo… cũng là một câu chuyện dài.
Những con ong hút mật bông tràm, làm tổ tự nhiên trên những cây kèo gác sẵn, được xếp vào loại mật ngon nhất nước. Và nghề gác kèo ong cũng được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - là niềm tự hào của xứ sở Cà Mau.
Một ngày đi có hơi mệt nhưng thật nhiều niềm vui!
Ngày thứ hai, các bạn trong tâm thế sẵn sàng tham quan Ðất Mũi.
Xe qua cầu Năm Căn, các bạn vô cùng thích thú được “rửa mắt” bởi những hàng đước đều tăm tắp hiện ra. Cứ thế, đước bạt ngàn suốt nửa trăm cây số dọc dài xuống chót mũi. Cảnh người dân đặt lú, những ngôi nhà chen lẫn giữa mênh mông là rừng… tạo cảm giác lạ lẫm, gây tò mò, thích thú với các bạn.
Công viên Ðất Mũi giờ quy hoạch, xây dựng lại đẹp hơn. Ðó là nhận xét của người bạn trong đoàn đã đến đây một lần từ 10 năm trước. Tôi nói với bạn, lãnh đạo tỉnh, địa phương và ngành văn hoá những năm qua rất tâm huyết cho phát triển du lịch theo đặc trưng riêng của xứ sở này.
Anh bạn trong đoàn lượm trái đước ngắm nghía và thích thú khi nghe tôi bảo, lúc trái già sẽ rụng đứng, ghim xuống bùn. Cứ thế, rừng đước sinh sôi… Rồi anh chiêm nghiệm: Nếu Cà Mau mất đi rừng đước, thì không còn ý nghĩa gì.
Du khách thích thú chụp hình trong rừng đước.
Mải mê chụp hình trong rừng đước cổ thụ với nhiều kiểu chang đước hình thù thú vị, check in cột mốc toạ độ, biểu tượng mũi con tàu nên chiếm nhiều thời gian, những điểm còn lại chỉ kịp đi lướt qua.
Chúng tôi đặt ăn ở nhà dân, kiểu làm du lịch sinh thái. Các bạn lại được thêm trải nghiệm ngồi xuồng máy lướt trên sông. Chủ nhà cởi mở, thân thiện, món ăn ngon, đó là nhận xét của các bạn. Và đặc biệt, món cua gạch hấp làm các bạn mê tít, vấn vương lòng.
Thời gian vội vã, không đưa được các bạn lên đỉnh Cột cờ Hà Nội ở Mũi Cà Mau để nhìn bao quát biển, rừng nơi cuối đất, với “mũi thuyền” rẽ sóng ra khơi như cách ví von của Nhà thơ Xuân Diệu; để nhìn rõ bên trái là biển Ðông, bên phải là biển Tây, nơi duy nhất trên đất nước có thể quan sát mặt trời mọc lên và lặn xuống từ biển. Không đưa được các bạn luồn rừng bằng vỏ lãi hoặc canô để ra bãi bồi và tham quan bãi nghêu dài hàng chục cây số, tham gia bắt và tự tay chế biến, thưởng thức món nghêu đặc sản Cà Mau.
Khách du lịch hào hứng "đánh dấu" điểm đến tại Mốc toạ độ quốc gia.
Tuy vậy, bạn vẫn thấy vui vì có nhiều trải nghiệm. Chủ nhà vui vì khách được vui.
Chia tay, không hẹn nhau, nhưng lòng thầm nhủ, sẽ lại mời các bạn về thăm, khi Cà Mau có thêm nhiều điểm đến./.
Trang Thăm